Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Đảm bảo kỳ thi THPT an toàn, nghiêm túc, nhân văn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Mong mỏi lớn nhất của tôi cũng như những người tham gia tổ chức kỳ thi này là chúng ta sẽ có một kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc, nhân văn", Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ nói.

 Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ. (Ảnh: TTXVN)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ. (Ảnh: TTXVN)


Hôm nay, 6/7, thí sinh trên cả nước sẽ làm thủ tục dự thi, chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đợt 1 năm 2021. Thêm một năm nữa, kỳ thi buộc phải tổ chức thành hai đợt do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng trong bối cảnh tình hình dịch phức tạp hơn nhiều so với năm 2020.

Vì thế, việc tổ chức kỳ thi đòi hỏi sự chuẩn bị tích cực cũng như quyết tâm cao của nhiều cấp, nhiều ngành và các địa phương. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ - Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia của kỳ thi đã có những chia sẻ về sự chuẩn bị này.

Chủ động, linh hoạt với các tình huống

- Thưa Thứ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kinh nghiệm trong việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong bối cảnh có dịch bệnh từ năm 2020, nhưng năm nay điều kiện dịch bệnh còn phức tạp hơn. Thứ trưởng có thể cho biết điều khó khăn nhất của việc tổ chức thi năm nay là gì? Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương đã có giải pháp gì để giải quyết khó khăn đó?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc của toàn ngành giáo dục, sự trách nhiệm của các địa phương, kỳ thi năm 2020 đã thành công tốt đẹp và là tiền đề, kinh nghiệm quan trọng để tổ chức kỳ thi năm 2021.

Năm nay tình hình dịch bệnh phức tạp hơn. Nếu năm 2020 dịch bệnh chỉ xuất hiện ở một số địa phương thì năm nay diện tác động của dịch bệnh đã rộng hơn. Đến thời điểm này, theo thống kê đã có hơn 50 tỉnh/thành phố trong cả nước có trường hợp nhiễm bệnh, trong đó một số địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Đồng Nai, Bình Dương, Phú Yên… có số lượng ca nhiễm bệnh lớn.

Vì thế, khó khăn lớn nhất là việc phải làm sao vừa ứng phó được với dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, cán bộ giáo viên, vừa tổ chức kỳ thi nghiêm túc, khách quan, công bằng.


 

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các địa phương. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)


Trên cơ sở những kinh nghiệm trong việc tổ chức kỳ thi năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức kỳ thi ứng phó với tác động của dịch từ rất sớm với tinh thần chủ động áp dụng các biện pháp, điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến của dịch bệnh để kỳ thi diễn ra an toàn cho thí sinh và những người tham gia công tác tổ chức thi, tạo điều kiện tốt nhất để các thí sinh được tham dự kỳ thi.

Vai trò chủ động của các địa phương đã được thể hiện rõ nét trong các quyết định về phương án tổ chức kỳ thi trên địa bàn. Điều này đã giúp cho học sinh, phụ huynh yên tâm hơn, không bị bị động trong kế hoạch thời gian tổ chức thi.

- Diễn biến dịch ở các địa phương khác nhau sẽ có những giải pháp phù hợp khác nhau. Tinh thần chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp để phòng chống dịch và đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã được các địa phương thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án cụ thể theo điều kiện cụ thể của từng nơi.

Ngày 17/6, Bộ đã ban hành công văn về việc tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Theo đó, thông báo chủ trương sẽ tổ chức đợt thi thứ hai cho đối tượng thí sinh không thể tham dự kỳ thi vào các ngày 7, 8/7 do bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Bộ sẽ quyết định thời gian tổ chức thi kỳ đợt hai và ban hành hướng dẫn tổ chức đợt thi này trên cơ sở đề nghị của chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố.

Từ công văn của Bộ, các địa phương đã chủ động rà soát, thống kê số lượng học sinh trong diện F0, F1, F2 và lên phương án tính toán để tổ chức các đợt thi. Một số địa phương quyết định vẫn cho học sinh F1, F2 thi cùng một đợt tại các điểm thi riêng và đảm bảo các biện pháp an toàn. Các địa phương khác lại quyết định tổ chức đợt hai cho các thí sinh diện F1, F2. Có địa phương cho học sinh F2 dự thi đợt một nếu các em có nguyện vọng và được trải qua các vòng xét nghiệm đảm bảo về an toàn phòng dịch.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các địa phương đều đã bố trí điểm thi dự phòng và các phòng thi dự phòng ở mỗi điểm thi để sử dụng khi cần thiết. Nếu các năm trước, mỗi điểm thi chỉ bố trí một cán bộ y tế thì năm nay, các điểm thi đều có tối thiểu hai cán bộ y tế và huy động lực lượng làm công tác ứng trực để xử lý các tình huống đột xuất.

 

Diễn tập chuẩn bị cho thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Diễn tập chuẩn bị cho thi tốt nghiệp trung học phổ thông tại điểm thi Trường Trung học cơ sở Ba Đình, Hà Nội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)


Rất nhiều địa phương đã tổ chức xét nghiệm cho toàn bộ thí sinh, cán bộ, giáo viên làm thi. Một số địa phương còn ưu tiên tiêm vaccine cho những đối tượng này.

Nhiều giải pháp về phân luồng, phân tuyến nhằm siết chặt an toàn trường thi cũng đã được các địa phương chuẩn bị để thực hiện trong những ngày tổ chức kỳ thi.

Nhiều địa phương có các hình thức hỗ trợ về đi lại, ăn ở cho học sinh ở xa, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng “không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại”.

Có thể thấy thời gian qua, các địa phương đã vào cuộc rất quyết liệt và quyết tâm để chuẩn bị các điều kiện thuận lợi nhất cho tổ chức kỳ thi. Công tác chuẩn bị chủ động, tích cực của các địa phương sẽ là một trong những yếu tố quyết định cho thành công của kỳ thi.

Tuy nhiên, thi cử là việc không thể chủ quan, đặc biệt kỳ thi lại được tổ chức trong hoàn cảnh khó khăn với diễn biến phức tạp của dịch bệnh thì càng không thể lơ là, mất cảnh giác. Bất cứ một sai sót nào cũng có thể ảnh hướng tới toàn bộ nỗ lực chung. Vì vậy, Bộ đề nghị các địa phương tiếp tục quán triệt thí sinh, người tham gia tổ chức thi nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; nắm chắc diễn biến dịch bệnh, lường trước các tình huống phát sinh, bình tĩnh xử lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho thí sinh và những người tham gia tổ chức thi.

 

Nhiều địa phương đã thực hiện xét nghiệm cho thí sinh trước kỳ thi. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)
Nhiều địa phương đã thực hiện xét nghiệm cho thí sinh trước kỳ thi. (Ảnh: Văn Dũng/TTXVN)


Với tinh thần đó và sự chuẩn bị kỹ càng của các địa phương, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp song các em học sinh và những cán bộ làm thi có thể yên tâm để bước vào kỳ thi quan trọng này.

Thu hẹp phạm vi ra đề thi

-  Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thí sinh thi năm nay phải trải qua nhiều đợt học online trong năm học lớp 11 và 12. Với đặc thù đó, Bộ đã chỉ đạo công tác xây dựng đề thi như thế nào để vừa đáp ứng các mục tiêu của kỳ thi nhưng vẫn phù hợp với điều kiện học tập thực tế của thí sinh?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Học sinh tham gia kỳ thi năm nay đã trải qua hai năm học chịu tác động của dịch bệnh. Để đảm bảo phù hợp với tình hình đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo xây dựng đề thi phù hợp với lứa học sinh này.

Từ cuối tháng Ba, Bộ đã xây dựng và công bố đề thi tham khảo của 5 môn thi. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 (năm học 2019-2020 và 2020-2021) không được đưa vào đề thi tham khảo năm nay.

Tinh thần và định hướng này sẽ tiếp tục được thể hiện trong đề thi chính thức của cả hai đợt thi tới đây.

- Ngày mai, các thí sinh sẽ bắt đầu môn thi đầu tiên. Thứ trưởng có nhắn gửi gì tới các thí sinh và cán bộ làm thi năm nay?

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ: Trước hết, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới các em thí sinh, các cán bộ, giáo viên, nhân viên sẽ tham gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 về những nỗ lực suốt thời gian qua để chuẩn bị tâm thế, điều kiện tốt nhất cho kỳ thi này.


 

Các điểm thi được phun khử khuẩn trước kỳ thi và sau mỗi buổi thi. (Ảnh: TTXVN)
Các điểm thi được phun khử khuẩn trước kỳ thi và sau mỗi buổi thi. (Ảnh: TTXVN)



Đây là năm thứ hai chúng ta bước vào một kỳ thi với những vất vả khách quan, nhưng cũng cho thấy khó khăn có thể vượt qua được nếu chúng ta có sự chuẩn bị tốt, có quyết tâm cao và có kinh nghiệm để ứng phó.

Với các em thí sinh, tôi mong các em bình tĩnh, tự tin để bước vào kỳ thi, thể hiện được tốt nhất bản thân. Với các em thí sinh còn đang chờ để thi đợt hai, tôi mong các em yên tâm, không lo lắng. Kỳ thi đợt hai sẽ được tổ chức trong điều kiện thuận lợi, đảm bảo mọi điều kiện và đảm bảo công bằng cho các em.

Với các cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia kỳ thi, chúng ta hãy nhận phần khó về mình để các em học sinh có được điều kiện tham gia kỳ thi tốt nhất. Trong mọi trường hợp, nếu có thể xử lý tình huống theo cách nhân văn nhất, tôi mong các thầy cô sẽ làm để đảm bảo không có sự thiệt thòi nào cho các em học sinh.

Cuối cùng mong mỏi lớn nhất của tôi cũng như của những người tham gia tổ chức kỳ thi này là chúng ta sẽ có một kỳ thi thực sự an toàn, nghiêm túc và nhân văn.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

 

Theo Phạm Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

Gia Lai: Phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 TTHC trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo

(GLO)- Ngày 15-1, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Rah Lan Chung đã ký Quyết định số 42/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết đối với 1 thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Bá Công tặng hoa chúc mừng 3 nhóm tác giả có dự án xuất sắc đại diện cho tỉnh tham gia cuộc thi cấp quốc gia. Ảnh: T.D

Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học, môi trường cho học sinh sáng tạo nghiên cứu

(GLO)- Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 11 (năm học 2024-2025) do Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức diễn ra từ ngày 9 đến 11-1 đã trở thành sân chơi bổ ích, trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự khám phá, đam mê nghiên cứu khoa học trong học sinh.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.