Trần Bảo Sơn: Người "truyền lửa" đam mê võ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Võ sư Trần Bảo Sơn-Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh Gia Lai được đồng nghiệp cùng các thế hệ học trò kính trọng bởi những thành tích đáng nể thời còn thi đấu lẫn khi chuyển sang công tác huấn luyện. Những cống hiến của anh đã góp phần nâng cao vị thế của tỉnh trên bản đồ thể thao nước nhà ở một số môn võ như: wushu, kick boxing, võ thuật cổ truyền.
Từ võ sĩ tài năng
Trần Bảo Sơn xuất thân trong một gia đình có truyền thống võ học ở thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa. Gia đình anh là di dân từ tỉnh Bình Định lên xây dựng kinh tế mới sau ngày giải phóng. Thấy Sơn và anh trai là Trần Bảo Khánh đam mê võ thuật, năm 1995, gia đình gửi cho võ sư Phùng Bảo Châu dạy dỗ.
Anh Sơn nhớ lại: “Thỏa ước nguyện học võ, hai anh em chăm chỉ tập luyện. Ngoài giờ học ở võ đường, chúng tôi còn tranh thủ tập thêm khi ở nhà hoặc lúc ra đồng phụ việc cha mẹ. Nhờ vậy mà sau khi tốt nghiệp THPT, tôi thi đậu vào chuyên ngành Võ vật của Trường Đại học Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh”.
Võ sư Trần Bảo Sơn và con gái Trần Nguyễn Bảo Ngọc. Ảnh: Thiên Di
Võ sư Trần Bảo Sơn và con gái Trần Nguyễn Bảo Ngọc. Ảnh: Thiên Di
Ông Nguyễn Văn Ý-Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh: “Anh Trần Bảo Sơn là một trong những huấn luyện viên giỏi ở Trung tâm. Với trình độ chuyên môn cao, anh đã đào tạo được nhiều vận động viên giỏi cho thể thao tỉnh, trong đó có nhiều em được triệu tập lên đội tuyển quốc gia. Những năm qua, học trò của anh Sơn liên tục mang vinh quang về cho tỉnh nhà khi thi đấu tại các giải trong nước và quốc tế”.

Ở TP. Hồ Chí Minh, ngoài học ở trường, anh Sơn còn theo võ sư Lê Thanh Tùng học võ. Và, những nỗ lực không biết mệt mỏi đó đã được đền đáp xứng đáng. Đầu năm 1998, khi lần đầu tiên bước lên sàn đấu tại Giải vô địch Võ thuật cổ truyền TP. Hồ Chí Minh, anh Sơn xuất sắc giành ngôi vị cao nhất ở hạng 51 kg. Sau giải, anh được tuyển chọn vào đội tuyển võ thuật TP. Hồ Chí Minh. Năm sau, tại Giải vô địch Võ thuật cổ truyền toàn quốc diễn ra ở tỉnh Bình Định, Trần Bảo Sơn giành huy chương vàng hạng 51 kg cho đoàn TP. Hồ Chí Minh.

Sau giải này, theo lời mời gọi của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Gia Lai, võ sĩ Trần Bảo Sơn chuyển về đầu quân cho tỉnh nhà. Ngay trong lần đầu tiên thi đấu dưới màu áo Gia Lai, võ sĩ này đã giành huy chương vàng hạng 51 kg Giải Võ thuật cổ truyền miền Trung-Tây Nguyên.
Năm 2000, anh tiếp tục giành giải nhất nội dung 51 kg tại Giải vô địch Võ thuật cổ truyền toàn quốc. Đến năm 2001 và 2002, Trần Bảo Sơn chuyển sang thi đấu môn wushu và giành được 1 huy chương bạc nội dung tán thủ tại giải toàn quốc rồi giã từ sự nghiệp.
Đến người thầy đáng kính
Vì còn muốn đóng góp cho thể thao tỉnh nhà, năm 2005, Trần Bảo Sơn ở lại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao để đảm nhiệm vai trò huấn luyện viên môn võ thuật cổ truyền. Những năm sau, anh chuyển qua huấn luyện môn wushu và kick boxing. Hơn 15 năm làm công tác huấn luyện, võ sư Trần Bảo Sơn đã góp công không nhỏ trong việc ươm mầm tài năng thể thao cho tỉnh.
Huấn luyện viên Trần Bảo Sơn hướng dẫn kỹ năng cho các VĐV. Ảnh: Thiên Di
Võ sư Trần Bảo Sơn hướng dẫn kỹ năng cho các học trò. Ảnh: Thiên Di
Học trò nổi trội nhất mà võ sư Trần Bảo Sơn từng huấn luyện là võ sĩ Phan Văn Minh. Từ năm 2007 đến 2017, võ sĩ này liên tục giành huy chương vàng hạng 80 kg tại các giải đấu toàn quốc của 3 môn: võ thuật cổ truyền, wushu, kick boxing. Đặc biệt, tại Đại hội Thể thao châu Á do Hàn Quốc đăng cai năm 2012, Phan Văn Minh giành huy chương đồng hạng 80 kg cho đội tuyển kick boxing Việt Nam.
“Sự chỉ dạy ân cần của thầy Sơn đã giúp chúng tôi thích ứng tốt và đạt thành tích cao tại các giải đấu. Thầy là người mang về cho tỉnh Gia Lai nhiều thành tích nhất ở 3 môn võ là wushu, kick boxing, võ thuật cổ truyền. Hầu như năm nào, các học trò của thầy cũng đều mang về cho tỉnh 4-6 huy chương vàng. Riêng tôi có những năm mang về 3 huy chương vàng”-võ sĩ Phan Văn Minh bộc bạch.
Ngoài Phan Văn Minh, nhiều võ sĩ khác như: Trần Thị Tuyết Nhung, Lê Thảo Vy, Lê Thạch Toại, Đỗ Thị Trang, Phạm Thị Xoan, Lê Thị Nhi, Nguyễn Thị Thùy Linh… cũng đã trưởng thành dưới sự chỉ dạy tận tình của võ sư Trần Bảo Sơn. Nhiều người trong số này đã và đang góp mặt tại một số đội tuyển võ thuật quốc gia.
Nhớ về người thầy của mình, võ sĩ Trần Thị Tuyết Nhung xúc động: “Với chúng tôi, thầy giống như một người cha. Thầy quan tâm, lo lắng cho chúng tôi từ việc luyện tập đến từng miếng ăn, giấc ngủ. Khi vào giải, thầy có những điều chỉnh hợp lý để chúng tôi thi đấu tốt hơn nên đã giành được thứ hạng cao. Hiện tôi vẫn liên lạc với thầy và được truyền đạt những kinh nghiệm quý để áp dụng vào công việc huấn luyện tại đội tuyển tỉnh Tây Ninh”.
THIÊN DI

Có thể bạn quan tâm

Hàng năm, các giải thể dục-thể thao được địa phương tổ chức. Ảnh: K.P

Ia Nhin đẩy mạnh phong trào thể dục thể thao quần chúng

(GLO)- Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Ia Nhin (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) đã quan tâm, đẩy mạnh các hoạt động thể dục thể thao, góp phần nâng cao đời sống, sức khỏe, tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

U80 vẫn đam mê chạy bộ

U80 vẫn đam mê chạy bộ

(GLO)- Dù tuổi cao nhưng vợ chồng ông Lê Đình Quốc (SN 1950, tổ 7, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) và bà Lê Thị Thu (SN 1952) vẫn tham gia đều đặn các giải chạy bộ trong và ngoài tỉnh. Sức khỏe và nghị lực của cặp runner U80 này khiến nhiều người thán phục.

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

(GLO)- Sau 2 lần tổ chức, Giải Việt dã “Chinh phục đỉnh Pờ Yầu” đã tạo nên thương hiệu trong làng việt dã. Cuối tuần này, 550 vận động viên (VĐV) sẽ tiếp tục chinh phục cung đường lên đỉnh Pờ Yầu (làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Giải chạy hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn.

Sức sống từ thể thao đô thị

Sức sống từ thể thao đô thị

Giải Pickleball vô địch quốc gia lần thứ nhất sắp khởi tranh có đến hơn 60 câu lạc bộ (CLB) trên toàn quốc tham gia. Qua đó cho thấy tốc độ phát triển như của môn thể thao này dù mới “gia nhập” vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây.

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

(GLO)- Từng là “cái nôi” của bóng chuyền dân tộc thiểu số nhưng sau đó, Krông Pa rơi vào khoảng trống về tài năng. Hiện nay, những người đam mê môn thể thao này vẫn âm thầm ươm tài năng trẻ với hy vọng vực dậy phong trào bóng chuyền nơi “chảo lửa”.

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

(GLO)- Sau hơn 1 tuần tranh tài sôi nổi tại TP. Pleiku, Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 đã khép lại với những dấu ấn đáng nhớ. Những đổi thay về luật thi đấu, độ tuổi, hạng cân, trang phục của vận động viên (VĐV)... được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt để đưa tinh hoa võ Việt vươn xa.