Thể dục mùa... Covid

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng ngày, tôi có thói quen dậy từ 5 giờ sáng để đi bộ.
Môn thể dục ấy giúp tôi giải quyết được nhiều vấn đề sức khỏe: giảm cân, ổn định huyết áp, nhịp tim, tăng cường sự dẻo dai, giúp cơ thể sảng khoái khi khởi đầu một ngày làm việc mới. Tôi duy trì thói quen này đã nhiều năm, trừ những ngày thời tiết xấu hoặc do công việc phải đi làm sớm. Bạn đồng hành thể dục buổi sáng với tôi ngoài những “tour” đi bộ còn có vài người chọn môn đi xe đạp. Vài người lười di chuyển lại chọn cách ra công viên đứng huơ tay chân hít thở khí trời hoặc tập vài động tác đơn giản trên công cụ có sẵn tại đây. Thôi, chọn môn nào cũng tốt miễn là có tập! Vậy nhưng, so với mật độ dân cư nơi tôi sống, số người tham gia thể dục buổi sáng vẫn còn quá ít; lại hầu hết là trung niên, người già. 
Nói tới chuyện người trẻ lười thể dục, ông bạn đồng hành với tôi cười bảo: “Mình có tuổi rồi, cơ thể phát sinh vấn đề mới ráng đi thể dục. Lớp trẻ có biết đau nhức, tim mạch hay huyết áp cao là gì đâu!”. Bạn tôi nói đúng, cái tư duy “cần gì thể dục” khi cơ thể chưa có dấu hiệu bệnh tật không chỉ riêng ở người trẻ mà vẫn tồn tại nơi một bộ phận không nhỏ người lớn tuổi xứ ta. Nói đâu xa, ông hàng xóm cạnh nhà tôi tuổi đã ngoài 60 sáng nào cũng dậy sớm. Nhưng ông dậy sớm chỉ để hút thuốc, uống trà và… ngồi lỳ trước bàn cờ tướng! Rủ đi thể dục rèn sức khỏe, ông lắc quầy quậy, đáp tỉnh bơ: Sức khỏe tui có sao đâu mà phải rèn (!?).
Ảnh minh họa: INTERNET
Ảnh minh họa: INTERNET
Vậy nhưng, từ lúc có tin dịch Covid-19 tái phát, tình hình đã đổi khác.
Nơi tôi ở yêu cầu giãn cách xã hội chưa “căng”. Vậy nên, 5 giờ sáng, tôi vẫn đeo khẩu trang ra đường, xuống công viên. Lạ, bạn đồng hành hôm nay không chỉ lèo tèo dăm người lớn tuổi như mọi khi mà thấy đông hơn và có thêm nhiều người trẻ. Hỏi mới biết, thì ra phong trào thể dục tăng cao là do người ta… sợ dịch. Truyền thông cho biết: Vi rút SARS-CoV-2 dễ lây nhiễm, sức công phá mạnh đối với những người thể lực yếu kém. Vậy nên người già, người có bệnh lý khác mới dễ mắc bệnh, dễ tử vong hơn người trẻ khỏe. Nhà nước khuyến cáo toàn dân chịu khó rèn luyện thân thể, nâng cao thể lực nhằm tăng sức đề kháng để hạn chế lây nhiễm và chống chọi tốt hơn trong trường hợp lỡ bị lây. Truyền thông phổ biến xuống, bà con chuyền tai nhau. Bởi vậy mà mấy hôm nay hầu như sáng nào, người dân xóm tôi cũng ra đường, hăm hở xuống công viên. Đi bộ nhiều, đạp xe cũng đông. Ám ảnh dịch bệnh dường như đang hối thúc mọi người chăm chỉ, nghiêm túc hơn trong chuyện tập thể dục. Tranh thủ thời gian mà rèn luyện, nâng cao thể lực mau mau trước khi mọi sự trở thành quá muộn! Thêm nữa, hàng xóm láng giềng nhờ đi thể dục chung mà có thêm cơ hội gặp gỡ, chuyện trò.
Sức khỏe của mỗi cá nhân quan hệ mật thiết với sức khỏe cả cộng đồng. Một người nhiễm bệnh dẫn đến nguy cơ cả cộng đồng chịu lây lan. Vậy nên, có ý thức tự rèn luyện, tự giữ an toàn cho bản thân chính là hành động cụ thể chứng minh tình yêu cuộc sống, yêu đất nước! Ý thức ấy dường như cũng đã được đánh động nơi ông hàng xóm “lười nhất xóm”, bởi sáng nay, tôi dậy sớm, nhìn qua bên nhà thấy ông đang mặc áo, xỏ giày và dắt chiếc xe đạp ra sân…
Y NGUYÊN

Có thể bạn quan tâm

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

An Khê: Nỗ lực tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế

(GLO)- Xác định công tác bảo hiểm y tế (BHYT) là nhiệm vụ trọng tâm nhằm đảm bảo an sinh xã hội, các cấp, các ngành thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai) đã tăng cường phối hợp triển khai nhiều biện pháp, nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT. Nhờ đó đến nay, toàn thị xã có 91,24% người dân tham gia BHYT, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

Nguy cơ đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi ở Việt Nam không có lương hưu

(GLO)- Theo tính toán của Tổ chức Lao động quốc (ILO), với tốc độ già hóa như hiện nay, nếu không tăng tốc bao phủ bảo hiểm xã hội (BHXH) thì đến năm 2030, 12 triệu người cao tuổi của Việt Nam đứng trước nguy cơ không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.