'Tiền đọng' nhiều tại ngân hàng, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không ít ngân hàng thương mại thừa nhận, thanh khoản VNĐ đang rất dồi dào. Hay nói chính xác hơn là các ngân hàng (NH) đang dư thừa vốn. Với thực tế như hiện nay, lãi suất huy động và cho vay được nhận định sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, sẽ giảm từ từ chứ không giảm “sốc”.
'Tiền đọng' nhiều tại ngân hàng
Tốc độ tăng trưởng tín dụng của toàn ngành ngân hàng mới chỉ đạt 2,13%. Đây là con số tăng trưởng tín dụng rất khiêm tốn, chỉ bẳng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Thông tin này được ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra tại buổi họp báo thông tin hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020 tổ chức tại TP.HCM.
Theo lãnh đạo của NHNN, các khách hàng hiện nay không có nhu cầu vay do sợ dịch Covid-19 đang trở lại bùng phát ở các nước. Tâm lý khách hàng không đầu tư, sản xuất trong giai đoạn này nên nhu cầu vay vốn không lớn. Ngân hàng dù có muốn đẩy tăng trưởng tín dụng lên cũng rất khó.
Cũng theo số liệu của NHNN, tính từ đầu năm đến ngày 20/5, số tiền huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư của các ngân hàng ước đạt khoảng 162.700 tỷ đồng, bình quân đạt hơn 1.160 tỷ/ngày. Trong khi cho vay, chỉ đạt đạt khoảng 108.200 tỷ, tương đương 773 tỷ mỗi ngày. Tại nhiều địa phương, có hiện tượng dư thừa nguồn vốn, huy động nhiều hơn cho vay.
Từ thực tế nêu trên, không ít ngân hàng thương mại phải thừa nhận, thanh khoản VNĐ đang rất dồi dào hay nói chính xác hơn là các NH đang dư thừa vốn.
Đơn cử như tại Sacombank, trong 5 tháng đầu năm, nguồn vốn huy động tăng 4,96% đạt hơn 434.700 tỷ, trong đó từ tổ chức và dân cư tăng 5%. Dư nợ tín dụng tăng 4,8% đạt trên 310.700 tỷ đồng.
Hay như HDBank, tính đến hết tháng 5, tốc độ tăng tín dụng riêng lẻ HDBank là 8%, trong khi huy động tăng 11% so với cuối năm 2019. Tương tự, dù bị ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội song huy động vốn qua 4 tháng của TPBank vẫn tăng trưởng 6%.
Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (nơi các NH thương mại vay mượn vốn lẫn nhau) giảm về sát ngưỡng 0% cũng là một trong những hàn thử biểu cho thấy việc "thừa" vốn tại các ngân hàng. Hiện lãi suất bình quân kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng chỉ có 0,35%/năm, 0,54%/năm và 1,51%/năm...
Có dư địa giảm lãi suất huy động
Câu hỏi đặt ra, vốn NH dư thừa, thanh khoản dồi dào, vậy lãi suất có tiếp tục giảm?
Ý kiến từ giới chuyên môn cho rằng, lạm phát thấp dưới 4%, tiền "ứ đọng" tại các ngân hàng trong khi nền kinh tế vẫn còn đang "loay hoay" do ảnh hưởng của Covid-19 thì việc giảm lãi suất huy động trong thời gian tới là điều có thể dự đoán trước. Từ đó, giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp (DN).
Theo ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB, lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm bởi lạm phát ở mức dưới 4%, nên lãi suất huy động thực dương ở mức 4 - 4,5%/năm là hợp lý. Tuy nhiên, lãi suất huy động có xu hướng giảm nhưng sẽ không giảm sốc, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền.
"Giảm lãi suất huy động là việc mà các ngân hàng rất mong muốn. Khi lạm phát được kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô ổn định cùng với các yếu tố vĩ mô khác hỗ trợ lúc đó chính là viễn cảnh tốt để lãi suất hạ xuống mức phù hợp. 
Thế nhưng, giảm lãi suất không nên giảm sốc mà cần tạo ra xu hướng. Hạ sốc gây bất ổn cho nền kinh tế. Bản thân người gửi tiền cũng cần đảm bảo quyền lợi, không cẩn thận tiền rút quá nhanh khỏi hệ thống thì lại gây bất ổn thanh khoản", ông Tùng nhấn mạnh.
 
Lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm (ảnh minh họa)
Về lãi suất cho vay, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay là có, mức độ giảm lãi suất cho vay có thể ở mức 0,5-1,5% tùy từng ngân hàng. 
"Hệ thống ngân hàng hiện nay rất dồi dào về thanh khoản, cộng với việc ngân hàng nhà nước liên tục hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thời gian vừa qua. Điều này tạo ra mặt bằng lãi suất huy động mới giảm hơn so với trước khoảng 0,5%, qua đó góp phần cho hệ thống ngân hàng có điều kiện để tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới", TS. Cấn Văn Lực (Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV) nhận định.
Còn theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ không nên giảm lãi suất tràn lan mà chỉ những lĩnh vực, ngành ưu tiên bị ảnh hưởng mạnh bởi dịch Covid cần có chính sách ưu đãi đặc biệt.
Trong khi đó, một lãnh đạo ngân hàng thì cho rằng, để cạnh tranh ngân hàng cố gắng áp dụng mức lãi suất tốt nhất cho khách hàng. Vấn đề ở chỗ, lãi suất không thể cào bằng tại tất cả các ngân hàng mà tuỳ vào chi phí vốn, năng lực tài chính. Có ngân hàng có lợi thế riêng huy động được lãi suất thấp, nhưng vẫn còn những ngân hàng đang phải huy động vốn trong dân với lãi suất khá cao, nên không thể giảm sâu lãi suất cho vay được. 
Huyền Anh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.