Thực hiện chính sách sau sắp xếp đơn vị hành chính: Còn vướng mắc, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau hơn 2 năm triển khai chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và thôn, hệ thống chính trị cơ sở trở nên tinh gọn, hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập cần khắc phục, rút kinh nghiệm.



Tinh gọn bộ máy hành chính

 Đoàn giám sát họp tổng kết đợt giám sát. Ảnh: Quang Tấn
Đoàn công tác của Ban Pháp chế HĐND tỉnh họp tổng kết đợt giám sát. Ảnh: Quang Tấn


Từ ngày 20-9 đến 6-10, đoàn công tác của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, làng, tổ dân phố (TDP) dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính tại 5 địa phương trong tỉnh. Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thôn, làng, TDP trên địa bàn tỉnh được các ngành, chính quyền địa phương quan tâm triển khai thực hiện đảm bảo theo trình tự quy định và đúng kế hoạch đề ra. Đến nay, các địa phương đã hoàn thành việc giải quyết chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người hoạt động không chuyên trách và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, làng, TDP dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính.

Thực hiện Nghị quyết số 859/NQ-UBTVQH14 ngày 10-1-2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 137/NQ-HĐND ngày 6-12-2018 của HĐND tỉnh, TP. Pleiku đã tiến hành sáp nhập các đơn vị hành chính chưa đảm bảo các tiêu chuẩn quy định. Theo ông Nguyễn Hữu Sung-Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku, sau sáp nhập, bộ máy hành chính ở 22 xã, phường và 175 thôn, làng, TDP đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả. Thành phố đã tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được 26 cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (tiết kiệm kinh phí trên 1,8 tỷ đồng) và 654 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, TDP (tiết kiệm hơn 4,8 tỷ đồng). Đồng thời, thành phố cũng đã thực hiện chính sách hỗ trợ đầy đủ cho 9 cán bộ, người hoạt động không chuyên trách dôi dư ở cấp xã và 254 người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, TDP với tổng kinh phí trên 883 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Ảnh: Quang Tấn
Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Sung phát biểu tại buổi làm việc với đoàn giám sát Ban Pháp chế HĐND tỉnh. Ảnh: Quang Tấn


Ông Trần Thanh Vị-nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Chư Hdrông (cũ) thông tin: “Ngay sau khi sáp nhập xã Chư Hdrông và phường Chi Lăng, tôi được hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục giải quyết chế độ, chính sách hỗ trợ rất kịp thời. Đến nay, tôi đã nhận đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập với số tiền hơn 12 triệu đồng”.

Tương tự, thực hiện các văn bản chỉ đạo của cấp trên, năm 2018, huyện Chư Păh triển khai sáp nhập thôn, làng, TDP; năm 2019 thực hiện sáp nhập xã. Toàn huyện hiện có 14 đơn vị hành chính cấp xã và 109 thôn, làng, TDP (giảm 1 xã và 14 thôn, TDP so với thời điểm trước sáp nhập). Số cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau sáp nhập giảm 29 người (tiết kiệm ngân sách gần 575,6 triệu đồng); ở thôn, làng, TDP giảm 125 người (tiết kiệm hơn 1,16 tỷ đồng).

Theo bà Đỗ Thị Giang-Trưởng phòng Nội vụ huyện Chư Păh, các đơn vị sau khi sáp nhập đã nhanh chóng kiện toàn hệ thống tổ chức; hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước được nâng cao và đạt được mục tiêu đề ra. Ủy ban nhân dân huyện cũng đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn có thôn, làng, TDP sáp nhập triển khai ngay việc sắp xếp, bố trí, giải quyết các chế độ cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư theo đúng quy định. Theo đó, huyện đã chi trả hỗ trợ đầy đủ cho 24 người cấp xã với tổng kinh phí trên 884 triệu đồng; 57 người tại thôn, làng, TDP với kinh phí hơn 161 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Thuận-nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya (cũ) hài lòng khi được xã giải quyết chính sách hỗ trợ kịp thời. Ảnh: Mộc Trà
Ông Nguyễn Văn Thuận-nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya (cũ) hài lòng khi được xã giải quyết chính sách hỗ trợ kịp thời. Ảnh: Mộc Trà


Là cán bộ dôi dư sau sắp xếp, ông Nguyễn Văn Thuận-Bí thư Chi bộ làng Xóa (xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) chia sẻ: “Tôi nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya. Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, tôi nghỉ công tác và được xã kịp thời hướng dẫn lập hồ sơ, giải quyết chế độ hỗ trợ theo quy định với số tiền hơn 63 triệu đồng. Là đảng viên, tôi chấp hành sự phân công, điều động của tổ chức với tâm thế thoải mái. Dù ở vị trí nào, tôi cũng sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Những năm qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND cấp huyện, xã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá kỹ thực trạng để tổng hợp, báo cáo đề xuất phương án sắp xếp các xã, thôn, làng, TDP không đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định. Sau sáp nhập, toàn tỉnh có 220 xã, phường, thị trấn với 1.576 thôn, làng, TDP (giảm 2 xã và 584 thôn, làng, TDP). “Sau sáp nhập, bộ máy hành chính của các xã, thôn, làng, TDP trong tỉnh đã nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động; tập trung được đầu mối giải quyết công việc. Trình độ, năng lực của người hoạt động không chuyên trách, người làm công việc ở thôn, làng, TDP được nâng lên”-Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trần Đại Thắng đánh giá.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, làng, TDP dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.

Bộ máy hành chính phường Chi Lăng sau sáp nhập tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Ảnh: Quang Tấn
Bộ máy hành chính phường Chi Lăng (TP. Pleiku) sau sáp nhập tinh gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực. Ảnh: Quang Tấn


Tại buổi khảo sát thực tế tại phường Chi Lăng vào ngày 22-9, ông Lương Văn Anh-Tổ trưởng TDP 4-cho hay: “Đa số người dân trong tổ đều đồng thuận với chủ trương sáp nhập. Tuy nhiên, TDP 4 được sáp nhập từ 3 tổ nên địa bàn rất rộng, dân cư thưa dẫn đến việc đi lại, tổ chức họp dân gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, mặt bằng hội trường TDP hiện không đáp ứng cho việc họp dân một lần. Vì vậy, mỗi lần họp, chúng tôi phải phân ra họp ở 3 cụm dân cư, rất mất thời gian. Bên cạnh đó, việc quản lý 2 hội trường dôi dư sau sáp nhập cũng là một vấn đề khó đối với TDP”. Còn ông Trần Thanh Vị thì cho biết: “Sau khi sáp nhập, việc quản lý trụ sở xã Chư Hdrông cũ không đảm bảo. Không có người trông coi, bảo quản gây hư hỏng tài sản của Nhà nước”.

Qua đi khảo sát thực tế tại các địa phương, bà Đinh Thị Giang-Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh-cho rằng: Việc quản lý, sử dụng tài sản công sau khi sáp nhập có nơi còn thiếu khoa học, gây lãng phí. Mặt khác, tình trạng thừa-thiếu cục bộ nhà văn hóa thôn, làng sau sáp nhập ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng. Thôn, làng, TDP mới có địa bàn rộng, dân cư phân tán, nhà sinh hoạt khá xa với một số cụm dân cư nên gặp khó khăn trong việc hội họp của người dân cũng như công tác tự quản. Thậm chí, số hộ dân nhiều hơn trước nhưng vẫn sử dụng nhà văn hóa của thôn, làng cũ nên diện tích không đảm bảo.

 Trạm Y tế xã Chư Hdrông cũ bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Quang Tấn
Trạm Y tế xã Chư Hdrông (cũ) bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Ảnh: Quang Tấn

Theo báo cáo của Sở Nội vụ, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã sau sắp xếp giảm 55 người (tiết kiệm cho ngân sách hơn 5,2 tỷ đồng); người hoạt động không chuyên trách và làm công việc ở thôn, làng, TDP giảm 3.788 người (tiết kiệm hơn 58,8 tỷ đồng). Bên cạnh đó, các địa phương đã kịp thời giải quyết chính sách cho 2.117 đối tượng nghỉ việc do dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính, đảm bảo đúng quy định (cấp xã có 33 người với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng, chiếm hơn 20% kinh phí tiết kiệm; ở thôn, làng, TDP có 2.084 người với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng, chiếm hơn 10% kinh phí tiết kiệm).
 

Ông Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh-nhìn nhận: Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có thời gian công tác dưới 12 tháng và những người trực tiếp tham gia công việc ở thôn, làng, TDP như bí thư chi Đoàn, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh không thuộc diện được hỗ trợ nếu dôi dư sau sắp xếp. Đây là thiệt thòi cho họ. Vì thế, cần rà soát và đề xuất bổ sung chính sách hỗ trợ những đối tượng này. Đồng thời, cần chấn chỉnh ngay việc thu phí, lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân đến chỉnh lý các loại giấy tờ liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập.

Để thực hiện có hiệu quả trong giai đoạn tiếp theo, ông Thái Thanh Bình-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh cần tổ chức sơ kết, tổng kết chương trình nhằm đánh giá kết quả thực hiện và có biện pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn tiếp theo. Đồng thời, UBND tỉnh cần có hướng dẫn thống nhất việc chuyển đổi giấy tờ của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc sáp nhập ở cấp xã, thôn, làng, tổ dân phố; việc quản lý, sử dụng cơ sở vật chất dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập, tránh gây lãng phí, thất thoát tài sản của Nhà nước. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức kiểm tra, rà soát toàn bộ các đối tượng đã hưởng và chưa được hưởng chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng người đủ điều kiện nhưng vẫn chưa được hưởng, hướng dẫn họ làm thủ tục giải quyết theo quy định; tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, rà soát việc chuyển đổi giấy tờ của người dân liên quan đến việc thực hiện chính sách sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thôn trên địa bàn cũng như rà soát, thống kê, quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng dôi dư…

 

 QUANG TẤN - MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Ông Bùi Văn Khánh được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ

Ông Bùi Văn Khánh được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ

(GLO)- Sáng 19-12, HĐND huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) khóa IV đã khai mạc kỳ họp thứ 10 nhằm xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đề ra phương hướng, giái pháp thực hiện nhiệm vụ năm 2023. Dự họp có đồng chí Ngô Khắc Ngọc-Tỉnh ủy viên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh.
Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên

(GLO)- Sáng 16-11, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai trao quyết định của Bộ Chính trị cho ông Trần Quốc Cường-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương, tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên nhiệm kỳ 2020-2025. Quyết định có hiệu lực từ 15-11.
Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ông Đoàn Anh Dũng giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận

Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Ban Bí thư về việc luân chuyển, chỉ định cán bộ tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đối với ông Đoàn Anh Dũng, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII.
Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

Đến năm 2026, các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 101.546 biên chế

(GLO)- Đến năm 2026, các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập có 101.546 biên chế. Tổng biên chế công chức, biên chế của các hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương bảo đảm đến hết năm 2026 là 103.300 biên chế.