Trang bị kiến thức về giới tính cho học sinh ở An Khê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhằm trang bị cho các em học sinh những kiến thức đúng đắn về giới tính và kỹ năng giữ an toàn cho chính mình, thị xã An Khê, Gia Lai vừa phối hợp với nhóm thiện nguyện “Sách và trẻ thơ” (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức tuyên truyền về giáo dục giới tính và phòng-chống xâm hại trẻ em tại các trường tiểu học trên địa bàn.
Kiến thức bổ ích, thiết thực
Ông Đào Phan Đình Tài-Trưởng nhóm thiện nguyện “Sách và trẻ thơ”-cho biết: Để các em học sinh tiếp cận các kiến thức về giáo dục giới tính và kỹ năng phòng-chống xâm hại, nhóm đã tham khảo nhiều tài liệu rồi soạn ra bộ giáo án với những nội dung phù hợp với lứa học sinh tiểu học. Theo đó, các kiến thức về giới tính và an toàn thân thể; các khu vực riêng tư và đối tượng được tiếp xúc; phân biệt đụng chạm an toàn và không an toàn; cách thức phản ứng khi có đụng chạm không an toàn; cách ứng xử nếu rủi ro bị xâm hại tình dục; cách lưu ý khi tiếp xúc với người lạ… được nhóm quan tâm, chú trọng trong truyền thông, phổ biến”.
Trong quá trình tuyên truyền, các giảng viên trong nhóm đã đến từng lớp học để làm quen, tạo sự gần gũi với học sinh, qua đó giúp các em tiếp cận với những kiến thức cơ bản về giới tính và thực hành kỹ năng phòng-chống xâm hại một cách thuận lợi. Em Nguyễn Ngọc Thảo Vy (lớp 5A4, Trường Tiểu học Ngô Mây, phường An Phú) vui vẻ kể: Khi vào lớp, cô làm quen và tổ chức các trò chơi để chúng em cảm thấy thoải mái. Sau đó, cô hỏi chúng em về cách phân biệt giữa bạn nam và nữ. Cô còn dặn, nếu người lạ chạm vào người mà cảm thấy khó chịu thì hét to, bỏ chạy, kêu cứu, về nhà phải ngay lập tức kể lại cho bố mẹ, ông bà và kể chuyện cho các bạn cùng lớp biết. Khi chơi, chúng em cũng không được chơi một mình nơi vắng người. Em thấy tiết học này rất bổ ích, gần giống như giờ khoa học ở trường, giống như lời thầy cô dạy bảo trong các tiết chào cờ, sinh hoạt đội hay những lời dặn của cha mẹ hàng ngày.
 Một tiết học về giáo dục giới tính và kỹ năng phòng-chống xâm hại cho học sinh tiểu học trên địa bàn thị xã An Khê. Ảnh: N.M
Một tiết học về giáo dục giới tính và kỹ năng phòng-chống xâm hại cho học sinh tiểu học trên địa bàn thị xã An Khê. Ảnh: N.M
Tương tự, em Nguyễn Thành Danh (lớp 2A, Trường Tiểu học và THCS Võ Nguyên Giáp, xã Thành An) chia sẻ: Cô dạy chúng em không được nhận bánh, kẹo từ người lạ; khi tiếp xúc với người lạ đứng xa ít nhất là 3 bước chân… Nếu gặp phải người xấu có hành vi chạm vào người thì đẩy tay ra, đồng thời hét thật to “Cứu tôi với”, rồi chạy về nhà kể lại ông, bà, cha, mẹ, thầy, cô. Cô còn gọi lần lượt từng bạn trong lớp lên thực hành cách bỏ chạy thật nhanh, tùy theo tình huống mà có thể vung tay, hay cào, cắn...”.
Ngoài truyền thông các kiến thức về giáo dục giới tính và phòng-chống xâm hại cho các em học sinh, nhóm thiện nguyện cũng phổ biến những thông tin về các nguy cơ bị xâm hại tình dục ở trẻ tại gia đình, nhà trường và môi trường ngoài gia đình, trường học; hậu quả khi trẻ bị xâm hại tình dục; cách thức phòng tránh bị xâm hại tình dục ở trẻ… cho cán bộ, giáo viên các nhà trường và cha mẹ học sinh.
Chung tay bảo vệ trẻ em
Theo nhận xét của các chuyên gia tâm lý, để bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục, ngoài trang bị đầy đủ những kiến thức căn bản về giới tính, kỹ năng phòng-chống xâm hại cho trẻ thì rất cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội mà gia đình đóng vai trò trọng tâm. Chị Nguyễn Thị Sương-phụ huynh của em Nguyễn Thị Thanh Trúc (lớp 1C, Trường Tiểu học và THCS Võ Nguyên Giáp) tâm sự: Thời gian gần đây, tôi nghe thông tin trên đài, báo nói nhiều về tình trạng xâm hại tình dục ở trẻ em. Có con gái trong nhà nên vợ chồng tôi rất quan tâm, chú ý bảo vệ con. Nhà ở gần trường và bận việc đồng áng nhưng tôi luôn thu xếp công việc để đưa đón con đi học. Bên cạnh đó, tôi cũng chủ động tham khảo thêm kiến thức ở sách, báo để dạy con về các bộ phận trên cơ thể, bao gồm cả vùng kín; dạy cách phản ứng gay gắt với những hành động thái quá khiến con khó chịu; không mở cửa cho người lạ vào nhà; dặn con đi vệ sinh cũng nên rủ các bạn nữ trong lớp đi cùng”.
Cũng có mối quan tâm như chị Sương, anh Nguyễn An Quang-phụ huynh học sinh Nguyễn Thành Danh (lớp 2A, Trường Tiểu học và THCS Võ Nguyên Giáp) bộc bạch: Tôi ở thôn 6, xã Đak Hlơ, huyện Kbang. Đường từ nhà đến trường thì xa, con còn nhỏ, cho nên nếu bận việc, chúng tôi phải nhờ ông bà nội đưa đón, không để con tự đi học. Được các giảng viên truyền đạt những kiến thức về phòng-chống xâm hại trẻ em, chúng tôi có thêm kiến thức để bảo vệ con em mình”.
Ông Nguyễn Hữu Hưng-Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã An Khê-cho biết: “Việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về an toàn và phòng-chống xâm hại trẻ em đã được ngành triển khai trong nhiều năm qua. Lần này, chúng tôi mời các giảng viên chuyên ngành Tâm lý học, Giáo dục học về truyền thông để giúp các em học sinh tiểu học hiểu rõ hơn các kiến thức về giới tính và cách phòng-chống xâm hại. Buổi truyền thông cũng góp phần nâng cao nhận thức của các bậc phụ huynh trong việc phối hợp với nhà trường, các ngành liên quan trong công tác bảo vệ trẻ em”.
 NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Làm gì để tránh rắc rối trong "chuyện ấy"?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu, huyết áp cao, béo phì và căng thẳng. Để tránh rắc rối trong “chuyện ấy“, nam giới cần duy trì một lối sống lành mạnh bên cạnh chế độ ăn uống khoa học.
Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse điều trị vô sinh

Ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse điều trị vô sinh

Bệnh viện (BV) Nam học và hiếm muộn Hà Nội cho biết đã ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy, theo dõi phôi tự động Timelapse trong điều trị vô sinh, giúp tăng cơ hội chuyển phôi thành công và sinh con khỏe mạnh. Chuyên viên phôi học thao tác trên hệ thống nuôi cấy và theo dõi phôi tự động Timelapse
Cà rốt tốt cho sức khỏe nam giới

Cà rốt tốt cho sức khỏe nam giới

Cà rốt có thể giúp cải thiện khả năng sinh sản của phái mạnh. Đó là nhờ cà rốt chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu như carotenoid, chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống ô xy hóa.