Thu tiền tỷ nhờ trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Gia đình chị Nguyễn Thị Nhơn (làng Bới, xã Hòa Phú, huyện Chư Pah) thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ việc trồng xen 300 cây sầu riêng và 2.000 cây mít Thái da xanh trong vườn cà phê.
 

Gần 10 năm trước, gia đình chị Nguyễn Thị Nhơn có đến 3,7 ha cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Chị Nhơn nghĩ ngay đến việc trồng xen cây ăn quả để tăng thu nhập. Sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều mô hình, chị Nhơn đã trồng xen 200 cây sầu riêng trong vườn cà phê.

Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng nên cây sầu riêng phát triển tốt. 5 năm sau, vườn sầu riêng bắt đầu cho thu bói với năng suất 50 kg/cây, giá bán 35-40 ngàn đồng/kg. Thấy được hiệu quả từ cây ăn quả mang lại, năm 2017, chị tiếp tục trồng xen 2.000 cây mít Thái da xanh với 2.000 cây cà phê.

 Sản phẩm mít Thái da xanh của gia đình chị Nguyễn Thị Nhơn rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: A.H
Sản phẩm mít Thái da xanh của gia đình chị Nguyễn Thị Nhơn rất được thị trường ưa chuộng. Ảnh: A.H



Lý giải cho việc trồng xen mật độ khá dày cây mít Thái da xanh trong vườn cà phê, chị Nhơn cho biết: “Khi cây mít lên cao tầm 2,5 m, tôi cắt ngọn và chỉ để tán xòe rộng khoảng 1 m nên không chiếm nhiều diện tích và cũng không ảnh hưởng đến cây trồng xung quanh. Hơn nữa, những quả mít nuôi từ thân cây ăn sẽ ngon, được thị trường ưa chuộng hơn là quả nuôi từ cành”.

Để cây phát triển ổn định, cho thu hoạch lâu dài, năm đầu tiên, khi mít ra quả, mỗi cây chị chỉ giữ lại khoảng 6 quả, chia làm 3 đợt gối đầu nhau (mỗi đợt 2 quả). Những năm tiếp theo, tùy khả năng sinh trưởng của cây, chị tăng dần số lượng lên 4-6 quả/cây/đợt. Theo chị Nhơn, trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê sẽ khiến năng suất cà phê giảm. Tuy nhiên, nếu tính tổng năng suất của các loại cây trồng trên cùng 1 đơn vị diện tích thì hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều.

Chị Nhơn so sánh: “Thời gian trước, 3,7 ha cà phê cho thu nhập cao nhất cũng chỉ khoảng 700 triệu đồng/năm, nhưng từ khi trồng xen thêm cây sầu riêng và cây mít Thái da xanh thì hiệu quả tăng lên nhiều". Cụ thể, năm 2019, sau khi chặt bỏ bớt số cây cà phê già cỗi, chỉ giữ lại khoảng 2.500 cây sinh trưởng tốt đã đem lại nguồn thu cho gia đình chị là gần 400 triệu đồng. Cùng với đó, gia đình chị còn có thêm thu nhập gần 1 tỷ đồng từ 200 cây sầu riêng và 2.000 cây mít Thái da xanh.

Nhận thấy việc xen canh đem lại hiệu quả kinh tế cao, chị tiếp tục trồng xen 100 cây sầu riêng và 200 cây thanh long trong diện tích cà phê còn lại. Cũng theo chị Nhơn, việc trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê cho thu nhập cao nhưng khá vất vả. Lúc trước, gia đình chị có thể “khoán trắng” cho nhân công ở hầu hết các công đoạn trồng, chăm sóc, thu hoạch cà phê; còn bây giờ trồng xen cây ăn quả, chị phải luôn túc trực tại vườn cây để hướng dẫn kỹ thuật cho người làm công.

Cũng trong năm 2019, chị Nhơn tham gia Tổ hội nghề nghiệp “Trồng, chăm sóc sầu riêng sạch” để cùng các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác cây sầu riêng cũng như tiếp cận thông tin về giá cả thị trường, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác, tiêu thụ sản phẩm, giúp nâng cao thu nhập. Chị Nhơn bộc bạch: “Qua các buổi gặp gỡ, sinh hoạt tổ hội nghề nghiệp, tôi đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, từ việc nên bón phân gì trong thời gian dưỡng cây, dưỡng hoa hay làm thế nào để quả sầu riêng to, chắc cơm và ngọt múi. Tôi cũng chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên trong tổ để cùng nhau phát triển sản xuất”.

Bà Nguyễn Thị Hồng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú-nhận xét: “Mô hình trồng xen cây ăn quả trong vườn cà phê của chị Nhơn đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Chị Nhơn cũng thường xuyên giúp đỡ hội viên về kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 2019, gia đình chị Nhơn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất-kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2017-2019”.

 

 ANH HUY


 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.