Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính: Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 30-12, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn xanh, bền vững”. 

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT tổ chức theo hình thức trực tiếp, kết nối trực tuyến đến 63 điểm trên toàn quốc với hơn 4.000 đại biểu tham gia.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trực tiếp giải đáp các thắc mắc của nông dân. Ảnh: Anh Huy

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trực tiếp giải đáp các thắc mắc của nông dân. Ảnh: Anh Huy

Tại điểm cầu Hội trường 2-9 (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), các đồng chí: Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phan Thị Kim Chi-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; Hội Nông dân các huyện, thị xã, thành phố và hợp tác xã, hộ nông dân tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nông dân

Khai mạc hội nghị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, ngay từ đầu năm 2023, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong cán bộ, hội viên nông dân về các vấn đề còn khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Đến nay có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, tập trung vào 6 nhóm vấn đề. Trong đó, nông dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27-2-2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2023; tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị. Chính phủ quan tâm, có các giải pháp thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp; có giải pháp, chính sách trong việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn; quan tâm, tạo điều kiện giải quyết, chăm lo đời sống an sinh xã hội cho người nông dân,... Trên cơ sở đối thoại, Thủ tướng sẽ xem xét, chỉ đạo các giải pháp nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát huy sự sáng tạo để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững.

Với tinh thần dân chủ, khách quan, 14 câu hỏi trực tiếp tại hội nghị đã đề cập đến nhiều vấn đề và được lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan và Thủ tướng Chính phủ trực tiếp giải đáp. Nông dân Y Pốt Niê (xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đak Lak) đề cập: Chính phủ có những chính sách gì để thúc đẩy, khuyến khích, hỗ trợ nông dân thực hiện nhanh quá trình chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế trong nông nghiệp, từ nông nghiệp đơn giá trị sang nông nghiệp đa giá trị? Cuối năm 2024, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ cấm nhập khẩu cà phê trồng trên đất có nguồn gốc từ phá rừng và gây suy thoái rừng, vậy Chính phủ sẽ có những giải pháp gì để đáp ứng yêu cầu này, nhất là vấn đề quy hoạch vùng trồng cà phê đảm bảo phát triển bền vững?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan mong muốn nông dân nắm bắt đầy đủ tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó phải chủ động và nỗ lực nâng cao năng lực và liên kết để tạo nên sức mạnh tập thể.

“Bộ sẽ cùng với doanh nghiệp để hỗ trợ bà con. Nếu bà con liên kết được và hợp tác xã đủ mạnh thì tôi nghĩ cộng đồng doanh nghiệp luôn sẵn sàng tạo ra những vùng nguyên liệu. Và chính doanh nghiệp là người đưa nông sản ra thị trường. Nhà nước đóng vai trò cầu nối và tạo ra những điều kiện phù hợp. Điều này cũng là một trong những giải pháp thích ứng với quy định mới của Châu Âu như đại biểu đã đề cập. Để chuẩn bị tốt nhất cho việc thực thi quy định này, Bộ đã cùng Hiệp hội cà phê ký chương trình hành động cụ thể, trợ giúp và đồng hành cùng nông dân hiểu để đáp ứng đúng quy định”-Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho hay.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long và Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phan Thị Kim Chi chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Anh Huy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long và Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phan Thị Kim Chi chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Anh Huy

Trao đổi về những chính sách hỗ trợ nông dân tham gia Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của ông Bùi Văn Tuấn-Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Cây Trôm (tỉnh An Giang), Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin: Ngoài gói hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, còn có sự tham gia của các tổ chức khác và Bộ đã cùng lãnh đạo tỉnh An Giang trao đổi về vấn đề này. Bên cạnh chính sách hỗ trợ HTX, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT sẽ có những gói tín dụng riêng cho các doanh nghiệp và HTX tham gia vào đề án với tiêu chí thành viên HTX càng đông thì lãi suất có thể càng thấp,...

Liên quan nội dung trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp cần 5 thành tố quan trọng: Xây dựng thương hiệu, quy hoạch vùng nguyên liệu, doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào-đầu ra, ngân hàng hỗ trợ vốn vay ưu đãi và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, để có những yếu tố này, nông dân phải có dự án, đề án cụ thể, phù hợp.

Đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ tại điểm cầu của tỉnh Gia Lai, bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX Hùng Thơm (huyện Mang Yang) nêu: “Điểm hạn chế lớn nhất của bà con nông dân là thiếu thông tin về thị trường và vấn đề xây dựng thương hiệu nông sản. Vậy Chính phủ có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn bền vững?”. Về nội dung này, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, để có kiến thức và nhận thức phải thông qua quá trình dạy và học. Nhà nước tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn bằng các hình thức khác nhau, ngược lại nông dân cũng phải nỗ lực học tập, nghiên cứu, không ngừng nâng cao kiến thức, hiểu biết. Tương tự, để có thị trường bền vững, nông dân cũng phải có sản phẩm đảm bảo chất lượng, thương hiệu, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý,...

Xóa bỏ rào cản về nếp nghĩ, cách làm cũ

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ gửi lời chúc mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII và chúc các đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao để thực hiện mục tiêu “nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, nông nghiệp sinh thái”. Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện, trình ban hành văn bản để tổ chức triển khai thực hiện phù hợp.

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX Hùng Thơm (huyện Mang Yang) đặt câu hỏi với Thủ tướng tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Anh Huy

Bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc HTX Hùng Thơm (huyện Mang Yang) đặt câu hỏi với Thủ tướng tại điểm cầu Hội trường 2-9. Ảnh: Anh Huy

Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm xuyên suốt về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng, chiến lược khẳng định vai trò, vị thế của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tiến trình phát triển đất nước. Trong đó nổi bật là Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới,... Và đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào thành tựu chung của đất nước là rất to lớn và hết sức quan trọng, khẳng định được vai trò, vị trí, góp phần làm vững chắc thêm nền tảng cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Để tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và Hội Nông dân Việt Nam tiếp tiếp tục nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức tự lực, tự cường và vị thế chính trị của nông dân Việt Nam trong đổi mới và hội nhập quốc tế; nâng cao nhận thức của nông dân về phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, nông nghiệp thông minh, sạch và an toàn, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, tích cực hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng mọi cơ hội, biến nguy thành cơ và không để ai bị bỏ lại phía sau. Các cấp Hội và từng hội viên nông dân phải nhận thức được những thay đổi của thời đại và xu thế của thị trường để thay đổi tư duy, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp đa giá trị gắn với nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, xóa bỏ rào cản về nếp nghĩ, cách làm cũ manh mún, nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp... Đồng thời tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản trên cơ sở phát triển các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng giữa hộ gia đình với các tổ chức hợp tác, doanh nghiệp theo phương châm “muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau”.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành và cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung triển khai nguồn lực, nhân lực để thực hiện tốt các đề án, chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp, trong đó chú trọng đến các chương trình, đề án về giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu. Tập trung triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp, làm thay đổi mạnh mẽ chuỗi sản xuất-chế biến-kinh doanh nông sản, hướng tới mục tiêu “mỗi nông dân đều có khả năng truy cập, khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc, giảm sự phụ thuộc vào các khâu trung gian từ sản xuất, phân phối đến người tiêu dùng”...

Thủ tướng Chính phủ tin tưởng, với khí thế mới, động lực mới, nông nghiệp, nông thôn nước ta ngày càng phát triển và nông dân Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế ngày càng quan trọng như lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Chúc giai cấp nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, thực sự là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới”

Có thể bạn quan tâm