Thành phố Pleiku hướng đến đô thị loại I

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với việc huy động nhiều nguồn lực đầu tư, đến nay, TP. Pleiku đã có sự phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Kết cấu hạ tầng đô thị đã cơ bản hoàn thiện, chất lượng đời sống của người dân được nâng cao, diện mạo đô thị có những thay đổi đáng kể và cơ bản gần đạt các tiêu chí của đô thị loại I.
Đầu tư đồng bộ hạ tầng
Với mục tiêu phát triển đô thị Pleiku hợp lý, hài hòa, đồng bộ, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc của vùng Tây Nguyên, có kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng hiện đại, tháng 8-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Pleiku đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về “Đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị đến năm 2020” và chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Ông Phạm Thế Tâm-Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Pleiku-thông tin: “Những năm qua, TP. Pleiku đã tập trung xây dựng theo hướng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, các tuyến đường thảm nhựa nâng cấp mặt đường, lát gạch vỉa hè, xây dựng, cải tạo hệ thống điện trang trí và điện chiếu sáng, trồng cây xanh thảm cỏ, cải tạo hệ thống cấp thoát nước… Công tác quản lý trật tự lòng lề đường được duy trì, bảo đảm đường thông, hè thoáng. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền xây dựng nếp sống văn minh đô thị, vệ sinh môi trường được bảo đảm”.
 Đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) hôm nay. Ảnh: Đ.T
Đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) hôm nay. Ảnh: Đ.T
Năm 2018, TP. Pleiku đã đầu tư 137 tỷ đồng để nâng cấp, sửa chữa nhiều tuyến đường như: Phạm Ngũ Lão, Lê Đình Chinh, Phan Đình Phùng, Bùi Dự, Lương Thạnh, Nguyễn Đức Cảnh, Kpă Klơng... Bên cạnh đó còn có các dự án nâng cấp thảm nhựa, bê tông một số đoạn đường như: Hai Bà Trưng, Cù Chính Lan, Phan Đình Giót, Wừu, Đống Đa, Nguyễn An Ninh… với tổng mức đầu tư lên tới 7,6 tỷ đồng. Ngoài ra, UBND TP. Pleiku cũng giao Phòng Quản lý đô thị thực hiện duy tu, dặm vá ổ gà, láng nhựa một số tuyến đường gồm: Nguyễn Bá Lại, Trương Định, Âu Cơ, Nay Der, Trần Nhật Duật, Lý Chính Thắng... với tổng mức đầu tư 9,4 tỷ đồng.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện các công trình trong kế hoạch đầu tư công năm 2019, thành phố đã tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng một số tuyến đường như: Hai Bà Trưng, Trần Phú, Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tôn, Cách Mạng Tháng Tám…; cải tạo hoa viên Trần Hưng Đạo-Nguyễn Văn Trỗi, Công viên Kpă Klơng, Lâm viên Biển Hồ; lát đá vỉa hè một số tuyến đường trung tâm thành phố. Tổng vốn để thực hiện các công trình này là 580 tỷ đồng. Đặc biệt, dự án nâng cấp, mở rộng đường Hai Bà Trưng có chiều dài toàn tuyến là 1.105 m, quy mô đường giao thông nội thị tiêu chuẩn cấp III với tổng mức đầu tư hơn 58,4 tỷ đồng đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, tạo cảnh quan đô thị khu vực trung tâm TP. Pleiku. “Việc xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố giúp người dân đi lại thuận tiện, an toàn hơn và bộ mặt thành phố cũng trở nên khang trang, hiện đại hơn rất nhiều”-ông Trần Văn Tiến (tổ 5, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) vui mừng chia sẻ.
Tạo động lực phát triển đô thị bền vững
Hiện nay, TP. Pleiku đang tập trung nguồn lực để từng bước hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I. Đối chiếu với 5 tiêu chí và 59 tiêu chuẩn theo Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP. Pleiku có 24 tiêu chuẩn đạt và vượt mức tối đa, 29 tiêu chuẩn chưa đạt được điểm tối đa và 6 tiêu chuẩn chưa đạt (thu nhập bình quân đầu người, mật độ dân số trung bình toàn đô thị, mật độ đường giao thông, nước thải đô thị được xử lý đạt chuẩn kỹ thuật, tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng và quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị).
Thành phố Pleiku chú trọng đầu tư các không gian công cộng trong đô thị như công viên xanh, quảng trường-Ảnh Đức Thụy
Thành phố Pleiku chú trọng đầu tư các không gian công cộng trong đô thị. Ảnh: Đức Thụy
Ông Nguyễn Hữu Quế-Chủ tịch UBND TP. Pleiku-cho biết: “Các tiêu chí đánh giá của TP. Pleiku đều đạt mức tối thiểu trở lên; kết quả tổng hợp các tiêu chí phân loại đô thị của TP. Pleiku đã đạt 83,19/100 điểm, nằm trong khung quy định đủ điều kiện xét công nhận là đô thị loại I. Tuy nhiên, TP. Pleiku đang gặp vướng mắc do tỉnh xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập nguyên trạng xã Chư Hdrông và phường Chi Lăng để thành lập một đơn vị hành chính mới là phường Chi Lăng. Như vậy, sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập, TP. Pleiku chỉ còn 8 xã và 14 phường (lệch so với hồ sơ ban đầu là 9 xã và 14 phường) nên cần chờ để điều chỉnh”.
Cũng theo ông Quế, trên cơ sở đánh giá đối với các nhóm tiêu chuẩn chưa đạt và chưa đạt điểm tối đa, thời gian tới, chính quyền thành phố sẽ tập trung triển khai các giải pháp như: tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp; có thêm chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; đầu tư nguồn lực xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị; đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; nâng cấp, cải tạo hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Đặc biệt, thành phố đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập và phê duyệt Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị…
“Thời gian tới, thành phố sẽ hoàn thành quy hoạch xây dựng chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu phát triển đô thị Pleiku hài hòa, phù hợp với đặc điểm tự nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc vùng Tây Nguyên làm cơ sở cho các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị…, qua đó tạo động lực phát triển đô thị bền vững theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa gắn với xây dựng văn minh đô thị”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh.
TRẦN DUNG

Có thể bạn quan tâm

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Nhiều dự án trùm mền hàng thập kỷ sắp được 'hồi sinh'

Ngày 3.12, UBND TP.HCM đã phân công cho Chủ tịch, 5 Phó chủ tịch theo dõi, chỉ đạo giải quyết cụ thể từng dự án tồn đọng, dừng thi công để khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát. Điều này hứa hẹn sẽ giúp cho các dự án trùm mền nhiều năm trời có cơ hội hồi sinh trở lại.