Tìm máu xương đồng đội ở chiến địa Vị Xuyên - Kỳ 4 : Vị Xuyên - hành hương về miền ải Bắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên (Hà Giang) đang được gấp rút tôn tạo để hoàn thànhv ào tháng 4-2021 và sẽ mở rộng lên 10,6ha. Đây sẽ là nơi yên nghỉ của 5.400 liệt sĩ..." - ông Nguyễn Văn Sơn, chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát cho hương hồn đồng đội tại NTLS Vị Xuyên - Ảnh: L.Đ.D.
Nhạc sĩ Trương Quý Hải hát cho hương hồn đồng đội tại NTLS Vị Xuyên - Ảnh: L.Đ.D.
Về đây đồng đội ơi, người chiến sĩ sư đoàn. Hà Giang đã ngưng chiến trận. Về đây đồng đội ơi, những chiến hữu đơn vị bạn. Đài hương 468 ta hội quân. Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu. Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào… Hãy về đồng đội ơi.
Trích bài hát Về đây đồng đội ơi của cựu binh nhạc sĩ Trương Quý Hải
Lo nơi trở về của 5.400 liệt sĩ
Theo ông Sơn, cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc diễn ra tại Hà Giang kéo dài suốt 10 năm ròng rã (từ 1979-1989), hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ ở trên 30 tỉnh, thành đã chiến đấu tại mặt trận này. 
Hơn 1.730 liệt sĩ quê mọi miền đất nước đã được an táng ở nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Hiện vẫn còn khoảng 2.300-2.400 liệt sĩ đang nằm đâu đó ở các thung khe, sườn núi dọc biên giới Hà Giang.
"Hơn 30 năm trôi qua, mảnh đất Vị Xuyên thân yêu này còn biết bao liệt sĩ chưa được quy tụ đầy đủ về các nghĩa trang liệt sĩ. Hài cốt các anh vẫn còn nằm lại trong rừng sâu, ở đâu đó trong lòng đất mẹ" - ông Sơn chia sẻ.
Hiện nay đã có trên 1.730 liệt sĩ được quy tập đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên. Quỹ đất nghĩa trang đã cạn, nên việc mở rộng là rất cần thiết. 
Từ lâu rồi, chính quyền, người dân Hà Giang, đặc biệt là đồng đội và thân nhân các liệt sĩ, đã mong muốn tôn tạo nghĩa trang để sẵn sàng đón các liệt sĩ về khi việc quy tập hài cốt đang được nỗ lực. Chính vì thế, từ những năm 2013-2014, tỉnh Hà Giang đã có đề án tôn tạo, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên.
Còn nhớ lúc đề án mới được thông qua, trong chuyến thăm Hà Giang (10-2016), Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã cùng lãnh đạo tỉnh đi khảo sát thực địa, bàn tính cho việc triển khai. Khi đó, tâm sự với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ông Nguyễn Văn Sơn cho biết do quỹ đất nghĩa trang gần 2ha chỉ đủ bố trí an táng hơn 1.730 liệt sĩ. Mỗi khi quy tập được hài cốt liệt sĩ là tỉnh rất khó khăn trong việc tìm đất để an táng. Việc mở rộng nghĩa trang là rất cần thiết bởi các dự án rà phá bom mìn đã triển khai...

Hài cốt 9 liệt sĩ vừa tìm thấy được đưa về làm lễ truy điệu và an táng tại NTLS Vị Xuyên ngày 11-7-2020 - Ảnh: HÀ THANH
Hài cốt 9 liệt sĩ vừa tìm thấy được đưa về làm lễ truy điệu và an táng tại NTLS Vị Xuyên ngày 11-7-2020 - Ảnh: HÀ THANH
Sau khi kiểm tra thực địa, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: "Đây là vấn đề khiến chúng ta hết sức day dứt và đau lòng. Sự mất mát, hi sinh quá lớn và vẫn còn quá nhiều liệt sĩ đang nằm trong lòng đất mẹ. Chúng ta đang nợ nhân dân, nợ thân nhân các liệt sĩ, nợ các anh hùng liệt sĩ. Việc tôn tạo, mở rộng nghĩa trang này được Bộ Lao động - thương binh và xã hội cùng các bộ, ngành liên quan rất quan tâm. Việc tu bổ, nâng cấp nghĩa trang phải tính toán, thiết kế hài hòa, đảm bảo tính trang nghiêm, thuận tiện cho thân nhân, người dân, đồng đội tới thăm viếng, trở thành công trình giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ sau. Chúng ta cần phải làm ngay, làm quyết liệt".
Và tháng 9-2017, dự án tôn tạo, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên được khởi công. Nhiều công trình đài hương, bia tưởng niệm cũng được xây dựng tại các nơi có nhiều chiến sĩ chiến đấu và hi sinh anh dũng.
Nơi giáo dục lòng yêu nước
Nhạc sĩ Trương Quý Hải, một cựu binh của sư đoàn 356 từng chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên những năm 1984, người có nhiều bài hát đầy xúc cảm về đồng đội mình, đã rất xúc động khi biết nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên được tôn tạo, mở rộng.
"Mình cũng như bao đồng đội may mắn còn sống luôn mong mỏi các đồng đội sư 356 và các chiến hữu đơn vị bạn đang nằm đâu đó dọc biên cương sớm được quy tập, có nơi "đi về" để đồng đội tụ họp. Ngay tại điểm cao 468, nơi mà hơn 600 đồng đội đơn vị mình ngã xuống ngày 12-7-1984, từ lâu những người còn sống bọn mình đã lập cây hương để tưởng nhớ mỗi khi về lại đây. Dịp kỷ niệm 30 năm chiến dịch MB84 (năm 2014), anh em đồng đội sư đoàn 356 có ước nguyện nâng cấp cây hương, lập đài hương mới để anh em còn sống hay các liệt sĩ có "chỗ đi về hội quân". Chỉ trong một đêm, mình đã viết xong bài hát Về đây đồng đội ơi" - cựu binh Hải trải lòng.
Ước nguyện của đồng đội các liệt sĩ cũng chính là quyết tâm của UBND tỉnh Hà Giang. "Đến thời điểm này đã quy hoạch khu đất để các huyệt mộ chờ sẵn sàng đón các anh về bất cứ lúc nào" - Chủ tịch Sơn cho biết thêm dự án tôn tạo, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Vị Xuyên không chỉ mở rộng thêm, mà sẽ cải tạo, nâng cấp, xây mới nhiều công trình trên diện tích gần 11ha.

NTLS Vị Xuyên (góc trái ảnh) và sẽ mở rộng (góc phải ảnh) để đón hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ về - Ảnh: NGỌC QUANG
NTLS Vị Xuyên (góc trái ảnh) và sẽ mở rộng (góc phải ảnh) để đón hơn 2.000 hài cốt liệt sĩ về - Ảnh: NGỌC QUANG
Toàn bộ trên 1.730 ngôi mộ hiện có cũng như các ngôi mộ xây mới sẽ được ốp đá xanh nguyên khối được đưa về từ Thanh Hóa. Giai đoạn 1 của dự án (kết thúc tháng 12-2020) tập trung giải phóng mặt bằng, quy hoạch khu mộ mới, nâng cấp các mộ hiện có và xây dựng mới một đền thờ, hai nhà chờ để làm nơi đón tiếp, nghỉ ngơi của đồng đội, du khách và thân nhân liệt sĩ.
Nghĩa trang sẽ được mở rộng (15-30m) ra sát đường quốc lộ 2 và kéo dài 300m, và đây sẽ là bãi đỗ xe, quảng trường. Toàn bộ nghĩa trang được trồng thêm nhiều cây xanh để biến thành một công viên xanh, sạch, đẹp, làm nơi vui chơi của người dân khu vực, cũng là địa điểm để thế hệ trẻ tới thăm viếng, tìm hiểu về cuộc chiến đấu anh dũng của các thế hệ cha anh bảo vệ từng tấc đất biên cương Tổ quốc.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hà Giang, cho biết dự án tôn tạo, mở rộng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên được huy động vốn từ nhiều nguồn, trong đó có xã hội hóa với tổng kinh phí gần 300 tỉ đồng. "Hiện các phần việc vẫn theo tiến độ, và đúng tháng 12-2020 tất cả các hạng mục sẽ cơ bản xong" - ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, dự án sẽ tiếp tục giai đoạn 2 từ 2020-2025, và thời gian này hạng mục quan trọng nhất là xây dựng tượng đài sẽ được thực hiện, kinh phí để xây dựng tượng đài mới sẽ được huy động từ nguồn xã hội hóa...
Tấm lòng những đồng đội còn sống
Theo nhạc sĩ Trương Quý Hải và Ban liên lạc cựu chiến binh mặt trận Vị Xuyên, cuối năm 2015 Ban liên lạc truyền thống sư đoàn 356 đã vận động, quyên góp gần 500 triệu đồng để xây dựng đài hương tại điểm cao 468 (điểm cao này là nơi diễn ra các trận đánh ác liệt trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đây là nơi có rất nhiều chiến sĩ đã anh dũng hi sinh).
Từ năm 2016-2019, nhiều hạng mục khác tiếp tục được các đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ xây dựng như đền thờ, gác chuông, nhà bia, đường dẫn... với tổng kinh phí khoảng 7 tỉ đồng. Tháng 7-2017, toàn bộ công trình trên diện tích 1.100m2 đã được bàn giao cho UBND tỉnh Hà Giang quản lý.
Đài hương 468 giờ đã là "địa chỉ đỏ" thu hút khá đông du khách, đồng đội và thân nhân các liệt sĩ mỗi lần lên thăm lại mặt trận Vị Xuyên.
"Nhà chúng em có một điều mà không ai có: ba người cộng lại chỉ có... hai cái chân...".
Kỳ tới: Nỗi đau hậu chiến chưa nguôi
LÊ ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.