Tìm nguồn hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hơn 2 tháng nữa, học sinh toàn tỉnh Gia Lai sẽ bước vào năm học 2021-2022. Thời điểm này, các trường vùng khó cùng chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm nguồn hỗ trợ sách giáo khoa (SGK) cho học sinh dân tộc thiểu số, nhất là sách theo Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các lớp 1, 2 và 6.
Chủ động tìm nguồn
Theo dự kiến, năm học 2021-2022, Trường Tiểu học xã Đất Bằng (huyện Krông Pa) có 493 học sinh với hơn 99% là con em dân tộc Jrai, trong đó có 92 học sinh lớp 1 và 88 học sinh lớp 2 học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Qua khảo sát của nhà trường, có 75 học sinh lớp 1 và lớp 2 là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, không có khả năng mua SGK. Trước tình hình đó, Ban Giám hiệu nhà trường đã kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên, hội phụ huynh học sinh và các tổ chức đoàn thể chung tay hỗ trợ sách cho các em. 
Thầy Nguyễn Văn Đam-Hiệu trưởng nhà trường-chia sẻ: “Hội Khuyến học xã đã cơ bản đồng ý tặng 30-40 bộ SGK mới cho học sinh theo danh mục mà UBND tỉnh đã phê duyệt. Giáo viên đang nỗ lực huy động từ các kênh mà mình quen biết. Sắp tới, Ban Chấp hành Đoàn trường phối hợp với Đoàn Thanh niên xã vận động một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn xã cùng chung sức giúp học sinh nghèo. Tất cả đều không ngừng cố gắng với quyết tâm đảm bảo đủ SGK cho học sinh trước ngày khai trường. Ngoài ra, giáo viên cũng sẽ nhận đỡ đầu và tặng thêm quần áo, vở, giày dép cho các em khi vào năm học mới”.
Hầu hết học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang) không có điều kiện mua SGK. Ảnh: Mộc Trà
Hầu hết học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang) không có điều kiện mua SGK. Ảnh: Mộc Trà
Những ngày qua, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang) cũng nỗ lực “xoay” SGK cho học sinh trước thềm năm học mới. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Anh Tuấn, nếu năm học trước, nhà trường chỉ phải tìm nguồn hỗ trợ sách cho hơn 40 học sinh lớp 1 thì hiện nay phải huy động xã hội hóa cho cả 3 khối lớp 1, 2 và 6 với trên 150 em, đặc biệt là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
“Dự kiến năm học tới, nhà trường có 27 học sinh lớp 1, 41 học sinh lớp 2 và 88 học sinh lớp 6 học SGK mới. Nhà trường đã làm việc với UBND xã, cung cấp danh mục SGK các khối lớp cho người dân biết để chuẩn bị cho con em trước khi bước vào năm học mới. Vì 100% học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn nên chúng tôi cũng đã đề xuất chính quyền địa phương chung tay huy động các nguồn lực để giúp tất cả các em có SGK đến trường học tập. Trong trường hợp không thể xã hội hóa, nhà trường sẽ cố gắng động viên phụ huynh mua sách, tối thiểu phải đủ đầu sách các môn cơ bản; đồng thời, trích kinh phí chi thường xuyên để bổ sung vào tủ sách dùng chung cho học sinh mượn học”-thầy Tuấn cho hay.
Không để học sinh thiếu SGK
Bên cạnh sự chủ động từ cơ sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) các huyện cũng tích cực đồng hành, gỡ khó cho các trường trong việc hỗ trợ SGK cho học sinh. Ông Trần Trung Trực-Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kbang-thông tin: Năm học 2021-2022, toàn huyện có khoảng 703/1.527 học sinh lớp 1, 814/1.372 học sinh lớp 2 và 763/1.234 học sinh lớp 6 thiếu SGK. Tất cả đều thuộc đối tượng học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Hiện Phòng GD-ĐT và Phòng Tài chính-Kế hoạch đang khẩn trương tham mưu giúp UBND huyện về vấn đề này; đồng thời, tích cực liên hệ với các tổ chức, cá nhân thiện nguyện để kêu gọi tài trợ. Vừa qua, một Mạnh Thường Quân ở tỉnh Bình Dương hứa sẽ dành tặng 200 bộ SGK cho học sinh lớp 1 và lớp 2. 
3-Ngành GD-ĐT cùng các trường đều quyết tâm không để học sinh thiếu SGK trong năm học mới. Ảnh: Mộc Trà.
Ngành GD-ĐT cùng các đơn vị, trường học quyết tâm không để học sinh thiếu SGK trong năm học mới. Ảnh: Mộc Trà
Theo quy định, học sinh dân tộc thiểu số học tập tại các trường phổ thông dân tộc nội trú sẽ được mượn sách từ thư viện nhà trường để học tập trong năm học và kinh phí thực hiện được đảm bảo theo phân cấp ngân sách hiện hành. Đối với học sinh phổ thông mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế hoặc có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học tập 100.000 đồng/tháng/học sinh để mua sách, vở và đồ dùng học tập khác; thời gian hưởng không quá 9 tháng/năm học. Trừ những đối tượng trên, ngành Giáo dục và các trường vẫn tiếp tục nghiên cứu tìm giải pháp tối ưu nhất về nguồn sách cho số học sinh khó khăn còn lại.
Ông Lê Duy Định-Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: Để thống nhất trong việc triển khai hỗ trợ SGK cho học sinh dân tộc thiểu số, Sở GD-ĐT đề xuất UBND tỉnh giao Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc hỗ trợ SGK theo đúng quy định; đồng thời, đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương ưu tiên bố trí dự toán kinh phí hàng năm cho các cơ sở giáo dục để mua SGK bổ sung vào tủ sách dùng chung của các thư viện trường học, đảm bảo số lượng đầu sách cho học sinh dân tộc thiểu số mượn học, kết hợp huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác để thực hiện theo phân cấp ngân sách hiện hành. Hiện nay, một số Phòng GD-ĐT đã chủ động xây dựng kế hoạch kinh phí tham mưu UBND huyện hỗ trợ SGK các lớp 1, 2 và 6 cho học sinh dân tộc thiểu số, tiếp tục vận động xã hội hóa giáo dục, huy động các nhà hảo tâm tài trợ để đảm bảo đủ SGK kịp thời cho 100% học sinh trước khi bước vào năm học mới.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.