Thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mạng di động 5G dự kiến được triển khai thương mại trong năm 2020, kỳ vọng sẽ giúp những xu hướng thành phố thông minh (smart city), ngôi nhà thông minh (smart home) bùng nổ, góp phần đưa kinh tế số Việt Nam vươn lên.
 
Mạng 5G sẽ giúp các trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh hoạt động hiệu quả - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Những tín hiệu đầu tiên của kỷ nguyên 5G đã dần xuất hiện tại Việt Nam trong năm 2019. Đó là những dự án xây dựng smart city bắt đầu được triển khai tại nhiều thành phố. Đó là những smart home ngày càng xuất hiện nhiều trong các gia đình Việt, kéo theo nhu cầu sử dụng dịch vụ di động của người dùng Việt Nam ngày càng tăng mạnh.
Đến lúc này, tôi có niềm tin khá vững chắc tuyên bố của Thủ tướng trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi rằng năm 2020 Việt Nam sẽ thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam. Hôm nay chúng ta có niềm tin đó. Với những gì Viettel đã làm được, dân tộc ta có thể tự hào rằng Việt Nam sánh bước với những quốc gia hàng đầu thế giới.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng
Cuộc gọi 5G đầu tiên "make in Vietnam"
Ngày 17-1-2020, khi không khí tết bắt đầu chộn rộn, tại trụ sở Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel, Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Chu Ngọc Anh đã cùng thực hiện cuộc gọi video đầu tiên trên nền tảng 5G.
Điều đặc biệt, nền tảng để thực hiện cuộc gọi này sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G trên thiết bị thu phát sóng do chính Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm. Trước giờ chúng ta chỉ toàn thấy các nước mạnh trên thế giới làm và công bố thông tin về mạng 5G, chứ chưa bao giờ được chứng kiến hoạt động thực tế của mạng 5G trên chính thiết bị "make in Vietnam" như lần này.
Đầu năm 2019, khi các nhà mạng MobiFone, VinaPhone và Viettel tuyên bố sẵn sàng triển khai thử nghiệm 5G, trong bối cảnh tình hình an ninh mạng trên thế giới ngày càng diễn biến phức tạp và nguy hiểm khôn lường, rất nhiều người mong muốn Việt Nam có thể tự xây dựng một hệ thống hạ tầng mạng 5G riêng của chính mình.
Tuy nhiên, khả năng công nghệ và năng lực của các nhà mạng Việt Nam đã khiến không ít người cho rằng việc "làm chủ" này chẳng khác gì "ước mơ chỉ là mơ ước", còn lâu mới thực hiện được.
Thế nhưng nếu biết rằng hệ thống thiết bị 5G phục vụ cuộc gọi video 5G giữa hai vị bộ trưởng nêu trên do đội ngũ kỹ sư của Viettel phát triển chỉ trong 6 tháng (từ tháng 6 đến tháng 12-2019) hẳn sẽ không khỏi ngưỡng mộ. Viettel cho biết các kỹ sư của họ thực hiện yêu cầu nêu trên chỉ với nền tảng kinh nghiệm từ quá trình tự nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng (BTS) cho 4G và quá trình nghiên cứu tiền khả thi 5G.
5G sẽ quyết định sự thành công của xã hội số
Ngoài Viettel, hiện nay trên thế giới mới chỉ có 5 công ty đã sản xuất thành công các thiết bị mạng cho 5G bao gồm: Ericsson, Nokia, Huawei, Samsung và ZTE. Do đó, Viettel sẽ là nhà cung cấp thứ 6 trên thế giới sản xuất thiết bị này.
Trong số các nhà cung cấp kể trên, chỉ có duy nhất Viettel vừa là nhà khai thác viễn thông vừa có khả năng sản xuất các thiết bị mạng. Viettel đặt mục tiêu đến tháng 6-2020 sẽ thương mại hóa 5G Microcell và đến tháng 6-2021 sẽ thương mại hóa 5G Microcell trên toàn mạng lưới. Nhà mạng này cũng sẽ xây dựng các sản phẩm dân sự, quân sự trên "Hệ sinh thái công nghệ 5G" phát triển và sản xuất tại Việt Nam.
Về tầm quan trọng của 5G, thiếu tướng Lê Đăng Dũng - quyền chủ tịch, tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - nhận định: "5G sẽ quyết định sự thành công của xã hội số. Tất cả các quốc gia đều dùng 5G này để chứng minh trình độ khoa học công nghệ của mình. Vì vậy, chúng tôi xác định dự án 5G như là dự án chiến lược nhất của Viettel".
Những ứng dụng của công nghệ 5G
So với các thế hệ mạng trước đây, mạng 5G không chỉ có ưu thế vượt trội về tốc độ kết nối mạng mà còn có độ trễ rất thấp, giúp kết nối được duy trì liên tục, đảm bảo sự ổn định của hoạt động qua mạng.
Bên cạnh đó, 5G còn hỗ trợ đa kết nối cùng lúc trong một hệ thống mạng, giúp các thiết bị trong mạng (như thiết bị IoT) dễ dàng kết nối liên tục mà không lo phải "chen chân xếp hàng" chờ tới phiên kết nối.
"Nhờ đó những kết nối dạng điều khiển từ xa, hay ứng dụng thực tế ảo (VR) hay thực tế tăng cường (AR) có thể diễn ra đúng như thời gian thực của con người. Bạn sẽ không còn phải chờ theo kiểu ra lệnh điều khiển, rồi chờ lệnh "chạy" tới hệ thống và hệ thống xử lý rồi mới hồi đáp lệnh" - anh Nguyễn Huy Hải, kỹ sư phát triển hạ tầng của một nhà mạng di động, cho biết.
Chẳng hạn trong lĩnh vực y tế, nhiều ca mổ có thể được triển khai hoàn toàn từ xa bằng các robot phẫu thuật do bác sĩ điều khiển qua kết nối mạng.
Thao tác mổ của robot yêu cầu phải chính xác tuyệt đối đến từng milimet và diễn ra tức thời theo thao tác của bác sĩ thông qua hệ thống điều khiển từ xa. Kèm theo đó là hình ảnh truyền tải trực tiếp giữa hai bên phải rõ nét và đảm bảo ổn định theo thời gian thực. "Việc này đòi hỏi hệ thống truyền tải tín hiệu phải có độ trễ gần như bằng 0 và tốc độ truyền tải tín hiệu nhanh, mạnh và ổn định. Đó chính là một trong ứng dụng của mạng 5G mà chúng ta sẽ thấy trong tương lai" - anh Hải nêu ví dụ.
Ngoài robot phẫu thuật được điều khiển qua kết nối mạng di động 5G, thực tế còn có rất nhiều ứng dụng khác tương tự như: robot tìm kiếm cứu nạn ở các vụ hỏa hạn hay cứu nạn (những nơi con người khó có thể tiếp cận); cánh tay robot trong sản xuất cơ khí chính xác... Hay như trong lĩnh vực thể thao, du lịch ảo tại chỗ, với kết nối tốc độ cao, ổn định và độ trễ siêu thấp, người dùng không cần ra khỏi nhà cũng có thể trải nghiệm thời gian thực các địa điểm muốn đến theo chân các nhà khám phá, hoặc xem trực tiếp các trận đá bóng trực tuyến như ngồi tại sân vận động.
Hay là chơi các trò chơi thể thao thời gian thực như bóng bàn, quần vợt... 5G sẽ tạo cảm giác cho người chơi như đang chơi thực tế, chứ không phải chơi qua không gian mạng.
Ở cấp độ cao hơn, một hệ thống giao thông trong các thành phố thông minh được xem là một ứng dụng đơn giản và dễ hiểu nhất của mạng 5G. Ở đó, các phương tiện giao thông sẽ có khả năng kết nối và liên lạc với nhau, đồng thời có thể giao tiếp với cơ sở hạ tầng giao thông (như đèn tín hiệu, các khu vực cảnh báo...) góp phần giảm thiểu tai nạn, tăng sự an toàn cho người sử dụng giao thông.
Góp phần cho công nghiệp 4.0
Trong lĩnh vực sản xuất thông minh - một phần quan trọng của công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang triển khai, với tốc độ nhanh, độ trễ thấp và độ ổn định cao, 5G sẽ giúp hoàn thiện hóa hệ thống tự động tại các nhà máy. Bên cạnh đó, tính năng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp các nhà máy có thể phân tích số lượng dữ liệu lớn nhanh chóng, giúp đơn giản hóa quá trình làm việc và đưa ra quyết định, giúp quản lý hiệu quả...
Theo Sách trắng định vị các ứng dụng 5G, các nhà hoạch định đã đưa ra kịch bản ứng dụng 5G trong các lĩnh vực băng thông rộng tăng cường, truyền thông và giải trí, lĩnh vực sản xuất công nghiệp và giao thông thông minh. Theo đó, 5G sẽ mở ra hàng nghìn tỉ không gian thị trường và các cơ hội đầu tư trong tương lai.
Dự báo năm 2035, 5G sẽ tạo ra 12.300 tỉ USD sản lượng kinh tế trên toàn cầu, 80% trong số đó có liên quan đến 5G. Với sự tiến bộ của quy trình thương mại 5G, các ứng dụng sáng tạo 5G xuất hiện như vô tận, bao gồm băng thông rộng di động tăng cường, giải trí dựa trên phương tiện truyền thông, sản xuất công nghiệp, giao thông thông minh...
Đôi cánh cho kinh tế số Việt Nam
Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019 do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, nền kinh tế số tại Việt Nam đạt 12 tỉ USD năm 2019, dẫn đầu khu vực cùng với Indonesia.
Việt Nam cùng Indonesia là hai thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực. Báo cáo cho thấy nền kinh tế số của khu vực vừa đạt đến một cột mốc mới, chạm ngưỡng 100 tỉ USD lần đầu tiên vào năm nay, tăng 72 tỉ USD so với năm ngoái. Nền kinh tế số tại Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đang tăng trưởng ở mức 20 - 30% hằng năm. Trong khi đó, hai đại diện dẫn đầu trong khu vực là Indonesia và Việt Nam có tốc độ tăng trưởng vượt mức 40% một năm.
 
Đã có hàng trăm thiết bị đầu cuối kết nối 5G được trình làng hoặc đang phát triển - Ảnh: ĐỨC THIỆN
Ngày 14-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký kết chỉ thị đầu tiên của năm 2020 là thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần đi đầu, tạo đột phá trong thực hiện chiến lược "Make in Vietnam" với hàm ý "Doanh nghiệp Việt Nam phấn đấu từng bước làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới".
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Thiều Phương Nam - tổng giám đốc Qualcomm khu vực Đông Dương - cho rằng hạ tầng 5G là yếu tố thiết yếu để Việt Nam có thể hoàn thành cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia. Công nghệ này chính là chìa khóa làm thay đổi nền kinh tế của Việt Nam. "Công nghệ kết nối thế hệ mới này chính là chìa khóa mở ra các cơ hội mới, tạo ra các mô hình vận hành kinh doanh mới có khả năng làm thay đổi nền kinh tế, giúp Việt Nam bứt phá trở thành một nước lớn mạnh về mặt phát triển công nghệ" - ông Nam cho biết.

Đức Thiện (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

Gia Lai: Sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”

(GLO)- Chiều 14-11, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Gia Lai tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch triển khai đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) Quốc gia đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.