Trăn trở Tơ Vơn 2

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng Tơ Vơn 2 (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cách quốc lộ 14 chưa đầy 2 km và cách trung tâm xã chừng 3 km. Những tưởng đó là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển kinh tế, song cuộc sống của bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Con đường bê tông dẫn vào làng Tơ Vơn 2 (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) được Nhà nước đầu tư giúp bà con đi lại thuận tiện. Ảnh: Phương Linh
Con đường bê tông dẫn vào làng Tơ Vơn 2 (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) được Nhà nước đầu tư giúp bà con đi lại thuận tiện. Ảnh: Phương Linh

Tôi về làng Tơ Vơn 2 lần đầu tiên vào cuối năm 2015. Khi ấy, ngôi làng nghèo xơ xác đang chìm trong nỗi buồn sau vụ tai nạn giao thông khiến 5 người tử vong và 9 người bị thương.

Lần này đến làng, nhìn con đường bê tông thẳng tắp, rộng rãi nối quốc lộ 14 vào làng thay con đường đất nhỏ hẹp trước đó khiến tôi nghĩ đến sức sống mới từ ngôi làng này. Thế nhưng, qua khỏi chiếc cổng chào, hiện ra trước mắt tôi vẫn là những ngôi nhà xập xệ, cũ kỹ, đôi ba quán tạp hóa ọp ẹp, trường học với bờ rào xộc xệch, những mảng tường đỏ quạch bụi đất…

Dưới gốc cây ven đường, thanh niên tụ tập cạnh những chiếc xe máy chỉ còn trơ khung cười nói rôm rả. Ở một góc khác, nhiều trẻ em mặt mũi nhem nhuốc chăm chú vào màn hình chiếc điện thoại. Thấy người lạ đến, chúng nhanh chóng tản ra, mỗi đứa đi về mỗi hướng.

Anh Siu Kot-Công an viên xã Ia Khươl, cũng là người làng Tơ Vơn 2-khẽ lắc đầu: “Mấy đứa nhỏ này ngoài thời gian đi học thì thường xuyên tụ tập. Vừa rồi, xã bắt được mấy trường hợp trộm cắp vặt, đều là trẻ con ở làng này”.

Chỉ tay về cậu bé Rơ Châm Thê đang đứng tựa hàng rào lấm lét nhìn chúng tôi, anh Kot cho hay: “Thê còn em trai tên là Thương. Cha mất sớm, người mẹ bỏ con ở lại làng rồi sang xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa) sinh sống. Hiện 2 anh em sống cùng bà nội và đều không được đi học. Thương thường trộm vặt bị bắt quả tang mấy lần”.

Cũng theo anh Kot, UBND xã đã đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội xem xét, tạo điều kiện đưa 2 em về sống và sinh hoạt tại Làng trẻ em SOS Pleiku. Riêng thanh niên, ngoài số đi làm ăn xa, số còn ở làng thì đa phần nghỉ học sớm, thu nhập bấp bênh từ công việc làm thuê theo mùa vụ. Đó cũng là nguồn thu chủ yếu của hầu hết gia đình ở làng Tơ Vơn 2.

Làng Tơ Vơn 2 hiện có 58 hộ thì có 23 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo. Bà Trần Thị Yến Vân-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khươl-cho biết: “Trước đây, hầu như nhà nào cũng có đất rẫy nhưng cứ bán dần bán mòn. Cuối cùng, tiền tiêu hết mà đất sản xuất cũng không còn. Tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ khiến bà con làng Tơ Vơn 2 cứ mãi lạc hậu, lười lao động.

Có hộ nghèo được cấp bò bèn dắt lên núi, buộc lại ở đó rồi đi về không chăm sóc. Đến khi cán bộ xã đi kiểm tra thì con bò đã sắp chết. Cái nghèo vì thế cứ mãi đeo đuổi. Dù các cấp chính quyền đã tích cực vận động, tuyên truyền, nhưng mỗi khi tang ma, cưới hỏi, dù còn nghèo khó song bà con vẫn tổ chức kéo dài, say xỉn liên miên”.

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khươl cho biết thêm, Tơ Vơn 2 là làng đặc biệt khó khăn. Thời gian qua, xã cũng đã ưu tiên nguồn lực hỗ trợ cho dân làng, vận động các đoàn thể xây dựng các mô hình kinh tế như: nuôi dê, nuôi bò. Dù vậy, đời sống của người dân vẫn chưa có nhiều chuyển biến tích cực.

“Dân làng không có đất sản xuất, nhiều gia đình lại đông con, có nhà đến 8 người con thì khó thoát nghèo. Chúng tôi cũng rất trăn trở, tìm mọi cách để hỗ trợ bà con song hiệu quả chưa cao”-bà Vân chia sẻ.

Công trình giếng khoan được đầu tư là tia hy vọng để bà con làng Tơ Vơn 2 (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi, cải thiện cuộc sống. Ảnh: Phương Linh
Công trình giếng khoan được đầu tư là tia hy vọng để bà con làng Tơ Vơn 2 (xã Ia Khươl, huyện Chư Păh) cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi, cải thiện cuộc sống. Ảnh: Phương Linh

Ngoài con đường bê tông do Nhà nước đầu tư thì công trình giếng khoan bên cạnh điểm trường Tiểu học làng Tơ Vơn 2 do một Mạnh Thường Quân tài trợ là điểm mới nhất mà tôi cảm nhận được ở ngôi làng “nghèo bền vững” này. Công trình sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu nước sạch của dân làng. Đây cũng là tia hy vọng của chính quyền xã Ia Khươl trong việc vận động bà con sử dụng nguồn nước để cải tạo vườn tạp, trồng thêm rau màu, phát triển chăn nuôi, từng bước cải thiện cuộc sống.

Phó Chủ tịch UBND xã Ia Khươl mong mỏi: “Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các đoàn thể tuyên truyền, vận động, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con. Thay vì cho họ “con cá”, chúng tôi sẽ trao “cần câu”, giúp họ tiếp cận với các nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi, cải tạo vườn tạp trồng các loại cây ăn quả chịu hạn hoặc trồng thêm rau màu. Mong rằng, bà con làng Tơ Vơn 2 sẽ ngày càng thay đổi trong nhận thức để cùng nhau vươn lên thoát nghèo”.

PHƯƠNG LINH

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

Khởi sắc những vùng quê nông thôn mới

(GLO)-Với việc huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, huy động nguồn lực thực hiện, đến nay, nhiều xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bên cạnh diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân tại các xã nông thôn mới cũng được nâng lên rõ rệt.