Thuốc bảo vệ thực vật sinh học: Lựa chọn thông minh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) có vai trò rất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Song, nếu lạm dụng thuốc BVTV hóa học sẽ gây nhiều hệ lụy cho sản xuất, môi trường, hệ sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Do vậy, việc sử dụng thuốc BVTV sinh học, giảm dần thuốc hóa học trong sản xuất được xem là sự lựa chọn thông minh.

Theo thống kê, toàn tỉnh đã có khoảng 233.522 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO, chiếm 41,5% trên tổng diện tích gieo trồng của tỉnh. Ông Lê Văn Thanh-Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh) thông tin: Hiện tại, Hợp tác xã đang liên kết với người dân xây dựng được 3 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích hơn 140 ha. Bên cạnh đó, Hợp tác xã liên kết với người dân sản xuất hơn 200 ha chanh dây. Trong quá trình liên kết, Hợp tác xã đã tuyên truyền để người dân thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hữu cơ. Việc sử dụng chế phẩm sinh học và phân hữu cơ, vi sinh thay thế phân hóa học vừa giúp giảm chi phí đầu tư, vừa ổn định năng suất, kéo dài tuổi thọ của cây và bảo vệ môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người nông dân.

Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) phun thuốc phòng trừ bệnh cho cây cà phê. Ảnh: L.N

Người dân xã Ia Sao (huyện Ia Grai) phun thuốc phòng trừ bệnh cho cây cà phê. Ảnh: L.N

Còn theo ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh: Trong những năm gần đây, người dân sản xuất nông nghiệp có chiều hướng giảm dần sử dụng thuốc BVTV hóa học và chuyển qua sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, phân bón hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, huyện cũng thành lập đoàn liên ngành để kiểm tra hoạt động kinh doanh phân bón, thuốc BVTV trên địa bàn nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm; tăng cường công tác tuyên truyền người dân sử dụng thuốc BVTV sinh học, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Hàng năm, tổng diện tích gieo trồng của tỉnh đạt trên 575.000 ha, trong đó có hơn 314.600 ha cây hàng năm, hơn 226.700 ha cây công nghiệp lâu năm, hơn 30.700 ha cây ăn quả và khoảng 3.000 ha cây dược liệu. Ước tính hàng năm, lượng thuốc BVTV sử dụng trong sản xuất nông nghiệp khoảng 1.550 tấn, trong đó, lượng thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học gần 565 tấn, chiếm 36%; lượng thuốc BVTV hóa học khoảng 985 tấn, chiếm 64%.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh-cho biết: Thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, tình trạng sử dụng thuốc BVTV hóa học trên cây trồng đang ở mức cao. Việc sử dụng và lạm dụng thuốc BVTV hóa học nếu không được khắc phục sẽ dẫn tới hệ lụy nghiêm trọng đối với môi trường, sức khỏe con người. Ngoài ra, việc này còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, tăng giá thành nông sản, giảm lợi nhuận của nông dân, thu hẹp thị trường tiêu thụ nông sản… Đơn cử như mới đây, đơn hàng xuất khẩu chuối của Công ty cổ phần Nông nghiệp An Thịnh Farm Gia Lai sang thị trường Nhật Bản bị trả lại do dư lượng thuốc BVTV vượt ngưỡng. Hay cách đây khoảng 1 tháng, Chi cục đã phối hợp với một công ty ở TP. Hồ Chí Minh chuyên xuất khẩu ớt sang thị trường Nhật Bản để lấy mẫu ớt tại một số địa phương trong tỉnh cho đi phân tích. Kết quả, một số thành phần dư lượng vượt gấp 157 lần so với yêu cầu, quy định về tiêu chuẩn ớt xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hay thất bại của bà con nông dân trồng cây hồ tiêu trong những năm gần đây là do tình trạng lạm dụng và sử dụng thuốc BVTV hóa học không đúng cách…

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Giải pháp sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Ảnh: Lê Nam

Các đại biểu tham dự Hội thảo “Giải pháp sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh, thúc đẩy xuất khẩu nông sản, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường. Ảnh: Lê Nam

Ngày 29-8-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2018/NĐ-CP về phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tiếp đó, ngày 20-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Chính phủ chỉ đạo xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa hiệu quả, bền vững về kinh tế-xã hội và môi trường; chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc BVTV sinh học; phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn, phát thải carbon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Về phía địa phương, UBND tỉnh cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về lĩnh vực quản lý vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường.

“Hiện nay, nhiều nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển thuộc Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Mỹ… đã đưa ra hàng loạt quy định nghiêm ngặt về mức tồn dư tối đa cho phép đối với các hoạt chất thuốc BVTV trong thực phẩm cũng như thắt chặt quy định kiểm tra an toàn thực phẩm nhập khẩu. Do đó, muốn có sản phẩm nông nghiệp an toàn để nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản và hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn thì yếu tố đầu vào mang tính quyết định đó chính là phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh và thuốc BVTV sinh học. Trước mắt, chúng ta cần nhận thức và hành động đẩy mạnh việc sử dụng thuốc BVTV sinh học để góp phần thực hiện mục tiêu đảm bảo phát triển sản xuất bền vững, đảm bảo an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn nông sản xuất khẩu; đẩy mạnh thực hiện chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, gắn sản xuất với phát triển du lịch sinh thái, thực hành sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Organic”-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.