Thời thơ ấu, tôi không hề mơ thành nhà văn. Tôi vẫn ôm giấc mộng bác sĩ tâm lý. Một đứa trẻ 12, 13 tuổi suốt ngày đọc truyện cổ tích sẽ được gieo tiềm thức rằng cứ ước mơ là sẽ làm được.
|
Tự học con chữ ở nhà đã đưa tôi bay xa với văn chương - Ảnh: NVCC |
Cuộc đời bế tắc thì cứ ngồi khóc thể nào cũng có bà tiên hiện ra ban cho điều ước. Và đêm nào tôi cũng nằm khóc, vì một phần ban ngày tôi phải nghe những lời tiêu cực dành cho mình và gia đình sinh ra tôi khuyết tật như vậy.
Tìm "bà tiên" của đời mình
Từng có những đêm khi gia đình đã chìm vào giấc ngủ, tôi lại bò dậy ngồi khóc. Như trong truyện cổ tích nếu thức đến 12h đêm thể nào cũng được bà tiên giúp. Thậm chí có đêm tôi nhìn bàn thờ Phật và cũng cầu xin Phật ban phép cho tôi thành người bình thường để tôi đi học, đi làm và không còn là gánh nặng cho ba mẹ tôi.
Mãi sau này tôi mới nhận ra rằng: "Chỉ có chính mình mới là bà tiên của đời mình!". Tôi nghĩ cổ tích không phải bao giờ cũng đúng. Nhất là những chuyện như Tấm Cám, hình ảnh cô gái lúc nào cũng phải ngoan hiền, cam chịu rồi ngồi khóc lóc chờ ai đó đến cứu mình.
Từ nhỏ, tôi đã ý thức sau này mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình lẫn xã hội. Chắc tại tôi sinh trong gia đình nghèo nên "nỗi lo mai này" đến rất sớm, dù ban ngày tôi vẫn "diễn tròn vai" cô bé ngây thơ...
Còn ba tôi vẫn tiếp tục mua sách báo cho tôi đọc. Mẹ thì vẫn nuôi tôi ăn uống mỗi ngày và nhìn cơ thể tôi phát triển khiếm khuyết với nỗi lo sợ mơ hồ.
Em tôi vẫn phụ mẹ chăm sóc tôi và dạy tôi học. Còn họ hàng nội ngoại vẫn yêu thương tôi hơn những đứa trẻ khác, vì họ nghĩ tôi sinh ra đã thiệt thòi, như phải gánh hết "nghiệp" cho gia đình.
16 tuổi, cuộc đời đã cho tôi "cái tát" đầu tiên khi nhìn thấy những đứa bằng tuổi mình đã vào cấp III, nghĩa là tụi nó sắp vào đại học, còn tôi cứ ngồi co ro xó nhà. Tôi đâm chán ghét mọi thứ, cộc cằn hay chửi bậy và chỉ muốn tự tử.
Tôi muốn chết để chạy trốn thực tại. Tôi bắt đầu oán giận mọi thứ, tôi gào thét vì sự bất công của ông trời dành cho mình, và chỉ cần trong nhà có gì không vừa ý là thế nào tôi cũng đòi tự tử. Tôi còn mắc chứng béo phì vào thời điểm đó vì suốt ngày chỉ ăn và nằm.
Nhưng không hiểu sao tôi vẫn mê mẩn đọc sách báo. Cứ hằng tuần vào ngày thứ hai, ba lúc 14h chiều, tôi ngồi nơi hiên nhà chờ chú bưu tá đưa báo.
Bởi ba tôi đã góp tiền để đặt báo hằng quý cho tôi. Lúc đó tôi đã trân trọng những tờ hóa đơn của ba tôi đặt báo và tự hứa bản thân sau này phải thành công để trả ơn ba. Vậy nên sách báo tôi và em gái tôi giữ gìn rất cẩn thận.
Từ khi biết đọc, tôi đã có thói quen sách báo tuyệt đối không được làm nhăn hay cắt xé lung tung, mà phải xếp ngay ngắn lên kệ mỗi khi đọc xong. Bởi ba tôi thường dạy rằng: "Sách là thầy!".
|
Tôi dần hiểu rằng chỉ có tôi mới là bà tiên của đời mình - Ảnh: NVCC |
Học viết văn
Nhờ đọc nhiều sách báo, nhất là chuyện những người thành công mà qua năm 16 tuổi, tôi đã tự vạch ra "chiến lược" cho đời mình! Dần dần tôi nghĩ tại sao sau này mình không là nhà văn nổi tiếng để kể lại chuyện đời mình?
Tôi hừng hực khí thế và tự nhủ: "Ta sẽ tự tạo ra phép mầu cho chính cuộc đời mình!". Nhưng thực tế cuộc đời lại tiếp tục cho tôi thêm "cái tát" nữa, bởi thứ bạn tưởng tượng và thứ bạn viết ra giấy là hai thứ khác nhau.
Nhất là khi tôi không được đi học và cũng chẳng được tiếp xúc nhiều với thế giới bên ngoài. Nhưng lần này tôi không nhìn vào bế tắc, phương án của tôi là cứ đi hỏi, thay vì sợ bị chê cười cho sự ngu dốt của mình.
Lúc đó nhà tôi có chị con của bạn mẹ tôi đang học chuyên văn, lớn hơn tôi 1 tuổi và ở nhờ nhà tôi để đi học cho gần. Thế là tôi "túm" lấy chị để hỏi ngữ pháp, chính tả và cấu trúc bài văn... Toàn bộ sách văn của chị tôi đều được đọc ké.
Nhà không có điều kiện mua máy vi tính, và phải đến năm tôi 19 tuổi thì ba mới xin được cái PC cũ của Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội. Ba có duyên lái xe phục vụ đoàn trường đại học này vào quê tôi để dạy cán bộ ở quê. Khi nghe chuyện tôi, các thầy đã xin cho tôi cái PC cũ trong khoa họ.
... Cuối cùng, sau mấy tháng vất vả, ngày 2-8-2002 tôi cũng hoàn thành xong tác phẩm đầu đời trong mớ hỗn độn con chữ.
Với tôi, lúc đó viết văn là cách giúp tôi quên đi thực tại khắc nghiệt và mở ra chân trời mới. Và từ lúc 19 tuổi, tôi đã tự kiếm tiền bằng chính công sức của mình, dù ít ỏi cũng đã là niềm vui khi tin rằng sau này mình sẽ không là gánh nặng cho ai.
Tôi cộng tác cho chương trình Tuổi Trăng Tròn của Đài phát thanh Quảng Trị với trung bình bốn bài một tháng, rồi sau cộng tác cho báo Mực Tím, Giác Ngộ, Tuổi Trẻ...
Ngoài ra, tôi còn học online. Thời mà blog Yahoo vẫn thịnh hành, tôi đã mon men tìm những blogger viết văn, viết báo hay dạy văn để làm quen và rất may tìm được cô gái dạy văn sống cùng Đông Hà. Vậy là tôi add nick Yahoo để trình bày hoàn cảnh với cô.
Thế rồi những tối nào cô không bận việc thì từ 19h-21h, cô tranh thủ dạy tôi học online bằng cách giải đáp những câu hỏi của tôi. Học với nhau mấy tháng trời, tôi mới hẹn cô lên nhà chơi. Khỏi phải nói cô trò gặp nhau ở ngoài xúc động biết nhường nào...
Trong sáu năm, tôi đã hoàn thành tác phẩm Giấc mơ đôi chân thiên thần gồm 20 truyện ngắn. Rồi mất gần hai năm trời tôi đem bản thảo đi chào hàng các nhà xuất bản.
Mỗi lần bị từ chối, thay vì chán nản tôi lại dành thời gian để hoàn thiện bản thảo hơn. Tôi học cách lắng nghe những nhận xét để tự hoàn thiện kỹ năng viết và quyết tâm không từ bỏ mục tiêu của mình.
Đó là khoảng thời gian tôi ra ngoài tự lập được hai năm. Với chiếc xe đẩy hỗ trợ đôi chân khuyết tật, tôi rong ruổi ở HN để đi tìm nhà xuất bản chịu mua bản thảo của mình.
Mãi đến tháng 6-2009, cuốn sách đầu tay của tôi mới được xuất bản. Tuy nhiên, cuộc đời lại ban tặng tôi thêm "cái tát" đau điếng. Toàn bộ số tiền nhuận bút cho đợt in sách của tôi bị người ta lừa lấy sạch.
Không những vậy, đến khi tổ chức họp báo ra mắt sách tại Trường viết văn Nguyễn Du, tôi được độc giả tặng cho một số tiền cũng "đi" luôn. Sự non nớt của cô gái 23 tuổi khuyết tật, nghèo khổ, mới bước ra đời liền bị hai cú đau đến cùng thời điểm đã cho tôi bài học.
Sau khi họp báo ra mắt sách ở Hà Nội, tôi lên xe trở về Đông Hà. Sáng hôm sau tôi xuống bến xe, nhưng do điện thoại hết pin nên tôi không thể gọi người nhà ra đón mà đành bắt taxi về. Xe đậu trước cổng nhà, tôi mếu máo khóc xin mẹ 20.000 đồng để trả tiền xe.
Khi đó nhà tôi chắc chỉ nghĩ do không có ai ra đón nên tôi dỗi khóc, chứ không ai biết được sự thật của chuyến đi. Một tháng ở nhà sau đó, tôi gần như bị trầm cảm...
Nhưng sách tôi vẫn được độc giả đón nhận, các trang báo hay nhắc đến tôi. Rồi tin vui lại đến khi một tháng sau sách tôi được tái bản.
Lần này tôi chủ động liên hệ trực tiếp với chị giám đốc Nhà xuất bản Dân Trí, kể hết sự thật và nói chị chuyển tiền nhuận bút vào tài khoản của tôi. Tiếp tục đứng dậy, tôi lại chuẩn bị vào Sài Gòn để làm tiếp buổi họp báo ra mắt sách...
Ở nhà, nhưng tôi "chém" đủ thứ Ngày tôi bước vào đường viết văn cũng là lúc em trai út tôi học tiểu học. Ai cũng ngạc nhiên vì sao con trai mà môn văn bao giờ cũng 9 phẩy? Ít ai biết được rằng tôi chính là "thủ phạm", mỗi lần cô giáo giao bài tập làm văn về nhà y như rằng tôi phải đọc cho em trai tôi chép. Những bài tập tả đường đến trường, tả ông bà cha mẹ, tả bữa cơm gia đình hay tả con vật yêu thích. Thậm chí tả cô giáo của em như thế nào thì tôi cũng "chém" được hết dù tôi chỉ quanh quẩn ở nhà... |
---------------
Với tôi, Sài Gòn là nơi thử thách, vươn lên chứ không phải là nơi để cam chịu, nhờ vả...
Kỳ tới: "Nam tiến" của cô gáivà chiếc xe đẩy
TRẦN TRÀ MY (TTO)