Giao thông Lâm Đồng đa dạng loại hình khi hợp nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bức tranh hạ tầng giao thông của Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận sau khi hợp nhất sẽ đa dạng, nhiều lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đa dạng các loại hình giao thông

Ngày 12/4/2025, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 60-NQ/TW, chính thức thông qua chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước. Theo đó, cả nước sẽ giảm từ 63 tỉnh, thành phố xuống còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Riêng 3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. Đà Lạt (Lâm Đồng).

Ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng, trung tâm đặt tại TP. Đà Lạt (Trong ảnh là một góc TP. Đà Lạt)
Ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng, trung tâm đặt tại TP. Đà Lạt (Trong ảnh là một góc TP. Đà Lạt)

Sau khi hợp nhất, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có diện tích lớn nhất cả nước (24.233,07km²), dân số toàn tỉnh ước đạt hơn 3,85 triệu người. Cùng với đó, bức tranh giao thông của tỉnh Lâm Đồng mới trở nên đa dạng và có tính kết nối liên vùng cao.

Bình Thuận là địa phương có hạ tầng giao thông tương đối phát triển, đặc biệt là lợi thế về vị trí địa lý ven biển. Nổi bật nhất là 160km đường cao tốc Bắc - Nam đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2023 cùng gần 180km của quốc lộ 1A và khoảng 180km đường sắt đã khai thác lâu nay.

Bình Thuận có mạng lưới giao thông đa dạng, nổi bật nhất là 160km đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn
Bình Thuận có mạng lưới giao thông đa dạng, nổi bật nhất là 160km đường cao tốc Bắc - Nam đi qua địa bàn

Với đường bờ biển dài 192km, Bình Thuận có 4 khu bến cảng chính gồm: Phan Thiết, Phú Quý, Vĩnh Tân (đã đưa vào hoạt động) và Sơn Mỹ (đang trong giai đoạn quy hoạch và kêu gọi đầu tư).

Hiện Cảng hàng không Phan Thiết - sân bay lưỡng dụng (quân sự kết hợp dân dụng) đang được đầu tư xây dựng và dự kiến hoàn thành trong năm 2026.

Bình Thuận có đường bờ biển dài 192km với nhiều cảng biển lớn (Trong ảnh là một góc vịnh cảng Phan Thiết)
Bình Thuận có đường bờ biển dài 192km với nhiều cảng biển lớn (Trong ảnh là một góc vịnh cảng Phan Thiết)

Lâm Đồng là trung tâm kinh tế - du lịch lớn của vùng Tây Nguyên và sở hữu hệ thống giao thông phát triển. Toàn tỉnh có khoảng 9.300km đường bộ, trong đó bao gồm 19km đường cao tốc, hơn 500km quốc lộ, gần 700km đường tỉnh…

Nổi bật nhất là Cảng hàng không Liên Khương - sân bay quốc tế đầu tiên của vùng Tây Nguyên, chính thức vận hành với chức năng quốc tế từ tháng 6/2024. Nhà ga hiện đại của sân bay này có công suất 2,5 triệu lượt khách/năm và đang phục vụ từ 34 - 36 chuyến bay mỗi ngày.

Lâm Đồng có sân bay quốc tế Liên Khương với hàng chục chuyến bay mỗi ngày
Lâm Đồng có sân bay quốc tế Liên Khương với hàng chục chuyến bay mỗi ngày

Tại Đắk Nông, hạ tầng giao thông khá khiêm tốn, với phương thức vận tải chủ yếu là đường bộ. Đắk Nông có khoảng 4.700km đường bộ, trong đó gần 500km quốc lộ và 226km tỉnh lộ.

Mặc dù hệ thống giao thông chưa phong phú, nhưng chất lượng đang dần được nâng cao. Tỷ lệ đường được nhựa hóa tính đến cuối năm 2024 của Đắk Nông đạt 72,5%.

Đắk Nông chỉ có duy nhất hệ thống giao thông đường bộ với xương sống là trục đường Hồ Chí Minh (Trong ảnh là đoạn qua TP. Gia Nghĩa) với chiều dài hơn 140km
Đắk Nông chỉ có duy nhất hệ thống giao thông đường bộ với xương sống là trục đường Hồ Chí Minh (Trong ảnh là đoạn qua TP. Gia Nghĩa) với chiều dài hơn 140km

Thêm nguồn lực để phát triển

Sau khi hợp nhất, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có diện tích tự nhiên lớn nhất trong số 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh. Với địa hình trải dài từ vùng duyên hải miền Trung đến biên giới với Campuchia, hệ thống giao thông đường bộ của tỉnh Lâm Đồng mới còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là theo trục Đông - Tây.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Đắk Nông, quốc lộ 28 và quốc lộ 55 là 2 tuyến đường xương sống, kết nối 3 đơn vị hành chính cấp tỉnh cũ là Bình Thuận - Lâm Đồng - Đắk Nông. Tuy nhiên, các tuyến đường này chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại.

Quốc lộ 28 có chiều dài hơn 300km và là tuyến đường xương sống kết nối ba tỉnh Bình Thuận - Lâm Đồng - Đắk Nông
Quốc lộ 28 có chiều dài hơn 300km và là tuyến đường xương sống kết nối ba tỉnh Bình Thuận - Lâm Đồng - Đắk Nông

Trong đó, quốc lộ 28 bắt đầu từ TP. Phan Thiết (Bình Thuận), đi qua tỉnh Lâm Đồng và nối tới đường Hồ Chí Minh qua huyện Cư Jút (Đắk Nông) dài hơn 310km.

Mặc dù kết nối liền mạch 3 tỉnh nhưng quốc lộ 28 có mặt đường nhỏ hẹp, không bảo đảm an toàn giao thông. Cung đường này có nhiều đoạn đèo dốc khiến các xe tải trọng lớn, xe khách lưu thông rất khó khăn.

“Để đến trung tâm tỉnh Lâm Đồng mới là TP. Đà Lạt, từ TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) và TP. Phan Thiết (Bình Thuận) cần khoảng 4 - 5 giờ di chuyển. Trong điều kiện lưu lượng giao thông ngày càng tăng cao, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp tuyến đường này là hết sức cấp bách”, lãnh đạo Sở Xây dựng Đắk Nông cho hay.

Tuyến quốc lộ 28 nhỏ hẹp, đi qua nhiều đèo dốc, ảnh hưởng rất lớn tới việc đi lại và giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa tỉnh Bình Thuận - Đắk Nông và Lâm Đồng
Tuyến quốc lộ 28 nhỏ hẹp, đi qua nhiều đèo dốc, ảnh hưởng rất lớn tới việc đi lại và giao thương, vận chuyển hàng hóa giữa tỉnh Bình Thuận - Đắk Nông và Lâm Đồng

Đầu tháng 5/2025, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng điều chỉnh quy hoạch quốc lộ 28 từ quy mô cấp IV lên cấp III miền núi.

Tỉnh Lâm Đồng đề xuất Trung ương ưu tiên hỗ trợ kinh phí để xây dựng, cải tạo hơn 104km tuyến quốc lộ 28, đoạn Gia Nghĩa - Đắk Som - Di Linh.

Hiện nay, tuyến cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc - Liên Khương đang triển khai tại Lâm Đồng và tuyến Gia Nghĩa - Chơn Thành đang triển khai tại Đắk Nông.

Để bảo đảm kết nối giao thông liên tục, hình thành tuyến giao thông đường bộ kết nối ngang hai cao tốc, tỉnh Lâm Đồng đề nghị xây dựng tuyến đường động lực Gia Nghĩa - Bảo Lâm.

UBND tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông đã kiến nghị Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí xây dựng mới 10km đường cấp III miền núi và 1 cầu lớn vượt sông Đồng Nai.

Tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích lớn nhất nước nhưng mạng lưới giao thông, nhất là đường bộ còn nhiều hạn chế. Hiện tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông chỉ có 19km đường cao tốc Liên Khương - Prenn đã đầu tư từ lâu
Tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích lớn nhất nước nhưng mạng lưới giao thông, nhất là đường bộ còn nhiều hạn chế. Hiện tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông chỉ có 19km đường cao tốc Liên Khương - Prenn đã đầu tư từ lâu

Trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, chưa có tuyến đường bộ cao tốc kết nối Đắk Nông - Lâm Đồng - Bình Thuận.

Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất đề xuất chủ trương và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung, đầu tư tuyến cao tốc trên trước năm 2030.

Tuyến đường này sẽ kết nối TP. Phan Thiết (Bình Thuận) - TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) - TP. Gia Nghĩa (Đắk Nông) với khoảng cách gần nhất, tiết kiệm nhất và khả thi nhất.

Tỉnh Lâm Đồng đã chủ động kiến nghị Trung ương xây dựng các trục đường giao thông đường bộ kết nối với Bình Thuận và Đắk Nông
Tỉnh Lâm Đồng đã chủ động kiến nghị Trung ương xây dựng các trục đường giao thông đường bộ kết nối với Bình Thuận và Đắk Nông

Năm 2024, thu ngân sách tỉnh Lâm Đồng đạt hơn 13.100 tỷ đồng; Bình Thuận đạt hơn 10.700 tỷ đồng và Đắk Nông đạt gần 3.100 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách của 3 tỉnh trước khi hợp nhất khoảng 26.900 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, Lâm Đồng sẽ có đặc thù như: có diện tích rộng nhất, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao, thu ngân sách hạn chế nhưng tiềm năng đất đai, khoáng sản lớn… Trong khi đó, hệ thống giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, những hỗ trợ kịp thời của Trung ương sẽ góp phần tăng tính kết nối, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng mới
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, những hỗ trợ kịp thời của Trung ương sẽ góp phần tăng tính kết nối, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng mới

Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Trung ương xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ về cơ chế, chính sách thông thoáng trong kêu gọi đầu tư.

UBND tỉnh Lâm Đồng đề xuất Trung ương cho phép tỉnh giữ lại tối thiểu 50% nguồn thu từ tài nguyên khoáng sản và năng lượng để tái đầu tư hạ tầng.

“Nếu được chấp thuận, đây sẽ là đòn bẩy để tỉnh Lâm Đồng phát triển mạnh mẽ, phát huy nội lực, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển chung của cả nước”, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

Theo Lê Phước (baodaknong.vn)

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng: Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, cả nước sẽ khởi công, khánh thành 80 dự án lớn

Thủ tướng: Kỷ niệm 80 năm Quốc khánh, cả nước sẽ khởi công, khánh thành 80 dự án lớn

Dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vừa qua, cả nước đồng loạt khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn, trọng điểm; dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh tới đây, cả nước sẽ tiếp tục khởi công, khánh thành 80 công trình, dự án lớn.

Cảnh báo “điểm đen” tai nạn giao thông trên các tuyến đường tránh

Cảnh báo “điểm đen” tai nạn giao thông trên các tuyến đường tránh

(GLO)- Do hạ tầng chưa đồng bộ và tổ chức giao thông còn bất cập nên tạo ra một số “điểm đen” trên các tuyến đường tránh tại Gia Lai, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thực trạng này đòi hỏi cơ quan chức năng sớm triển khai các giải pháp nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Tháo gỡ các “điểm nghẽn” về giao thông

Tháo gỡ các “điểm nghẽn” về giao thông

(GLO)- Với quan điểm giao thông đi trước mở đường để phát triển nhanh và bền vững, cùng với triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, tỉnh từng bước tháo gỡ các “điểm nghẽn” về giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.