Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 7-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã (HXT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp và 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí: Đỗ Văn Chiến-Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch   Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Chí Dũng-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hầu A Lềnh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nguyễn Duy Hưng-Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Ngọc Bảo-Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam.
Tham dự tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành; đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể cùng một số HTX trên địa bàn.
Trong 20 năm qua, các chính sách hỗ trợ phát triển HTX được triển khai có hiệu quả như: đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hỗ trợ HTX củng cố tổ chức và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; hỗ trợ HTX, Liên hiệp HTX về áp dụng công nghệ, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả của sản phẩm và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn, tác động tích cực đến việc đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh của HTX; hỗ trợ xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, tạo điều kiện cho các HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ tín dụng qua Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX, tạo điều kiện cho HTX tăng quy mô, mở rộng sản xuất.
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Vũ Thảo
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo
Trong giai đoạn 2002-2021, cả nước thành lập mới 20.234 HTX (bình quân 1.012 HTX/năm), 21 Liên hiệp HTX và 33.307 tổ hợp tác (THT). Đến cuối năm 2021, cả nước có 9.316 HTX phi nông nghiệp (chiếm 34,7% tổng số HTX cả nước); 16 Liên hiệp HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp (chiếm 15%) và 44.226 THT phi nông nghiệp (giảm 21% so với năm 2002).
Phần lớn HTX thành lập theo Luật HTX năm 2012, tổ chức sản xuất, kinh doanh tập trung, cung ứng dịch vụ đầu vào, đầu ra cho thành viên, gắn với chuỗi giá trị, phù hợp với tiềm năng, lợi thế, ngành nghề truyền thống địa phương; chú trọng đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực quản trị. Cơ cấu ngành nghề trong HTX chuyển dịch theo hướng tích cực, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, hình thành thương hiệu sản phẩm. Doanh thu bình quân của HTX với thành viên tăng dần qua các năm.
Các HTX, THT phi nông nghiệp tổ chức sản xuất, kinh doanh tập trung, huy động nguồn lực từ thị trường, cơ chế quản trị linh hoạt và ứng dụng công nghệ tiên tiến, mục tiêu đảm bảo đồng thời lợi ích cho thành viên và lợi ích của HTX là có lãi, có năng lực cạnh tranh để thích nghi với thay đổi của thị trường. Hầu hết HTX, Liên hiệp HTX lĩnh vực phi nông nghiệp tổ chức lại hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, phù hợp với Luật HTX năm 2012; quy mô, chất lượng và hiệu quả hoạt động được nâng lên. Phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên; đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị cơ sở, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phát triển nguồn nhân lực có tay nghề và chất lượng cao; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo đối với lao động trẻ; giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; nâng cao nhận thức của xã hội về HTX kiểu mới.
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 250.000 THT, 26.000 HTX, 70 Liên hiệp HTX; thu hút 8 triệu thành viên và tạo việc làm cho 5 triệu lao động thường xuyên; 60% số HTX, Liên hiệp HTX, 40% số THT trong lĩnh vực phi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong quản trị và sản xuất kinh doanh; 50% số HTX, Liên hiệp HTX thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa và dịch vụ. Vốn điều lệ và tổng tài sản của các THT, HTX, Liên hiệp HTX trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng bình quân 10-15%/năm. 80% HTX hoạt động có hiệu quả. Xử lý dứt điểm các HTX đã ngừng hoạt động và các HTX chưa chuyển đổi, tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Kinh tế tập thể và HTX đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Thời gian qua, kinh tế tập thể và HTX phát triển cả về số lượng và chất lượng, số lượng HTX hiệu quả chiếm tỷ trọng cao đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tập thể, HTX vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: nhận thức về phát triển kinh tế tập thể có nơi chưa được quan tâm; vấn đề tiếp cận vốn, đất đai, khoa học kỹ thuật, đào tạo nhân lực, kinh tế thị trường còn chậm. Bên cạnh đó, công tác triển khai cơ chế, chính sách vẫn còn một số tồn tại. Vì vậy, cần xác định rõ vai trò của kinh tế tập thể, HTX, phải coi việc phát triển kinh tế tập thể, HTX là xu hướng chung của nền sản xuất hàng hoá.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị trong thời gian tới, các ban, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu Nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế tập thể, tháo gỡ những tồn tại hạn chế để tạo động lực mới cho sự phát triển.
Dịp này, Liên minh HTX Việt Nam đã tặng bằng khen cho 19 HTX phi nông nghiệp đã có thành tích xuất sắc trong đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả HTX.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

Mật ong Phương Di đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia

(GLO)- Ngày 17-1, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Trần Thanh Nam ký Quyết định số 377/QĐ-BNN-VPĐP phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm cấp Quốc gia đợt III-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.