Tết, hạnh phúc là bận rộn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- 4 giờ sáng dậy thể dục, ra ngã ba đường, tôi đã thấy nhà người hàng xóm rì rầm bên nồi bánh chưng. Lửa đỏ, than đượm, nồi bánh sùng sục tỏa mùi thơm thoảng. Chị chủ nhà lấy que cời than, cho thêm củi, kiểm tra cẩn thận. Chắc chị và gia đình đã lọ mọ từ chiều hôm trước, hoặc là nửa đêm tới giờ...

Một đỗi quay về, ngã ba, ngã tư bỗng đông đúc lạ. Người mua kẻ bán "cây nhà lá vườn" đủ loại thực phẩm, nhưng rau tươi, hoa quả nhiều nhất. Chị em các làng gần nội thành cũng gùi cõng "hàng nhà" những là súp lơ, su su, cải bắp, dưa leo, đậu cô ve... bày bán, mời chào người mua. Vẫn khẩu trang đầy đủ nhưng có lúc cự ly khoảng cách không giữ được. Phiên chợ cuối năm một góc ngoại thành phản ánh khá đầy đủ tình hình đời sống, nhất là không khí của một cái Tết đặc biệt. Cảm giác ai cũng tất bật, lo toan để có một cái Tết tươm tất trong khả năng có thể.  

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa: Internet


Hẳn là vì tâm lý "còn cũng ngày Tết, hết cũng ngày mùa"-nghĩa là ngày mùa thì phải được ăn no, ngày Tết thì tất nhiên phải tươm tất, không để thiếu hụt, nghèo khó hiện ra sẽ làm xui cả một năm mới với nhiều hy vọng, mong chờ. Tôi chợt liên hệ tâm lý này nơi ngôi nhà chôn nhau cắt rốn chốn quê xa, nơi có mẹ già ngóng chờ sum vầy cháu con trong nỗi âu lo cách trở dịch bệnh. Gần hơn, không phải từ mươi, mười lăm hôm trước mà cho đến tận ngày giáp Tết, vợ tôi còn đôn đáo mua thêm bánh tráng, gạo, muối, nhang đèn, trong khi mọi thứ đã sẵn: thực phẩm "tương đối" trong tủ lạnh, gạo đã thêm 1 bịch, bánh tráng đến mấy ràng. Thắc mắc, tất nhiên bị cô ấy xạc liền với hàng mớ lý do mà đúng sai gì phần thắng cũng thuộc về "nội tướng".

Lo Tết, thành viên nào trong mỗi ngôi nhà Việt Nam cũng có phần trách nhiệm và tình cảm, dẫu quan niệm về Tết, ăn Tết, vui Tết, chơi Tết đã khác xưa rất nhiều. Tết với các bạn trẻ bây giờ có nhu cầu được tự do, thoải mái, ít muốn ràng buộc gia đình. Tuy nhiên, người phụ nữ với quan niệm truyền thống, với "thiên chức" chăm lo, quán xuyến gia đình, xem đó là hạnh phúc, niềm vui của mình vẫn còn đó, vẫn thường trực và bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết vào mỗi Tết. Hay lam hay làm, chịu thương chịu khó, dẫu có thế nào tôi vẫn tin những đức tính và phẩm chất tuyệt vời này sẽ còn mãi với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, còn mãi nơi các bà, các má, các chị, các em. Càng hàm ơn, yêu thương, kính trọng khi các bà, các má, các chị vất vả lo toan như thế với tất cả sự hạnh phúc và mãn nguyện!

Có lẽ không chỉ riêng tôi có đủ cơ sở để kiểm chứng cho kết luận này. Mạng xã hội mới đây đã sôi nổi bình luận trước tình cảm yêu thương, chờ đợi của ngoại dành cho cháu với chiếc tủ lạnh ắp đầy thực phẩm. Cũng đâu ít Tết chúng ta chứng kiến trong hành trang trở lại nơi làm việc, nhiều gia đình, con em khệ nệ cụ bị đồ đạc, trong đó có giỏ quà Tết quê, chiếc bánh chưng xanh, khúc giò chả thắm đượm tình nhà, tình người, tình quê mà biểu tượng là các bà, các chị, các mẹ. Tết cách ly vì trong Nam ngoài Bắc dịch dã, sum họp đoàn viên có khi thông qua... online, nhưng món quà bắc cầu tấm lòng các bà, các mẹ, các chị sẽ tới với người thân yêu.

Tôi nghĩ dẫu có là thoáng chốc, dẫu công hầu khanh tướng hay chí lớn không thành, lữ thứ tha hương mưu sinh cầu thực, tình cảm, tấm lòng lo toan, chu đáo đó của người bà, người mẹ, người vợ "tấm cám", người chị, người em gái thương yêu gói trọn trong cái Tết đều tự nhiên cảm thấy xúc động, hàm ơn đến mềm lòng...

 

THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.

Anh Đinh Bưng (làng Nhoi, xã Tú An) phấn khởi khi được dùng nước sạch. Ảnh: A.P

Phát huy hiệu quả vốn vay chương trình nước sạch, vệ sinh

(GLO)- Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) thị xã An Khê (tỉnh Gia Lai), hàng ngàn hộ dân trên địa bàn thị xã có thêm điều kiện đầu tư nâng cấp, xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).