Tín hiệu khả quan từ ngành công nghiệp chế biến tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong 2 tháng đầu năm nay, một số sản phẩm công nghiệp chế biến chủ lực của tỉnh Gia Lai như: đường tinh chế, chè, tinh bột mì, sữa, nước ép trái cây, phân vi sinh… đều có mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước. Đây là tín hiệu khả quan để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt giá trị 19.483 tỷ đồng, tăng 12,3% so với năm 2022.

Khai thác thế mạnh từ chế biến nông sản

Gia Lai có nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ ngành công nghiệp chế biến với hơn 98.700 ha cà phê, gần 88.000 ha cao su, hơn 29.000 ha cây ăn quả, hơn 23.300 ha điều, hơn 79.300 ha mì, hơn 76.000 ha lúa nước, gần 37.000 ha mía, 690 ha chè…Hầu hết các loại cây trồng chủ lực đều hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với các nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu.

Bên cạnh các mặt hàng truyền thống thì khoảng 3 năm gần đây, ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu rau quả của tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ với nhiều nhà máy lớn như: Nhà máy chế biến rau quả DOVECO có công suất 520.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói trái cây tươi và trái cây cấp đông IQF của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai công suất 36.500 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến trái cây Quicornac của Công ty DIVAFRUIT S.A công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm...

Gia Lai có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ. Ảnh: Vũ Thảo

Gia Lai có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ. Ảnh: Vũ Thảo

Ông Đinh Văn Tĩnh-Phó Giám đốc DOVECO Gia Lai-cho biết: Với tổ hợp 3 nhà máy có dây chuyền thiết bị và công nghệ hiện đại, khép kín, hàng năm, DOVECO Gia Lai sản xuất bình quân hơn 32.800 tấn sản phẩm rau quả các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 70 triệu USD. Riêng năm 2022, Công ty xuất khẩu 40.000 tấn sản phẩm rau quả, tương ứng kim ngạch 90 triệu USD.

Tiềm năng xuất khẩu vẫn còn dư địa rất lớn. Vì vậy, Công ty sẽ tiếp tục liên kết mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Sở Công thương, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh năm 2010) trên địa bàn tỉnh trong 2 tháng đầu năm nay đạt hơn 4.498 tỷ đồng (đạt 14,23% kế hoạch năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo hơn 2.971 tỷ đồng (đạt 15,25% kế hoạch và tăng 18,58%). Ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho hay: Ngành công nghiệp đang phát triển theo hướng giảm tỷ trọng khai khoáng, tăng tỷ trọng chế biến, chế tạo. Hiện giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm hơn 66% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

Trên địa bàn hiện có nhiều nhà máy quy mô lớn hoạt động chế biến mía đường, hạt điều, cà phê, tinh bột mì, trái cây, gỗ, cao su, dược liệu… góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế trong việc xây dựng, phát triển các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn. Ngoài phục vụ nội địa, công nghiệp chế biến sâu còn tạo nguồn hàng chất lượng phục vụ xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Hiện trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 1.221 ha.

Ngành Công thương đang nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật các khu-cụm công nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp có công nghệ, giá trị gia tăng cao; hỗ trợ thực hiện các đề án từ nguồn vốn khuyến công cho doanh nghiệp, hộ sản xuất ở nông thôn để nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Tính bình quân các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh qua chế biến chiếm khoảng 66,72%. Tỷ lệ chế biến sâu một số mặt hàng còn thấp như cà phê mới đạt hơn 23%, hồ tiêu hơn 23,2%, tinh bột mì hơn 5,4%... Để thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến phát triển cần đảm bảo vùng nguyên liệu đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua và chế biến ra sản phẩm”-ông Binh thông tin thêm.

Tiềm năng từ ngành chế biến gỗ

Bên cạnh thế mạnh về chế biến nông sản thì chế biến lâm sản cũng là hướng đi đầy tiềm năng của tỉnh. Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thị trường đồ nội thất của thế giới rất lớn, trong đó, giá trị thương mại đồ nội thất bằng gỗ chiếm khoảng 150 tỷ USD.

Hiện nay, xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam chiếm hơn 6% thị phần toàn cầu và có cơ hội mở rộng, phát triển hơn nữa. Với diện tích tự nhiên hơn 1,5 triệu ha, trong đó, diện tích đất có rừng gần 647 ngàn ha, Gia Lai có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế lâm nghiệp theo định hướng bền vững. Tỉnh lại có nhiều mặt hàng thế mạnh và tiềm năng lớn như: viên nén, dăm gỗ, gỗ ghép, đồ mộc xây dựng, đồ gỗ nội thất... nên sẽ tạo ra nhiều lợi thế cạnh tranh cho ngành công nghiệp chế biến gỗ phát triển trong thời gian tới.

Việc hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị chuỗi sản phẩm. Ảnh: Vũ Thảo

Việc hỗ trợ máy móc thiết bị hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị chuỗi sản phẩm. Ảnh: Vũ Thảo

Tại Kế hoạch triển khai Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021-2030, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững về kinh tế-xã hội và môi trường; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ và sản phẩm gỗ tham gia phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh, hướng đến xuất khẩu ổn định, bền vững.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, công suất chế biến đạt 450.000 m3/năm; năm 2030 công suất chế biến đạt 750.000 m3/năm; sản xuất đồ gỗ nội địa đạt 150.000 m3 sản phẩm vào năm 2025 và 250.000 m3 sản phẩm vào năm 2030; đồ gỗ xuất khẩu đạt 100.000 m3 sản phẩm vào năm 2025 và 150.000 m3 sản phẩm vào năm 2030. Từng bước xây dựng, hình thành mô hình “Chợ lâm sản quốc tế” thí điểm tại Gia Lai, có thể kết nối trực tuyến và trực tiếp với thị trường toàn cầu, được đấu nối tại Khu Lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, tỉnh sẽ tập trung rà soát, củng cố và nâng cấp hệ thống cơ sở chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp về quỹ đất, phát triển hạ tầng, nâng quy mô, công suất, đổi mới công nghệ sản xuất.

Hình thành vùng rừng trồng tập trung, áp dụng công nghệ để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Khuyến khích sử dụng các loài cây bản địa; trồng rừng hỗn loài, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày ở những nơi có điều kiện thích hợp. Cân đối cung cầu, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc gỗ nhập khẩu.

Cùng với đó, hình thành mạng lưới cơ sở sản xuất, chế biến gỗ theo các nhóm sản phẩm gỗ xẻ, ván nhân tạo, các loại đồ mộc, đồ thủ công mỹ nghệ, dăm gỗ và viên nén nhiên liệu; hình thành mạng lưới liên kết sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản theo khu-cụm công nghiệp chế biến gỗ tập trung. Ứng dụng chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào ngành công nghiệp chế biến gỗ để tăng lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp kiểm soát quá trình sản xuất, chế biến gỗ, kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Thúc đẩy phát triển thị trường tiêu dùng sản phẩm gỗ trong nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến lâm sản tham gia cung cấp các sản phẩm gỗ hợp pháp, đặc biệt là các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng của hộ gia đình, được sơ chế thông qua các xưởng xẻ quy mô hộ gia đình tại các vùng gỗ nguyên liệu. Thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu, hình thành thương hiệu cho ngành chế biến gỗ; nghiên cứu định hướng sản xuất, xuất khẩu sản phẩm gỗ vào thị trường truyền thống, thị trường tiềm năng ở những quốc gia phát triển có nhu cầu sử dụng sản phẩm gỗ cao.

Có thể bạn quan tâm

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công 4 hội chợ, phiên chợ và hội thi giới thiệu nông sản an toàn. Đây là dịp để các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và người dân kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Kiểm soát hàng hóa qua sàn điện tử

Một trong những nguyên nhân khiến lộ lọt thông tin từ camera an ninh của nhiều gia đình, mà Thanh Niên phản ánh trên số báo hôm nay, chính là mua phải hàng trôi nổi trên thị trường, trong đó số lượng không nhỏ đến từ các sàn thương mại điện tử đang bùng nổ mạnh mẽ tại VN.

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

Sản phẩm đặc trưng địa phương sẵn sàng cho Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya

(GLO)- Tuần lễ Hoa dã quỳ-Núi lửa Chư Đang Ya năm 2024 diễn ra từ ngày 6 đến 12-11 tại khu vực sân nhà rông làng Ia Gri (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh). Ngoài hoạt động văn hóa-thể thao đặc sắc, sự kiện này còn là dịp để quảng bá các mặt hàng truyền thống của địa phương.

Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

Gian nan cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái

(GLO)- Đánh vào tâm lý một bộ phận người tiêu dùng thích hàng hiệu giá rẻ nên các đối tượng đưa hàng giả, hàng nhái vào thị trường, nhất là các kênh mua bán trực tuyến. Theo đó, lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm.