Tập trung khắc phục, sửa chữa các công trình cấp nước nông thôn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước thực trạng nhiều công trình cấp nước nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, xuống cấp, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để tiến hành khắc phục, sửa chữa các công trình này, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn. 
Nhiều công trình bị hư hỏng, xuống cấp
Công trình nước sạch buôn Liêng, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2009 với kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, phục vụ nhu cầu cho khoảng 200 hộ dân tại địa bàn. Công trình gồm trạm bơm, khuôn viên bảo vệ, phòng điều khiển, đài nước cao 12 m, giếng khoan đặt dưới chân đài… Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà công trình nước sạch này không hoạt động và đã bỏ hoang nhiều năm nay, cỏ mọc um tùm, khuôn viên trở thành nơi nhốt, thả gia súc… 
Công trình cấp nước ở buôn Liêng bỏ hoang nhiều năm nay ỏ mọc um tùm. Ảnh: Q.T
Công trình cấp nước ở buôn Liêng bỏ hoang nhiều năm nay cỏ mọc um tùm. Ảnh: Q.T
Ông Ksor Phí-Trưởng thôn buôn Liêng, xã Chư Drăng cho biết, công trình ngưng sử dụng từ năm 2013 và bỏ hoang từ đó đến nay. Nguyên nhân không sử dụng là do thiết bị hư hỏng, dân không có tiền đóng điện, nguồn nước bị nhiễm phèn. Từ lúc máy bơm nước bỏ hoang thì người dân tự đào giếng hoặc đi lấy nước mạch ở suối về dùng.
Tương tư, công trình nước sạch ở buôn Ngôm, xã Chư Drăng được xây dựng năm 2006, kinh phí 284 triệu đồng bằng nguồn vốn của chương trình 134 cũng trong tình không hoạt động nhiều năm nay. Dù công trình này nằm ngay trong khuôn viên của điểm trường buôn Ngôm thuộc Trường Mẫu giáo xã Chư Drăng nhưng cả thầy và trò điểm trường này cũng như người dân trong buôn không giám dùng nước từ công trình này, vì giếng nước nằm gần với khu nghĩa trang của buôn. 
Theo ông Nay Hem-Chủ tịch UBND xã Chư Drăng, huyện Krông Pa cho biết, hiện trên địa bàn có 4 công trình nước sinh hoạt không hoạt động nhiều năm nay, có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do người dân không nộp tiền điện nên bị cắt điện, nước sử dụng bị nhiễm phèn... Còn công trình nước sinh hoạt ở buôn Ngôm do giếng khoan nằm gần nghĩa địa của buôn nên bà con sợ không dám dùng. 
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, trên địa bàn huyện có 62 công trình cấp nước nông thôn tập trung thì có tới 23 công trình không hoạt động, 11 công trình hoạt động kém hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có 313 công trình cấp nước nông thôn tập trung thì có 85 công trình không hoạt động, 41 công trình hoạt động kém hiệu quả…
Có nhiều nguyên nhân được ngành chuyên môn chỉ ra, trong đó do phần lớn các công trình xây dựng lâu năm nên xuống cấp, hư hỏng; một số công trình nguồn nước bị khô cạn và giảm lưu lượng do hạn hán; các công trình cấp nước tự chảy không thu tiền nước nên không có chi phí quản lý, bảo trì; các công trình sử dụng bơm động lực có thu tiền sử dụng nước thì không đủ chi phí quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa.
Bên cạnh đó, ngân sách địa phương còn hạn chế nên khả năng hỗ trợ cho đơn vị quản lý là rất ít, không có cơ chế cấp bù giá nước; một số nơi ý thức sử dụng nước của người dân kém (xảy ra tình trạng chặt phá đường ống); đơn vị quản lý chưa thực hiện tốt công tác vận hành, quản lý, bảo trì, bảo dưỡng công trình. 
Đặc biệt, một số công trình đầu tư không đồng bộ, vì nguồn kinh phí xây dựng hạn chế nên việc đánh giá chất lượng nguồn nước chưa làm tốt khi lập dự án đầu tư, do đó xảy ra tình trạng chất lượng nguồn nước không đảm bảo nhưng khi đầu tư không có hạng mục xử lý nước… 
Tập trung sửa chưa, khắc phục
Sau khi kiểm tra công trình và tiếp thu ý kiến tham gia của các Sở, ngành, địa phương, Sở Nông nghiệp và PTNT đã hoàn chỉnh lại dự thảo “Kế hoạch đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn tập trung tỉnh Gia Lai giai đoạn 2017-2020” để trình UBND tỉnh phê duyệt. Nhằm thực hiện mục tiêu Chiến lược quốc gia cấp nước và vệ sinh nông thôn đến năm 2020, xây dựng nông thôn mới trong điều kiện biến đổi khí hậu, phấn đấu có 70% công trình bị hư hỏng, không hoạt động trở lên được khôi phục hoạt động bình thường đảm bảo nhu cầu cấp nước cho nhân dân trong phạm vi công trình…
Cần đánh giá chất lượng nguồn nước trước khi lập dự án đầu tư, tránh tình trạng nguồn nước không đảm bảo ở các công trình khi đưa vào sử dụng Ảnh: Q.T
Cần đánh giá chất lượng nguồn nước trước khi lập dự án đầu tư, tránh tình trạng nguồn nước không đảm bảo ở các công trình khi đưa vào sử dụng. Ảnh: Q.T
Theo kế hoạch, sẽ tiến hành sửa chữa, nâng cấp 53 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn các huyện: Chư Pah, Chư Pưh, Mang Yang, Kong Chro, Đak Pơ, Đức Cơ, Kbang, Đak Đoa, Chư Prông, Ia Pa, Chư Sê, thị xã Ayun Pa, Krông Pa. Tổng kinh phí dự kiến để thực hiện khoảng 21 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh gần 17,5 tỷ đồng; ngân sách địa phương 786 triệu đồng; nhân dân đóng góp gần 1,8 tỷ đồng; vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới 1,15 tỷ đồng. 
Cụ thể, tỉnh sẽ bố trí nguồn vốn ngân sách hàng năm, vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, vốn đóng góp của dân và các nguồn vốn khác để thực hiện kế hoạch sửa chữa, nâng cấp các công trình. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện phương án xử lý đối với các công trình cấp nước nông thôn tập trung đã giao cho đối tượng quản lý nhưng hoạt động kém hiệu quả; tăng cường tập huấn về công tác quản lý vận hành, khai thác và sử dụng công trình cấp nước nông thôn tập trung.
Bên cạnh đó, cần tập trung truyền thông thay đổi hành vi cho nhân dân tại các công trình được đầu tư sửa chữa, nâng cấp để vận động người dân tham gia đóng góp xây dựng và chi trả tiền sử dụng nước để vận hành và duy tu bảo dưỡng…
Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Tặng 145 suất quà cho người dân phường Diên Hồng

Tặng 145 suất quà cho người dân phường Diên Hồng

(GLO)- Chiều 14-1, Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Diên Hồng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân ấm áp, Tết yêu thương” nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025 nhằm trao tặng quà Tết cho hộ cận nghèo và hộ khó khăn trên địa bàn phường.

Mang Yang: Tặng quà 150 người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn

Mang Yang: Tặng quà 150 người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn

(GLO)- Ngày 14-1-2025, tại các xã Đak Djrăng, Đak Yă và thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung tổ chức chương trình “Tết Nhân Ái”, tặng quà cho bà con nghèo trên địa bàn.

Rủ nhau sắm Tết

Rủ nhau sắm Tết

(GLO)- Những ngày này, hàng Tết được bày bán khắp nơi. Đó là các mặt hàng trang trí nhà cửa với chủng loại phong phú, đa dạng, mới mẻ, hiện đại. Đó là các loại bánh mứt, kẹo, trái cây sấy khô, thực phẩm sấy khô ngon và tiện lợi.

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

(GLO)- Ngày 10-1, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tây Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “Tết ấm áp-Xuân Ất Tỵ 2025”, trao 190 suất quà Tết cho các hộ khó khăn và đối tượng yếu thế trên địa bàn.

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

(GLO)- Ngày 3 và 4-1, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Đak Pơ phối hợp với Công ty sữa TH True Milk tổ chức chương trình trao tặng sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện.

Tin buồn

Tin buồn

(GLO)- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: