Tòa án nhân dân TP. Pleiku: Nhiều khúc mắc sau một bản án

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bản án về vụ tranh chấp đất đai mà Tòa án nhân dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) vừa tuyên chưa làm hài lòng đương sự bởi còn nhiều khúc mắc. Bị đơn khẳng định không lấn đất, diện tích đất của mình đang bị thiếu so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng lại bị buộc phải trả thêm đất cho nguyên đơn theo phán quyết của Tòa án.

Diện tích đất của nguyên đơn bỗng dưng tăng hơn 100 m2

Tháng 9 vừa qua, Tòa án nhân dân TP. Pleiku đưa ra xét xử sơ thẩm vụ tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Mười (tổ 9, phường Ia Kring) và bị đơn là bà Lê Thị Trưng, ông Lê Xuân Bình (cùng trú tổ 4, phường Ia Kring). Theo đó, Tòa tuyên buộc bà Trưng trả lại 59,37 m2 đất và ông Bình trả lại 11,4 m3 đất cho bà Mười. Đồng thời, yêu cầu các bị đơn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm, chi phí xem xét, thẩm định và định giá tại chỗ mà Tòa án đã thực hiện khi xử lý tranh chấp quyền sử dụng đất.

Về phía bị đơn là ông Bình và bà Trưng (mẹ ông Bình) cho rằng: Trước đó, Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng TP. Pleiku đã đo vẽ hiện trạng sử dụng đất của bà Mười để bồi thường, giải phóng mặt bằng. Diện tích đất thu hồi làm căn cứ đền bù cũng như phần đất còn lại được các phòng, ban liên quan xác nhận. Cùng thời điểm này, bà Mười đã đồng thuận ký nhận đền bù theo diện tích đo vẽ của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku. Đây là một con số không đổi, nhưng không hiểu vì lý do gì nay đo đạc trở lại thì dư hơn 100 m2. Vậy nên giữa Ban Quản lý và Tòa án nhân dân TP. Pleiku bên nào đúng, bên nào sai vẫn chưa được làm rõ.

Các bị đơn không đồng thuận bởi bản án còn nhiều khúc mắc mà phiên tòa sơ thẩm chưa giải quyết thỏa đáng. Căn cứ vào hồ sơ bồi thường và bản vẽ diện tích đất thu hồi (chỉ giới xây dựng 16 m) ngày 5-11-2004 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku, diện tích hiện trạng ranh giới thửa đất đã được chủ sử dụng đất xác định, việc đo đạc đúng theo hiện trạng với tổng diện tích đất của bà Mười đang sử dụng là 1.541,5 m2 (thửa đất số 14, tờ bản đồ số 49 có diện tích 516,6 m2; thửa đất số 16, tờ bản đồ số 49 có diện tích 1.024 m2). Trong đó, tổng diện tích đất thu hồi bồi thường giải phóng mặt bằng của 2 thửa đất là 1.337,72 m2 (đất ở là 422,4 m2, đất nông nghiệp là 915,32 m2) và diện tích đất còn lại của bà Mười lúc này chỉ còn 203,78 m2 (thửa đất số 16 còn lại 109,58 m2, thửa đất số 14 còn lại 94,2 m2).

 Bà Lê Thị Trưng (tổ 4, phường Ia Kring, TP. Pleiku) bức xúc vì diện tích đất của gia đình còn thiếu hơn 200 m2 so với giấy chứng nhận quyền sử dụng nhưng lại bị tòa xử phải trả thêm đất cho người khác. Ảnh: Minh Nguyễn
Bà Lê Thị Trưng (tổ 4, phường Ia Kring, TP. Pleiku) bức xúc vì diện tích đất của gia đình còn thiếu hơn 200 m2 so với giấy chứng nhận quyền sử dụng nhưng lại bị tòa xử phải trả thêm đất cho người khác. Ảnh: Minh Nguyễn



Đáng chú ý, văn bản trả lời của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku đã khẳng định chỉ giới xây dựng qua đất của bà Mười từ năm 2004 đến nay không thay đổi; diện tích đo đạc trước và sau khi thu hồi là diện tích thực tế đã được bà Mười xác nhận, nhận đền bù theo quy định. Vì vậy, Ban Quản lý khẳng định: Diện tích đo đạc và tính toán là chính xác; nhưng việc tính toán diện tích còn lại theo hồ sơ bản vẽ (hình thang) là không chính xác vì thửa đất này không vuông thành sắc cạnh.

Tuy nhiên, căn cứ hồ sơ xem xét thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân TP. Pleiku thì hiện trạng sử dụng đất của bà Mười đang có sự khác biệt rất lớn so với diện tích xác định trong hồ sơ bồi thường của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku trước đây. Cụ thể: Thửa đất số 14 theo hồ sơ bồi thường có diện tích còn lại 94,2 m2 thì nay hiện trạng sử dụng là 172 m2. Đối với thửa đất này, Tòa án yêu cầu ông Bình trả 11,4 m2 cho bà Mười. Tương tự, thửa đất số 16 theo hồ sơ bồi thường diện tích còn lại là 109,58 m2, nay kết quả đo đạc hiện trạng chỉ còn 63,1 m2. Do đó, Tòa án buộc bà Trưng trả cho bà Mười 59,37 m2.

Như vậy, tổng diện tích hiện trạng đất đang sử dụng của bà Mười theo kết quả thẩm định của Tòa án nhân dân TP. Pleiku là 235,1 m2 (172 m2 + 63,1 m2), tăng 31,32 m2 so với diện tích còn lại sau khi bà Mười đã nhận đền bù. Ngoài diện tích hiện trạng sử dụng tăng thêm này, cộng với việc Tòa án nhân dân TP. Pleiku buộc bà Trưng, ông Bình trả 70,77 m2 thì lúc này, đất của bà Mười tiếp tục tăng 102,29 m2 (31,32 m2 + 70,77 m2). Với kết quả Tòa án phán xử, diện tích đất còn lại của bà Mười theo hồ sơ bồi thường của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku là 203,78 m2 thì nay đã tăng lên thành 306,07 m2 (203,78 m2 + 102,29 m2)?

Đo lại diện tích hiện trạng các hộ liên quan

Điều đáng nói là, căn cứ hồ sơ thẩm định, phê duyệt phương án và chi tiết dự toán bồi thường, UBND TP. Pleiku đã có quyết định phê duyệt phương án và chi tiết dự toán bồi thường giải phóng mặt bằng cho bà Mười đúng với diện tích đất thu hồi và còn lại như trên. Trong quá trình lập hồ sơ, các biên bản kiểm tra, kiểm kê thực tế đất và tài sản trên đất thu hồi, phương án bồi thường… đến việc nhận bồi thường đều được bà Mười ký nhận “Thống nhất kế hoạch đền bù của Nhà nước, đề nghị đền bù theo quy định”.

Thế nhưng, sau khi nghiên cứu các tài liệu trong hồ sơ vụ án và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Tòa án nhân dân TP. Pleiku nhận định: “Kết quả xem xét đo đạc thực tế quyền sử dụng đất của bà Mười còn lại sau khi Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku thu hồi theo kích thước đo vẽ trong hồ sơ thì thửa đất số 14 có diện tích là 159 m2 và thửa đất số 16 là 135,9 m2, chênh lệch so với hồ sơ bồi thường về tổng diện tích. Như vậy, diện tích đất đã thu hồi sẽ giảm đi chỉ còn 1.246,6 m2 chứ không phải là 1.337,72 m2 như hồ sơ bồi thường tính toán của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku. Nguyên đơn cho rằng việc tính toán số liệu diện tích quyền sử dụng đất bồi thường có sai sót là có cơ sở”.

Theo ông Hoàng Minh Nghĩa-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku: Ban đã có văn bản gửi Tòa án nhân dân TP. Pleiku cung cấp thông tin liên quan đến các thửa đất nêu trên, đồng thời khẳng định số liệu diện tích còn lại của 2 thửa đất là 203,78 m2. Ông Nghĩa cho rằng: Hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng của hộ bà Mười trước đây do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku chủ trì phối hợp với các ban, ngành của thành phố đo vẽ, thống nhất và đã đền bù cho hộ này từ năm 2004. Thời điểm đó, các bên đã đều thống nhất với diện tích đo đạc và bà Mười đã ký nhận đền bù mà không có ý kiến gì.

“Nay Tòa án nhân dân TP. Pleiku tiến hành đo đạc lại hiện trạng nhưng không mời Ban phối hợp tham gia để thống nhất cách đo, cách tính. Nhận định của Tòa vô tình khẳng định kết quả diện tích mà chúng tôi đo đạc trước đây so với kết quả thẩm định, đo vẽ của tòa chênh lệch đến 91,12 m2, dẫn đến việc bồi thường diện tích đất không chính xác. Trong hồ sơ kỹ thuật, sai sót khoảng 3 m2 đến 4 m2 đã là hiếm nên không thể chênh lệch con số lớn đến như vậy. Nếu Tòa án nhận định như vậy thì Ban sẽ tiếp tục thu hồi diện tích này, bởi phần đất này Nhà nước đã bồi thường cho bà Mười”-ông Nghĩa nhấn mạnh.

Trong khi đó, bà Trưng cho biết: Thực tế, ông Đỗ Văn Chung (con bà Mười) là người thay mặt bà Mười làm tất cả các hồ sơ liên quan đến kê khai bồi thường giải phóng mặt bằng. Ngay từ ban đầu, ông này đã kê khai không đúng sự thật về nguồn gốc đất. Cụ thể là tại Biên bản xác nhận không tranh chấp của các hộ lân cận, ông Chung đã giả chữ ký của bà để xác nhận ranh giới thửa đất nhằm hợp thức hóa hồ sơ, nhận tiền bồi thường của Nhà nước.

“Kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh) đã xác định chữ ký, chữ viết trong biên bản trên không phải của tôi và tại tòa, ông Chung cũng đã xác nhận do ông này tự ký, tự viết. Việc làm gian dối này của ông Chung không những nhằm mục đích đánh lừa các cơ quan, chiếm dụng tiền bồi thường của Nhà nước mà còn có ý đồ chiếm đoạt đất của gia đình tôi. Hiện tôi đang gửi đơn cứu xét đến các cơ quan chức năng của tỉnh đề nghị xem xét, bởi thực tế sau đo đạc, diện tích đất của gia đình tôi là 2.575,2 m2, thiếu so với giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất đã cấp đến 200,2 m2. Nhưng nay Tòa lại yêu cầu tôi tiếp tục trả lại thêm phần đất cho bà Mười nữa thì quá đỗi vô lý”-bà Trưng bức xúc nêu.

Cũng theo bà Trưng, hồ sơ bản vẽ diện tích đất thu hồi (chỉ giới xây dựng 16 m) không đúng theo hiện trạng và không đúng kích thước để tính diện tích còn lại. “Mặc dù tôi đã nhiều lần kiến nghị đến Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku để đo đạc và vẽ lại cho đúng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Việc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Pleiku khẳng định diện tích đúng nhưng bản vẽ thì chưa đúng kích thước đã vô tình tạo điều kiện cho nguyên đơn cố tình tranh chấp đất với gia đình tôi. Với mong muốn không để tranh chấp kéo dài, gây mất an ninh xóm làng, tôi đề nghị chính quyền TP. Pleiku chỉ đạo các cơ quan liên quan đo vẽ, trích lục phần đất còn lại của bà Mười cũng như các hộ xung quanh nhằm để giải quyết dứt điểm mâu thuẫn, tranh chấp giữa các bên”-bà Trưng đề nghị.

 

 MINH NGUYỄN

 

Có thể bạn quan tâm