Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu trực tuyến tại sự kiện. (Ảnh: Anh Hiển/Vietnam+) |
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) ngày 26/9 đã tổ chức lễ công bố báo cáo về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024.
Phát biểu trực tuyến tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của các nước trong quá trình phát triển nhanh, bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Việt Nam cổ vũ cho đổi mới sáng tạo vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển trên thế giới cũng như trong khu vực, phản đối đổi mới sáng tạo để phục vụ cho chiến tranh, phục vụ cho cạnh tranh không lành mạnh và nhất là nó ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân trên thế giới. Vì vậy, Việt Nam cũng có quan điểm rất rõ ràng là trong quá trình đổi mới sáng tạo này, phải lấy người dân làm trung tâm, làm chủ thể, người dân phải thực sự được hưởng thụ thành quả của đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải chia sẻ với nhau: đổi mới sáng tạo tác động đến toàn dân, toàn diện và toàn cầu, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, vì vậy chúng ta phải có cách tiếp cận toàn cầu, cách tiếp cận toàn dân, đề cao chủ nghĩa đa phương, kêu gọi sự hợp tác quốc tế trong quá trình thúc đẩy tiến trình đổi mới sáng tạo."
"Tôi kêu gọi các nước giàu, các nước phát triển, các nước tiên tiến, các nước có điều kiện hơn ủng hộ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho các nước đang phát triển, các nước nghèo, các nước có điều kiện khó khăn hơn về xây dựng thể chế, về ưu đãi nguồn tài chính, về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, về chuyển giao công nghệ tiên tiến và quản trị thông minh."
Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ: "Việt Nam xác định giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, trong đó lấy đổi mới sáng tạo, vừa là động lực, vừa là nguồn lực, vừa là mục tiêu của sự phát triển và góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, góp phần thúc đẩy để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân Việt Nam ngày càng được hạnh phúc và ấm no."
"Vì vậy, chúng tôi rất cảm ơn, trân trọng và đánh giá cao sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, trong đó có WIPO, cũng như là các nhà khoa học và các chuyên gia đến hợp tác giúp đỡ chúng tôi trong quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo phục vụ cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.”
Các đại biểu tham gia thảo luận tại sự kiện. (Ảnh: Anh Hiển/Vietnam+) |
Về phần mình, Tổng giám đốc WIPO, ông Darren Tang cũng chúc mừng các thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong thời gian gần đây, đánh giá cao sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, trong Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2024, Việt Nam đã tăng 2 bậc so với năm trước, lên 44/132 quốc gia.
Theo báo cáo của WIPO, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Mỹ, Singapore và Anh có nền kinh tế đổi mới nhất thế giới, trong khi Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam và Philippines là những quốc gia "leo dốc 10 năm" nhanh nhất.
WIPO cũng đánh giá công nghệ tiếp tục phát triển nhanh chóng, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến sức khỏe và sức mạnh tính toán. Việc áp dụng công nghệ cũng đang tăng lên, đặc biệt là về mạng di động thế hệ thứ năm (5G), với mức tăng gần 25% về phạm vi phủ sóng vào năm 2022, robot và xe điện (EV). Tuy nhiên, tiến trình trong các công nghệ xanh trong năm ngoái chậm hơn mức trung bình của thập kỷ, làm nổi bật nhiều khó khăn.
Cũng trong sự kiện công bố báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2024, chia sẻ với phóng viên TTXVN, Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, cho biết: "Sự tham dự và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của Việt Nam. Về phía Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Geneva, chúng tôi luôn nỗ lực đóng vai trò cầu nối thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và WIPO, cũng như với các đối tác quốc tế".
Theo Anh Hiển (TTXVN/Vietnam+)