“Tiếp sức nhà nông”: Thiết thực, nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- “Tiếp sức nhà nông” là chủ đề chương trình trao vốn do Báo Tuổi Trẻ, Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam phối hợp với Hội Nông dân và Tỉnh Đoàn tổ chức tại huyện Chư Sê vào sáng 5-3. Đúng với tinh thần “tiếp sức”, 80 hộ nông dân khó khăn đã được hỗ trợ vốn vay không lãi suất để phát triển sản xuất, góp phần thoát nghèo bền vững.

Vốn vay không lãi suất

Từ sáng sớm, 80 hội viên nông dân của 4 xã: Ia Tiêm, Ia Pal, Ia Blang, Hbông đã tập trung về Hội trường 17-8 để tham gia chương trình. Ai cũng vui mừng vì có nguồn vốn vay không lãi suất đầu tư chăn nuôi, trồng trọt với mong muốn thoát nghèo. Mỗi hộ được nhận nguồn vốn 20 triệu đồng và được tặng thức ăn chăn nuôi trị giá 3 triệu đồng cũng như được tư vấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trong 2 năm.

Ban tổ chức đã khéo léo lồng ghép chương trình giao lưu với một số trường hợp có hoàn cảnh khó khăn được nhận vốn vay lần này. Câu chuyện của bà Lê Thị Toàn (thôn 1, xã Ia Blang) khiến nhiều người đồng cảm. Chồng mất vì bệnh hiểm nghèo từ năm 2019, một mình bà Toàn tần tảo nuôi 3 người con, trong đó có 2 con đang học đại học, cao đẳng. Để trang trải cuộc sống sinh hoạt và cho con được tiếp tục đến trường, bà Toàn phải làm mọi công việc. Được nhận số vốn vay không lãi suất từ Ban tổ chức, bà Toàn xúc động cho biết: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, lâu nay, tôi cũng muốn vay tiền nhưng lại lo không trả được. Tôi rất vui mừng vì được nhận nguồn vốn vay không lãi suất trong giai đoạn khó khăn này. Tôi sẽ sử dụng nguồn vốn vay này để đầu tư nuôi heo nái. Tôi cố gắng sau 2 năm hoàn lại vốn để các hộ khó khăn khác được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này”.

Lãnh đạo các ban, ngành trao quà cho hội viên nông dân huyện Chư Sê. Ảnh: Phan Lài

Lãnh đạo các ban, ngành trao quà cho hội viên nông dân huyện Chư Sê. Ảnh: Phan Lài

Cầm số tiền vừa vay, ông Rlan Vân (làng Khối Zet, xã Ia Tiêm) phấn khởi nói: “Gia đình mình chỉ có 3 sào cà phê nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống. Vợ chồng mình phải đi làm thuê khắp nơi nhưng cuộc sống vẫn còn khó khăn. Được các đơn vị hỗ trợ vốn vay không lãi suất, mình sẽ nuôi bò, trồng dâu nuôi tằm để nâng cao thu nhập. Hy vọng sau 2 năm, gia đình mình sẽ bớt khó khăn và trả được vốn cho nhà đầu tư”.

Tất cả nông dân được hỗ trợ vốn “tiếp sức nhà nông” đợt này đều được Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tư vấn kiến thức, kỹ năng, qua đó giúp bà con sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, phát huy hiệu quả.

Niềm vui như được nhân đôi khi trong dịp này, 80 học sinh, sinh viên có thành tích học tập tốt là con em các hộ nông dân vừa được vay vốn cũng được nhận những suất quà ý nghĩa (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng). Em Phạm Thị Phương Trinh (lớp 9, Trường THCS Nguyễn Khuyến, thị trấn Chư Sê) chia sẻ: “Em thấy đây là một chương trình hết sức nhân văn. Gia đình em có nguồn vốn vay để phát triển kinh tế, em cũng được tặng học bổng. Em hứa sẽ nỗ lực hơn nữa trong học tập, sau này cố gắng tìm được việc làm để phụ giúp gia đình”.

Tạo sinh kế phát triển bền vững

Chương trình “Tiếp sức nhà nông” do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam khởi động từ năm 2010 thông qua hỗ trợ vốn vay, thức ăn chăn nuôi và đào tạo kỹ thuật chăn nuôi cho 2.460 hộ nông dân tại 22 tỉnh, thành trong cả nước. Đa số các hộ được hỗ trợ đã phát huy hiệu quả vốn vay với tỷ lệ hoàn vốn đạt trên 96%. Ông Lý Anh Duy Quang-Giám đốc Phòng Hoạt động trách nhiệm cộng đồng Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam-cho biết: “Qua 13 năm triển khai chương trình, chúng tôi rất vui khi đã góp phần cải thiện cuộc sống của hàng ngàn nông dân Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ nông thôn. Mục đích của chương trình là giúp nông dân thay đổi tư duy, cách thức trồng trọt, chăn nuôi, tiếp nhận khoa học kỹ thuật áp dụng vào các mô hình kinh tế. Sau khi trao vốn, phía doanh nghiệp cử cán bộ kỹ thuật tiếp tục đồng hành với bà con thông qua tập huấn kiến thức, kỹ năng chăn nuôi và cách sử dụng vốn vay hiệu quả”.

Ban tổ chức trao học bổng cho học sinh-sinh viên là con em hội viên nông dân ở huyện Chư Sê được vay vốn chương trình “Tiếp sức nhà nông”. Ảnh: Phan Lài

Ban tổ chức trao học bổng cho học sinh-sinh viên là con em hội viên nông dân ở huyện Chư Sê được vay vốn chương trình “Tiếp sức nhà nông”. Ảnh: Phan Lài

Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, chương trình “Tiếp sức nhà nông” đã tạo dấu ấn mạnh mẽ trong dư luận xã hội và chính quyền địa phương. Có thể nguồn vốn vay chưa lớn, không thể mang tới cuộc sống đầy đủ cho người dân nhưng sự “tiếp sức” đúng lúc và sự quyết tâm vượt lên nghèo khó tạo điều kiện để những nông dân chịu thương chịu khó thay đổi cuộc đời, gầy dựng tương lai tốt đẹp.

Ông Dương Mạnh Mẫn-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê-chia sẻ: Những năm qua, các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện đã được thụ hưởng các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình phát triển kinh tế-xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Vì thế, “Tiếp sức nhà nông” là chương trình hết sức ý nghĩa, không chỉ hỗ trợ nhà nông có nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt mà còn phát huy tinh thần sẻ chia của các doanh nghiệp đối với cộng đồng. Rất mong các đơn vị liên quan tiếp tục phối hợp hướng dẫn, giám sát người dân sử dụng nguồn vốn của chương trình đảm bảo đạt hiệu quả. Về phía người dân được hỗ trợ thì cần sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.