(GLO)- Trong 6 tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 khiến cho số doanh nghiệp (DN) giải thể hoặc ngừng hoạt động trên địa bàn tỉnh Gia Lai tăng 20-25% so với cùng kỳ năm 2020. Hiện các ngành, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn để ổn định sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp khó khăn vì dịch bệnh
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã có tới 70 DN giải thể, trung bình mỗi tháng có hơn 10 DN phải giải thể, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2020. Số DN tạm ngưng hoạt động cũng tăng 25%, trung bình mỗi tháng có gần 30 DN ngừng hoạt động.
Lượng khách mua sắm tại Siêu thị Co.op Mart Pleiku giảm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Đức Thụy |
Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thời gian qua là các DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Tại Gia Lai, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể về số DN hoạt động trong lĩnh vực này bị giải thể, nhưng dễ dàng thấy rõ sự “đuối sức” của nhiều DN. Theo thống kê của Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, trong 6 tháng đầu năm, số lượng khách quốc tế giảm 85% và khách trong nước giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, có tới 60-70% lao động trong ngành du lịch, dịch vụ phải tạm nghỉ việc.
Ông Nguyễn Văn Lâm-Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai-cho hay: “Doanh thu năm 2020 giảm gần 70% so với năm 2019. Riêng từ đầu năm 2021 đến nay, Công ty không có doanh thu, hoạt động kinh doanh hết sức khó khăn”.
Cùng với đó, lĩnh vực kinh doanh vận tải cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ông Nguyễn Hồng Hải-Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Gia Lai-cho hay: Hoạt động vận tải hành khách như xe khách, xe buýt, taxi đều phải cắt giảm tần suất 70-80%, số phương tiện được hoạt động giảm sản lượng 60%. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều tuyến vận tải khách phải tạm ngừng hoạt động. “Doanh thu bình quân các DN vận tải giảm 70-80%, trong đó có khoảng 80% đơn vị phải vay vốn ngân hàng để đầu tư mua xe. Do vậy, chúng tôi mong các ngành chức năng xem xét để DN vận tải được miễn 100% phí sử dụng đường bộ; giảm 50% thuế VAT cho xe vận tải hàng hóa; miễn 100% thuế VAT cho xe vận tải hành khách thời gian 12 tháng, miễn thuế ấn định cho những xe phải ngừng hoạt động; giảm 50% tiền thuê đất làm trụ sở, bến, bãi cho doanh nghiệp vận tải; miễn hoặc giãn thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đến khi ổn định lại thị trường”-ông Hải đề xuất.
Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp
Qua 4 đợt dịch Covid-19, đến nay, các DN đã rất “đuối sức” trong khi vẫn phải chịu các khoản chi thường xuyên như: tiền lương nhân viên, bảo hiểm, thuê mặt bằng, lãi vay… Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: “Năm 2020, toàn tỉnh có trên 1.000 DN thành lập mới. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm nay, gần 20% trong số này phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Nguyên nhân chủ yếu là do bị ảnh hưởng trực tiếp và kéo dài của dịch Covid-19, DN không tìm được cơ hội để khởi nghiệp, khó khăn trong tìm kiếm thị trường. Một số DN khác năng lực tài chính có hạn đã không “trụ” nổi trước khó khăn chồng chất”.
Trước tình hình đó, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-thông tin: “Hiệp hội đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại của hội viên phản ánh những khó khăn đang gặp phải. Nguyện vọng lớn nhất của các DN lúc này không chỉ là giãn thuế mà là được giảm, miễn thuế. Vừa rồi, Hiệp hội đã đề xuất Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh vận dụng chính sách để giảm lãi suất tối đa để DN vượt qua giai đoạn này”.
Công nhân làm việc tại Nhà máy sản xuất kính cường lực Phúc Thịnh Hoàng (Khu công nghiệp Trà Đa, ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Hà Duy |
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Nghị-Giám đốc Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh-cho hay: Thời gian qua, Chi nhánh đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại rà soát, đánh giá mức độ ảnh hưởng, thiệt hại của khách hàng để kịp thời triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng theo quy định tại Thông tư số 01/2000/TT-NHNN ngày 13-3-2020 và Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc các mức lãi suất huy động, cho vay tối đa theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là tiết giảm tối đa chi phí để giảm lãi suất cho vay.
“Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại tập trung triển khai các gói hỗ trợ tín dụng ưu đãi lãi suất, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, tiếp tục tiết giảm tối đa chi phí để giảm lãi suất cho vay; tiếp tục nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đánh giá tình hình thiệt hại, khó khăn của các DN để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời”-ông Nghị khẳng định.
Cùng chung tay, Cục Thuế tỉnh cũng đang tích cực triển khai Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho các DN, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị tác động bởi dịch Covid-19. Hiện tại, Cục Thuế tỉnh đã triển khai hướng dẫn người nộp thuế gửi giấy đề nghị gia hạn bằng phương thức điện tử qua ứng dụng thuế điện tử Etax, gửi qua đường bưu chính hoặc tiếp nhận nộp trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế. Theo tính toán của cơ quan thuế, tổng số thuế và tiền thuê đất gia hạn trên địa bàn tỉnh năm 2021 triển khai theo Nghị định 52 dự kiến khoảng 250 tỷ đồng.
Ngày 1-7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền lên tới 26.000 tỷ đồng. Gói hỗ trợ lần này có nhiều điểm mới so với gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng theo Nghị định số 42/NQ-CP năm trước, đó là giản lược 2/3 thủ tục; điều kiện đơn giản, thông thoáng; thời gian tiếp nhận, xem xét và giải quyết các hồ sơ chỉ còn 1-2 ngày để đẩy nhanh tiến độ triển khai, giúp gói hỗ trợ nhanh chóng đến được đúng đối tượng.
HÀ DUY