Thú vui ích kỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Tôi sống trong một con hẻm nhỏ ở Pleiku. Đối diện nhà tôi là một quán nhậu khá rộng rãi, nhiều cây xanh, có hồ nước. Quán đẹp nên được nhiều người chọn làm nơi tổ chức tiệc sinh nhật, họp lớp, liên hoan cơ quan…
Dân gian có câu “rượu vào lời ra”. Xưa nay vẫn vậy. Nhưng bây giờ, sau khi uống bia rượu, người ta không chỉ nói mà còn muốn hát. Để chiều lòng thực khách, quán nhậu cạnh nhà tôi sắm một chiếc loa (mọi người hay gọi là loa kẹo kéo) có kết nối bluetooth với điện thoại di động, thêm chiếc micro nữa. Khách đến nhậu muốn hát chỉ cần bật điện thoại cá nhân chọn bài, chủ quán kéo loa, đem micro ra, vậy là xong.
Mỗi người cần có ý thức hơn khi giải trí bằng hình thức này để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh (ảnh internet)
Mỗi người cần có ý thức hơn khi giải trí bằng hình thức này để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh (ảnh internet)
Chuyện chẳng có gì đáng nói nếu quán phục vụ khách đến nhậu hát hò có giờ giấc. Đằng này nhiều hôm, khách hát ầm ĩ bất kể sáng-trưa-chiều-tối. Người say thường nói to, hát cũng to. Đã vậy, chủ quán còn mở loa hết công suất. Ban đầu, tôi và những người hàng xóm khác nghe cũng vui tai nhưng lâu dần thì khó chịu, nhất là khi khách hát buổi trưa hay về khuya, hoặc sai tông loạn nhịp. Những lúc như thế, tôi thấy không khác gì bị tra tấn. Cũng đôi lần tôi định qua góp ý với chủ quán nhưng rồi lại thôi bởi không muốn làm ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của người ta. Hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau, mình nhường nhịn, chịu đựng một chút cũng chẳng sao.
Mà chả cứ riêng tôi và những hàng xóm, vài năm nay, từ khi loa kẹo kéo xuất hiện trên thị trường, dân tình khắp nơi đều khốn khổ khốn nạn với “dịch” karaoke di động. Đấy là nói những người “phải” nghe hát, chứ người hát thì họ vui lắm. Ngày chưa có loa kẹo kéo, muốn hát, người ta phải đến quán karaoke hoặc bỏ ra cả mớ tiền mua ti vi, đầu đĩa, dàn âm thanh. Giờ chỉ cần bỏ ra khoảng 2 triệu đồng là ai cũng có thể mua được một chiếc loa kẹo kéo kèm micro về bỏ góc nhà, muốn hát lúc nào thì bật. Vì loa rẻ như thế nên nhiều người mua. Mua rồi thì phải hát, phải rủ bạn bè đến hát cùng cho vui. Người có ý tứ thì hát có giờ có giấc, người vô tâm chẳng cần biết xung quanh mình có ai thì hát bất kể trưa chiều, sáng đêm. Chỉ khổ hàng xóm chịu trận, nhất là người già không thể nghỉ ngơi, con trẻ không học hành được vì ồn.
Nhưng không phải ai cũng chấp nhận chịu đựng hoặc đủ khả năng chịu đựng sự “tra tấn” ngày đêm của tiếng hát phát ra từ chiếc loa kẹo kéo. Vậy là phản ứng, nhẹ thì qua góp ý, nặng hơn có khi xô xát, bạo lực. Nhiều vụ mâu thuẫn mất tình cảm, đánh nhau, thậm chí giết người, chống người thi hành công vụ cũng xuất phát từ chuyện này. Như ở quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng) ngày 19-2 vừa qua, người dân ở một khu chung cư bị một nhóm thanh niên vừa nhậu vừa hát “tra tấn” lỗ tai giữa đêm khuya đã phải điện báo Công an phường. Khi Công an phường đến nhắc nhở, nhóm thanh niên không nghe lời, thậm chí còn lao vào tấn công một Thiếu úy Công an khiến anh này phải nổ súng cảnh cáo. Hiện cơ quan Công an địa phương này đang hoàn tất hồ sơ để khởi tố nhóm thanh niên về hành vi chống người thi hành công vụ. Hay trước đó, vào tháng 10-2018, một thầy giáo trẻ ở thị xã Thuận An (tỉnh Bình Dương) đã bị đâm chém nhiều nhát dẫn đến tử vong chỉ vì nhắc nhở nhóm thanh niên nhậu nhẹt, hát hò ồn ào gần nơi trọ của mình…
Hành vi vi phạm về tiếng ồn đã được quy định rất rõ tại Điều 17 Nghị định 179/2013/NĐ-CP ngày 14-11-2013 của Chính phủ với mức phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 160 triệu đồng. Tuy nhiên, trong thực tế, hành vi này rất ít bị xử lý, hoặc có xử lý thì cũng chỉ áp dụng với các cơ sở kinh doanh có điều kiện như quán bar, karaoke… Còn tiếng ồn phát ra từ những chiếc loa kẹo kéo ở các khu dân cư khắp hang cùng ngõ hẻm dường như đang bị các cơ quan quản lý nhà nước thả nổi, kể cả việc nhắc nhở. Hệ quả là ngày này qua tháng khác, nhiều người dân vẫn phải cam chịu sống trong sự “tra tấn” của “dịch” karaoke di động.
Âm nhạc từ lâu đã là một phần đời sống tâm hồn của con người. Việc nhiều người thích hát hò sau những giờ lao động nặng nhọc, mệt mỏi cũng là một hình thức giải trí lành mạnh, đáng trân trọng. Chỉ có điều, mỗi người cần có ý thức hơn khi giải trí bằng hình thức này để tránh ảnh hưởng đến những người xung quanh. Chứ với những gì đang diễn ra như hiện nay, nói thật, thì lại là một thú vui ích kỷ mà cơ quan quản lý nhà nước cần ra tay xử lý.
Lê Hà

Có thể bạn quan tâm

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

FAO đánh giá người lớn và trẻ em khu vực bắc Gaza đang chết đói

(GLO)- Giám đốc Văn phòng khẩn cấp và phục hồi của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) Rein Paulsen trong phiên họp của Hội đồng Bảo an diễn ra ngày 12/11, cho biết “Ủy ban Đánh giá Nạn đói đã phát hiện ra khả năng cao là nạn đói đang xảy ra hoặc sắp xảy ra ở các khu vực phía bắc dải Gaza”.

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

Gia Lai: Quy định xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu”

(GLO)- Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 60/2024/QĐ-UBND ngày 11-11-2024 quy định chi tiết tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn, tổ dân phố văn hóa”, “Xã, phường, thị trấn tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Quang cảnh bàn giao nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại thị xã Ayun Pa Ảnh N.A

Ayun Pa: Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ hộ nghèo

(GLO)- Từ tháng 10-2023 đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn thị xã Ayun Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ban vận động Quỹ “Vì người nghèo” cùng cấp đã huy động được hơn 1 tỷ đồng ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”.

Mắt người già thật là... phức tạp

Mắt người già thật là... phức tạp

(GLO)- Ngày còn trẻ, tôi có tính hay bị “dị ứng” với những người mang kính. Nhưng đúng là “ghét của nào trời trao của nấy”, tuổi chưa đầy 50, tôi đã phải gắn bó với cặp kính. Mới đầu rất khó chịu, không có kính thì không thấy đường đọc, mà mang kính vào thì vướng víu đủ điều.