Thủ thuật đảo tiền lòng vòng của ông Trần Phương Bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sáng 27-11-2018, Tòa án Nhân dân TPHCM khai mạc phiên tòa xét xử sơ thẩm 26 bị cáo trong vụ gây thiệt hại cho DongABank (DAB) hơn 3.600 tỷ đồng và theo kế hoạch dự kiến kết thúc vào ngày 25-12.
Tại phiên tòa, bị cáo Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc, Phó chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng tín dụng DAB đã thừa nhận nội dung cáo trạng với nhiều hành vi sai phạm nghiêm trọng về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, dù khuôn khổ quy định của pháp luật về những vấn đề này đã có.
Đảo tiền lòng vòng  thành của riêng 
Sai phạm nổi bật là việc ông Trần Phương Bình đã liên tục chỉ đạo các nhân viên dưới quyền thực hiện việc lập phiếu thu khống hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phần của DAB đứng tên mình, và người thân trong nhiều năm liền mới bị phát hiện.
Lần đầu tiên sai phạm là năm 2007, khi đó DAB phát hành cổ phần chào bán ra công chúng 2 đợt để tăng vốn điều lệ từ 880 tỷ đồng lên 1.600 tỷ đồng, ông Bình đã chỉ đạo trưởng phòng ngân quỹ hội sở kiêm thủ quỹ của DAB Nguyễn Đức Vinh lập 8 bảng kê phiếu thu thu khống, tổng số 374 tỷ đồng để mua và sở hữu gần 5,4 triệu cổ phần DAB.
Sau đó ông Bình chỉ đạo Vinh xuất quỹ chi 23.252 lượng vàng (không lập chứng từ) và phối hợp với phòng kinh doanh DAB bán cho các hiệu vàng tại TPHCM, lấy 374 tỷ đồng bù vào số tiền âm quỹ do bán cổ phần nói trên. Đến nay, ông Bình vẫn sở hữu số cổ phần này và nhận cổ tức hàng năm từ DAB. 
Cũng trong đợt tăng vốn điều lệ năm 2007, ông Bình nhờ CTCP quản lý quỹ Lộc Việt mua 5,75 triệu cổ phần DAB, trị giá gần 328 tỷ đồng. Năm 2008, ông Bình chỉ đạo cấp dưới thu khống hơn 30 tỷ đồng của khách hàng vay vàng của DAB Nguyễn Hồng Ánh, 121 tỷ đồng tiền bán chung cư cao cấp Richland Hill, cho các công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam vay 197 tỷ đồng, và dùng số tiền này để mua lại cổ phần từ Lộc Việt. Sau đó, ông Bình chỉ đạo Phòng ngân quỹ Hội sở và Sở giao dịch DAB lập chứng từ thu khống 204 tỷ đồng để trả 196 tỷ đồng tiền gốc và hơn 8 tỷ đồng tiền lãi cho khoản vay 2 công ty Ninh Thịnh và Sao Việt Nam. 
 
Ông Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ tại TAND TPHCM. 
Cơ quan điều tra xác định ông Bình đã chiếm đoạt số tiền 234 tỷ đồng từ việc mua 5,75 triệu cổ phần DAB do quỹ Lộc Việt sở hữu. Cùng hành vi lập phiếu thu khống tương tự, ông Bình đã liên tiếp chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng để mua cổ phần DAB đứng tên mình và người thân.
Trong các năm sau đó, hành vi sai phạm tương tự liên tục được lặp lại và theo hồ sơ vụ án, từ khi thành lập đến nay, DAB đã tăng vốn điều lệ 39 lần, đồng thời theo sau đó ông Bình chỉ đạo cấp dưới lập chứng từ thu chi khống để lấy tiền của DAB mua cổ phần cho mình và người thân.
Cái kim trong bọc bắt đầu đâm thủng khi vào năm 2013, DAB bị thua lỗ kéo dài, thiếu hụt số lượng lớn tiền, vàng trong kho quỹ, Trần Phương Bình đã chủ trương tăng vốn điều lệ DAB từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng vào năm 2014. Do quen biết với Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”), 2 người thống nhất Vũ mua 60 triệu cổ phần DAB với giá 600 tỷ đồng khi DAB tăng vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn, có quyền chi phối tại DAB. Nguồn tiền Vũ mua cổ phần DAB có được từ việc thế chấp 220 lô đất tại TP Đà Nẵng là 400 tỷ đồng. Còn lại 200 tỷ đồng, ông Bình chỉ đạo nhân viên DAB xuất quỹ cho Vũ ký khống chứng từ để Vũ có được 200 tỷ đồng tham gia mua cổ phần của DAB. 
Tổng kết lại theo cáo trạng, bị cáo Trần Phương Bình phạm tội “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” hơn 2.000 tỷ đồng của DAB, thông qua các hành vi như chỉ đạo cấp dưới xuất quỹ chi sai nguyên tắc để bị cáo và người thân mua hơn 74,2 triệu cổ phần DAB, để Phan Văn Anh Vũ mua cổ phần DAB và sử dụng cá nhân. Để bù tiền thu khống, bị cáo chỉ đạo đồng phạm thực hiện các hành vi trái pháp luật bằng cách xuất quỹ bán vàng, lập hồ sơ cho vay khống để tất toán... 
Qua mặt thanh tra NHNN?
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm 26 bị cáo trong vụ gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.600 tỷ đồng đang diễn ra, ông Bình đã thừa nhận các nội dung cáo trạng truy tố. Trong phiên xét hỏi diễn ra chiều ngày 28-11, câu trả lời trước Hội đồng xét xử của bị cáo cho thấy đã có nhiều kẽ hở trong việc giám sát hoạt động DAB giai đoạn này.
Cụ thể, tòa hỏi về nguồn tiền tăng vốn điều lệ, bị cáo Bình trả lời, trước NHNN không quy định rõ nguồn gốc tiền, nhưng sau đó NHNN đã quy định không được vay tiền để mua cổ phần của chính NH đã vay tiền. Ông Bình thừa nhận đã vi phạm quy định của NH khi tăng vốn điều lệ. Như vậy, có nghĩa dù đã có quy định về việc tăng vốn điều lệ, nhưng khi cònlà lãnh đạo NH bị cáo Bình vẫn ngang nhiên thực hiện hành vi sai phạm trong một thời gian rất dài.
Lời khai của ông Bình cho thấy đã có sự lỏng lẻo trong quản lý tại DAB và bị cáo cùng đồng phạm, liên tục lách luật kinh doanh để nhiều hoạt động. Phòng ngân quỹ của DAB có 3 ngân quỹ riêng biệt là quỹ vàng, quỹ ngoại tệ và quỹ tiền đồng. Quy trình kiểm quỹ phải có đại diện lãnh đạo NH, phòng kế toán và thủ quỹ.
Tuy nhiên, DAB không thực hiện theo quy trình trên. Hay như NHNN ra quy định cấm tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài, yêu cầu đóng và tất toán số dư tài khoản đã mở để kinh doanh vàng tài khoản ở nước ngoài trước ngày 30-3-2010.
Tuy nhiên, sau thời gian này DAB vẫn xuất khẩu hơn 14.000 lượng vàng, thông qua một số cá nhân đã kinh doanh ngoại hối với NH UOB (Singapore) thua lỗ 336 tỷ đồng và NH Banca Adamas (Thụy Sĩ) thua lỗ hơn 48 tỷ đồng. Sau đó, ông Bình sử dụng tiền của DAB gửi tại các tổ chức này để chi trả, nhưng không được hạch toán trên hệ thống sổ sách theo dõi và đã chỉ đạo lập chứng từ khống để bù âm quỹ, gây thiệt hại cho DAB 384 tỷ đồng.
Có một điều rất lạ, ông Bình và các đồng phạm liên tục qua mặt NHNN che giấu sai phạm chỉ bằng một “chiêu bài” nhưng không bị phát hiện. Trả lời hội đồng xét xử về việc tại sao thanh tra không phát hiện DAB âm quỹ? Ông Bình cho biết từ năm 2014, NHNN mới bắt đầu thanh tra toàn diện DAB và phát hiện sai phạm.
Trước đó, có năm không thanh tra hoặc thanh tra không toàn diện. Khi thanh tra, NHNN báo trước vài ngày để DAB chuẩn bị nội dung cho việc thanh tra. Khi nhận được văn bản đó, nếu thấy có nội dung liên quan hoạt động ngân quỹ, ông Bình sẽ chỉ đạo các nhân viên liên quan che giấu bằng cách điều chuyển các khoản khống tới các chi nhánh khác, nơi NHNN không thanh tra. Sau cuộc kiểm tra khoảng 10 ngày, các chi nhánh, phòng giao dịch này sẽ chuyển khoản âm quỹ này lại hội sở. Cách che giấu như trên đã sử dụng 10 năm nhưng thanh tra NHNN không đặt nghi vấn nào. 
Từ câu trả lời của ông Bình, hội đồng xét xử đã hỏi theo suy nghĩ của ông Bình, việc thanh tra sẽ kiểm tra thực tế, so sánh sổ sách kế toán, nhưng NHNN lại không phát hiện ra trong khi âm quỹ rất lớn, thì NHNN đã làm đúng và làm hết trách nhiệm chưa? Ông Bình trả lời: “Điều này bị cáo không có ý kiến”. 

Rõ ràng, trong một quá trình dài vi phạm pháp luật nghiêm trọng về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động kinh doanh khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động của DAB trong nhiều năm liền mới bị phát hiện, cho thấy đã có nhiều kẽ hở trong quản lý đã tồn tại, để một người từng đứng đầu NH tự tin lách luật để phục vụ cho ý đồ cá nhân.

Đỗ Linh (ĐTTCO)

Có thể bạn quan tâm

Tập huấn kiểm kê tài sản công

Tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công

(GLO)- Ngày 28 và 29-11, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai phối hợp với Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) tập huấn nghiệp vụ tổng kiểm kê tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Gia Lai.