Tôi đi làm công nhân - Kỳ 1: Gian nan tìm việc thời khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cất tấm bằng chuyên môn, tôi dùng bằng cấp II để bắt đầu hành trình gian nan tìm việc trong thời buổi khó khăn, dịch giã chỉ tạm lắng, người cần việc nhiều hơn việc cần người.

Tuyển dụng ở KCN Bắc Thăng Long, nơi đầu tiên tôi thất bại - Ảnh: TÂM LÊ
Tuyển dụng ở KCN Bắc Thăng Long, nơi đầu tiên tôi thất bại - Ảnh: TÂM LÊ

Công ty nào phụ cấp cao hơn vài trăm nghìn thì môi trường làm việc có thể cũng áp lực, vất vả, độc hại hơn. Nhìn bảng tuyển dụng có dòng chữ 'phụ cấp lương mùa hè' thì nên cân nhắc kỹ hãy nộp đơn.

ĐÀO THỊ CHÍNH



Rồi suốt nhiều tháng cùng ăn ở, làm việc thật sự với các công nhân, tôi đã trải nghiệm đủ tình cảnh buồn, vui, thất vọng lẫn hi vọng mà chỉ có người lao động trong cuộc mới thật sự thấu hiểu...

Tôi tìm kiếm bản tin tuyển dụng của một số công ty trên Google, rồi gọi điện nhưng tất cả số máy liên lạc đều là của công ty môi giới tuyển dụng. Cách nhận biết công ty này là giọng ngọt ngào, họ sẽ hẹn phỏng vấn ở văn phòng tuyển dụng chứ không phải văn phòng công ty.

Người khắp nơi dồn về phố

Để tạo tin tưởng, nhân viên môi giới nhanh chóng thông báo không mất bất kỳ chi phí nào, đồng thời hứa hẹn chắc chắn sẽ có việc. Tôi vẫn không yên tâm, nên cẩn thận làm sẵn hai bộ hồ sơ với những yêu cầu cơ bản như sơ yếu lý lịch, bằng cấp photocopy công chứng, giấy khám sức khỏe, ảnh chân dung 3x4, rồi chạy xe máy đi tìm vận may.

Nơi đến đầu tiên của tôi là Khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long, cách nội thành Hà Nội 23km. Mới 9 giờ sáng trời đã gay gắt nắng, ghé quán trà đá trước cổng KCN, tôi hi vọng có thể dò thêm được thông tin về việc làm.

Một vài bạn nam, nữ cũng ôm hồ sơ ngồi hồi hộp chờ đợi, có bạn quê Yên Bái, Tuyên Quang xuống, có bạn từ Thanh Hóa, Nghệ An ra.

Quán "cóc" bán nước trà đá lại là trung tâm thông tin bổ ích, nơi những công nhân đã có kinh nghiệm sẽ mách nước cho người đến ứng tuyển. Một vài công nhân hết ca đang ngồi tán gẫu, họ có vẻ thông cảm nhìn chúng tôi đang quay quắt với "bài ca xin việc".

Một người trong số họ chỉ ra bảng tin của KCN, nơi các công ty dán bản thông báo tuyển dụng mới nhất. Có người đọc một lèo tên vài ba công ty đang tuyển, nhưng không chắc chắn đã ngừng nộp hồ sơ chưa. Có người bình luận công ty này lương thấp, công ty kia môi trường làm việc khắc nghiệt...

"Vào group KCN Bắc Thăng Long trên mạng Facebook mà tìm" - một công nhân nói. Hầu như các KCN đều lập group riêng, ở đấy có tuyển dụng, tìm phòng trọ, mua bán tiêu dùng một cách nhộn nhịp.

Trong nhóm đi xin việc cũng có những bạn đã dạn dày kinh nghiệm. Tôi đã được Đào Thị Chính, quê ở Tuyên Quang, bày nhiều cách để chọn công ty nộp hồ sơ. "Xem bản tin có công ty nào tuyển thì nộp thẳng vào, trên Facebook cũng chỉ môi giới tuyển dụng thôi" - Chính tiết lộ. Cô đã nộp hồ sơ và đợi buổi chiều phỏng vấn. Còn tôi đang tìm công ty để nộp.

Một số lao động ở quê có bạn bè đang làm tại KCN, dễ tìm được việc hơn một người mới lạ, "tay ngang" như tôi.

Chờ đợi và chờ đợi

Chính năm nay 26 tuổi. Cùng chiếc xe máy, cô rong ruổi từ miền quê Tuyên Quang sang KCN Thái Nguyên, chạy tiếp về Bắc Ninh, rồi mới vòng qua Hà Nội nộp đơn vào KCN Bắc Thăng Long. Thâm niên gần 10 năm làm công nhân, Chính dạn dày kinh nghiệm tìm việc, xin việc.

Chính nói chạy xe máy cho tiện, đi xe khách không vào tận KCN được. Hơn nữa, KCN rộng mênh mông, đi bộ thì kiệt sức. 1h30 chiều mới đến giờ phỏng vấn, nhưng Chính đã đợi từ 9h sáng.

"Em ngồi đây sẽ hơi lâu đấy, anh đừng giận mà đuổi em nhé!" - Chính năn nỉ chủ quán nước. "Cô cứ ngồi thoải mái, đến tận mười giờ đêm thì đi nhé!" - anh chủ quán tếu táo đáp lại.

"Sao không đợi ở nhà trọ?" - tôi hỏi. Chính nói chưa kịp tìm nhà trọ, tối qua phải ngủ ở nhà nghỉ mất 150.000 đồng/đêm. Sợ bị tính thêm tiền nên đã trả phòng, nếu xin được việc thì mới tìm phòng trọ cố định.

"Nhưng nếu không xin được?" - tôi hỏi. "Chắc chắn xin được!" - Chính khẳng định, vấn đề là có kiên trì không. Kiên trì nghĩa là làm lâu dài, vài ba hôm bỏ việc lại đâu vào đấy. Lương cơ bản và phụ cấp của các công ty sàn sàn như nhau, quan trọng là môi trường làm việc và tăng ca.

Tôi từng nghĩ tăng ca vất vả, nhưng thực tế công nhân lại trông đợi tăng ca, vì nếu chỉ làm hành chính lương sẽ không đủ để trang trải cuộc sống.

Chính lưu ý về môi trường làm việc: làm ngồi đỡ vất vả hơn làm đứng, hoặc nếu phải lội nước hay soi kính thì nên tránh. Phần lớn công việc của các công ty ở KCN này là lắp ráp linh kiện điện tử, một số về may mặc, sản xuất thủy tinh, gốm sứ...

Đồng hồ trên điện thoại báo quá 12h. Mặt trời đứng bóng, bóng râm bị thu hẹp lại, hơi nóng càng táp vào mặt mũi. Chính định nhịn bụng bữa trưa, tôi phải lấy cớ ăn một mình buồn để rủ Chính đi ăn cơm bụi.

Quay trở lại quán nước cũ để chờ đợi, tôi cứ ngại chủ quán vì ngồi quá lâu để hưởng quạt mát. May mắn, chúng tôi vẫn được phục vụ với vẻ cảm thông của người chủ quán nước.

 

 Cảnh chờ đợi phỏng vấn - Ảnh: TÂM LÊ
Cảnh chờ đợi phỏng vấn - Ảnh: TÂM LÊ


Năm người chỉ tuyển một

Ở bảng thông báo tuyển dụng bên ngoài KCN, tôi gặp vài công nhân cũng đang loay hoay đọc bản tin. Họ vẫn mặc đồng phục nhưng muốn tìm công ty mới tốt hơn để chuyển.

Một công nhân cho biết đang làm cho Công ty C, lương khá nhưng áp lực, muốn tìm công ty mới. Cô than: "Đợt này tuyển dụng ít quá, công ty nào cũng ít việc, năm ngoái người ta dán tuyển dụng kín bảng".

Tôi chọn được hai công ty về lĩnh vực điện tử, rồi chạy xe vào KCN rộng mênh mông để tìm công ty nộp hồ sơ. Dù đã hỏi bảo vệ vị trí nhưng đường lối, nhà máy san sát giống nhau. Hơi nóng trên mặt đường rải nhựa bêtông làm nhòe mắt, gần 30 phút tôi mới tìm được cổng công ty để nộp hồ sơ.

Tuy nhiên, cả hai công ty đều từ chối nhận vì hồ sơ của tôi thiếu giấy xác nhận địa phương. Họ không cho tôi bổ sung sau, nói khi nào đủ giấy tờ thì mang hồ sơ đến. Một bạn quê tận Lào Cai cũng thiếu giấy tờ, một bạn ở Thanh Hóa nộp đủ hồ sơ nhưng phải đợi hơn một tuần mới được phỏng vấn.

Tôi tức tốc gọi điện về quê, nhờ bố mẹ làm giấy xác nhận địa phương rồi gửi ra Hà Nội. Hai ngày sau, tôi lại ôm hồ sơ đi nộp. Buổi phỏng vấn của công ty đầu tiên từ lúc 7h30 sáng, có cả trăm công nhân chờ đợi trước cổng từ sáng sớm. Có bạn ôm hồ sơ ngồi bệt nhai bánh mì, một số tựa tường trông vẻ mệt mỏi, nhưng tất cả đều háo hức.

Các nhà môi giới tuyển dụng tập hợp đội ngũ ứng viên của mình để dặn dò: "Các bạn lưu ý khi phỏng vấn và làm bài thi. Trả lời mình đang làm ở công ty này kia nhưng vì dịch nên nghỉ. Bài kiểm tra làm phép tính nhân chia, cộng trừ cho tốt là được". Tôi nộp đơn thẳng vào công ty nên không có "bài" dặn dò này, nhưng nghe lỏm được nên làm theo.

Tới hôm sau thì tôi bị trượt khi khám sức khỏe, một bạn quê Yên Bái cũng trượt. Công ty thứ hai phỏng vấn họ chỉ trao đổi có muốn làm thời vụ thì làm ngay, còn muốn chính thức phải đợi một thời gian nữa. Tôi từ chối và ôm hồ sơ về.

Nhóm 5 bạn quê Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa cùng đi tuyển dụng với tôi chỉ có một bạn quê Yên Bái được vào làm chính thức, số còn lại đã chờ đợi cả tháng, tốn kém 3-4 triệu chi phí mà vẫn chưa có việc. Có người phải khăn gói về quê vì hết tiền.

 


Có hai chế độ làm việc chính thức và thời vụ. Nếu chính thức phải có hồ sơ đầy đủ, còn làm thời vụ chỉ cần chứng minh thư và có việc ngay. Lương thời vụ cao hơn một vài trăm ngàn nhưng không có chế độ bảo hiểm, phụ cấp nhà ở, xăng xe, lúc công ty hết việc sẽ bị nghỉ bất cứ lúc nào.


Cửa từ rú lên, đèn đỏ cảnh báo kim loại. Có bạn nữ phải mếu máo lột áo lót gọng thép.

Kỳ tới: Thấp thỏm vào đời thợ

 

Theo TÂM LÊ (TTO)

 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.