(GLO)- Trong thời điểm cuộc kháng chiến chống thực dân pháp xâm lược đang ở thời kỳ gian khổ và ác liệt nhất, ngày 11-6-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” nhằm cổ vũ toàn dân nuôi dưỡng và bồi đắp tinh thần thi đua yêu nước, diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.
Thực hiện lời dạy của Người, suốt 41 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đã thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, lãnh đạo khôi phục và đẩy mạnh sản xuất, từng bước tạo sự phát triển ổn định kinh tế-xã hội. Đặc biệt, từ năm 1986 đến nay, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, tỉnh đã tập trung thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh.
Khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu về thi đua yêu nước. Ảnh: T.N |
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh không ngừng tăng cao qua từng giai đoạn và từng năm, từ 3,5%/năm (giai đoạn 1976-1990) đến giai đoạn 2011-2015 bình quân tăng 12,81%/năm. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 35 triệu đồng, bằng 71,3% bình quân chung của cả nước. Tổng thu ngân sách từ sau giải phóng đến năm 1991 đạt 40 tỷ đồng, đến năm 2015 đạt gần 3.100 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh đã hình thành, phát triển nhiều vùng sản xuất tập trung, chuyên canh cây nông nghiệp, công nghiệp ngắn và dài ngày gắn với công nghiệp chế biến và xuất khẩu, như hồ tiêu (trên 13.000 ha), cao su (trên 110.000 ha), mía (trên 38.000 ha), cà phê (gần 80.000 ha)… Giá trị sản xuất ngành công nghiệp và tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm tăng trưởng nhanh. Các loại hình dịch vụ, du lịch ngày càng mở rộng về quy mô và chất lượng phục vụ.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện; các vấn đề bức xúc được tập trung giải quyết; các gia đình chính sách, người có công, đối tượng xã hội được quan tâm chăm sóc. Qua phong trào thi đua “Gia Lai chung sức xây dựng nông thôn mới” triển khai từ năm 2011, tỉnh đã ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho 45 xã điểm nông thôn mới. Cuối năm 2015, toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Hoạt động thi đua còn gắn liền với các mặt công tác lãnh đạo xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong giai đoạn 2010 đến nay, toàn Đảng bộ đã kết nạp được gần 15.000 đảng viên mới, đạt tỷ lệ hàng năm hơn 7% so với tổng số đảng viên đầu năm. Đến nay Đảng bộ tỉnh có 22 đảng bộ trực thuộc (gồm 17 huyện, thị, thành ủy và 5 đảng ủy trực thuộc), với gần 1.000 tổ chức cơ sở Đảng, gần 50.000 đảng viên (đảng viên dân tộc thiểu số chiếm gần 24%).
Ảnh: Thanh Nhật |
Bên cạnh đó, MTTQ cùng các đoàn thể và ngành chức năng đã nâng cao hiệu quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh các phong trào thi đua đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, vì người nghèo, thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, thực hiện hương ước, quy ước, phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh...
Phát huy những thành quả đạt được, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã đề ra, cùng các nhiệm vụ chung của đất nước trong giai đoạn mới theo Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Thanh nhật