Cũng giống như nhiều tỉnh thành khác trên cả nước, TP.HCM có nhiều con đường được đặt theo tên của các anh hùng hay sự kiện lịch sử lẫy lững. Việc đặt tên như vậy không chỉ góp phần đa dạng hóa tên gọi đường phố mà còn giúp nhiều thế hệ sau ghi nhớ, biết ơn và luôn tràn đầy lòng tự hào dân tộc.
Đi đường… nhớ sự kiện lịch sử
Ở TP.HCM, có nhiều con đường được đặt tên theo tên của các sự kiện lịch sử nổi bật của dân tộc như Điện Biên Phủ, Cách mạng Tháng 8 hay Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đây cũng là những trục đường giao thông huyết mạch, gắn liền với đời sống của thị dân.
Đầu tiên, phải kể đến đường Điện Biên Phủ. Đây là một trong những con đường dài nhất của Sài Gòn, kéo dài từ vòng xoay ngã 6 Lý Thái Tổ đến chân cầu Sài Gòn.


Con đường nối liền nhiều quận như Q.10, Q.3, Q.Bình Thạnh, Q.1, cắt ngang vô số đường lớn nhỏ. Với người dân thành phố, có lẽ không ai xa lạ với con đường mang tên Điện Biên Phủ này.
Nhắc lại lịch sử, chiến dịch Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên) giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Liên hiệp Pháp. Đây cũng chính là chiến thắng quân sự lẫy lừng nhất trong cuộc chiến tranh Đông Dương (1945 - 1954) của Việt Nam. Khi chiến dịch thắng lợi đã buộc quân Pháp phải đầu hàng.
Hay con đường Cách mạng Tháng 8 nổi tiếng với nỗi ám ảnh kẹt xe của người dân cũng được đặt tên theo của một sự kiện vang tiếng năm 1945. Cách mạng Tháng 8 thành công đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, là kết quả của 80 năm đấu tranh không ngừng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp.


Sinh sống trên đường Cách mạng Tháng 8 từ ngày trẻ, ông Phạm Nhật Hải (49 tuổi) cho biết, con đường này hầu như ngày nào cũng kẹt xe vào giờ cao điểm.
“Sống trên đường này, mỗi lần đọc địa chỉ nhà mình, tôi thấy tự hào lắm. Vì tên gọi đó khiến tôi gợi nhớ lịch sử dân tộc, lâu lâu cũng hay trò chuyện với con cháu về lịch sử cho chúng nó biết”, ông nói.
Đặt tên các con đường bằng tên các anh hùng
Ở TP.HCM, những tên đường như Cao Thắng, Hai Bà Trưng, Lê Văn Sỹ vẫn lặng lẽ nhắc nhớ lịch sử hào hùng của nước nhà trong từng tên gọi.
Chúng tôi đến đường Cao Thắng, đoạn thuộc Q.3 vào một buổi sáng đầu tuần. Mặt đường đông đúc xe cộ, nhưng không khí rất “Sài Gòn”, có phần nhộn nhịp, vội vã nhưng rất gần gũi. Con đường này nằm ở Q.10 và Q.Phú Nhuận, trải qua nhiều lần đổi tên từ thời Pháp thuộc.
Theo sách Đường phố nội thành TP.HCM của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, đoạn qua Q.3 và Q.10 từng mang số 20 rồi tên Audouil. Tới năm 1955, con đường được đặt lại tên Cao Thắng để tưởng nhớ vị tướng trẻ có tài rèn súng thủ công mà "chính người Pháp cũng rất phục tài". Ở khu vực Q.Phú Nhuận, nó từng có tên Rue du Marché rồi Lê Tự Tài.


Ngày nay, đường Cao Thắng là một trong những trục phố năng động nhất. Khu vực quanh chợ Bàn Cờ rộn ràng từ sớm, với hàng quán san sát và tiếng rao lan qua các con hẻm nhỏ.
Cô Mười, một tiểu thương bán trái cây ở chợ cho biết: "Ở đây lúc nào cũng đông, từ sáng sớm đến tối mịt. Khách quen nhiều lắm, có người ăn ở đây từ hồi sinh viên, giờ dẫn con quay lại. Mấy chục năm bán ở đây, con đường Cao Thắng này lúc nào cũng đông vui".
Cách đó chừng khoảng 10 - 15 phút đi xe, đường Hai Bà Trưng đi qua 2 quận trung tâm là Q.1 sang Q.3. Đây là một trong những con đường lâu đời và quan trọng của thành phố. Từng mang tên Impériale, Nationale, Paul Blanchy, đến cuối cùng được đặt theo 2 nữ tướng đã khởi nghĩa oanh liệt chống lại quân xâm lược Đông Hán.
Trên con đường này, nhà thờ Tân Định hiện lên nổi bật với sắc hồng đặc trưng. Đối diện là những quán cà phê yên tĩnh nằm trong các con hẻm, có khung cảnh nhìn sang nhà thờ thơ mộng.



Bạn Anh Thư (22 tuổi) là khách quen của một quán cà phê nhìn thẳng sang nhà thờ Tân Định: “Tôi thường đến quán cà phê trên đường Đinh Công Tráng, có view nhìn sang nhà thờ Tân Định rất đẹp. Từ vị trí quán cà phê, nhìn qua cửa kính, ngắm hoàng hôn vào mỗi chiều xuống là một trải nghiệm tuyệt vời”.
Nếu Cao Thắng và Hai Bà Trưng gợi về những ký ức hào hùng, thì đường Lê Văn Sỹ ở Q.Tân Bình lại mang một nhịp sống rất khác. Đây là một trong những con đường mua sắm sôi động nhất thành phố với hàng trăm cửa hàng thời trang nối nhau không dứt.
Con đường từng mang tên Eyriand Des Vergnes thời Pháp thuộc. Sau năm 1955, nó được đổi thành tên Lê Văn Sỹ, một chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Pháp.
Ẩn sâu trong những con hẻm nhỏ bên đường là loạt quán cà phê yên tĩnh, trái ngược hoàn toàn với vẻ sầm uất bên ngoài. Nơi đây là điểm hẹn quen thuộc của những người muốn tìm một khoảng lặng.


Bạn Linh, một cô nàng sinh viên năm cuối thường ghé một quán cà phê nhỏ trong hẻm để làm việc: “Chỗ này tìm hơi khó, nhưng một khi đã quen rồi thì cứ muốn quay lại. Ngồi ở đây, tách khỏi tiếng xe và khói bụi, không gian lại rất yên lặng. Mình thích những quán cà phê trong con hẻm trên đường Lê Văn Sỹ vì nó cho mình một cảm giác bình yên”, bạn Linh bày tỏ.
Dù thành phố ngày một hiện đại với những cao ốc và nhịp sống hối hả, những con đường mang tên nhân vật lịch sử, sự kiện lịch sử như nhắc nhở chúng ta về quá khứ lẫy lừng của dân tộc. Qua đó thêm biết ơn các vị anh hùng đã có công dựng nước, giữ nước để có được hòa bình như hôm nay.
Đi qua những con đường ấy, ta không chỉ thấy phố xá, mà còn cảm nhận được chiều sâu của ký ức và niềm tự hào lặng lẽ len lỏi trong tim.
Theo Hoài Nhiên - Thái Thanh (TNO)