Tăng cường quản lý, vận hành hiệu quả các công trình thủy lợi: Yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Dù có nhiều nỗ lực trong đầu tư, sửa chữa, nâng cấp nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống công trình thủy lợi, nhưng hiện vẫn còn không ít hồ chứa, đập dâng trên địa bàn tỉnh xuống cấp. Trước thực tế này, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương đang tập trung kiểm tra, giám sát và tìm nguồn lực để khắc phục.

Nhiều công trình xuống cấp

Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường), trong số 22 công trình được kiểm tra sau mùa mưa lũ năm 2024 thuộc phạm vi quản lý của UBND các huyện An Lão, Hoài Ân, Phù Mỹ, Phù Cát, Tây Sơn, Tuy Phước và TX Hoài Nhơn, chỉ có 3 hồ chứa Hưng Long, Hóc Tranh và Kim Sơn mới được sửa chữa, nâng cấp từ nguồn vốn WB8 là đạt yêu cầu. Phần lớn các công trình còn lại đã xây dựng từ lâu, lộ rõ dấu hiệu hư hỏng, như: Thân và nền đập bị thấm nước, mái đập bị xói mòn.

Ông Ngô Vĩnh Khánh, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy lợi, nhận định: “Tình trạng thấm thân đập, nền đập tại một số hồ như Hóc Mít, Hóc Xeo hay Tân Thắng ngày càng gia tăng, cần được giải quyết sớm”.

Hồ chứa nước Hóc Cau (huyện Phù Cát) cần được đầu tư, sửa chữa trong thời gian tới. Ảnh: TRỌNG LỢI

Hồ chứa nước Hóc Cau (huyện Phù Cát) cần được đầu tư, sửa chữa trong thời gian tới. Ảnh: TRỌNG LỢI

Không chỉ thân đập, hệ thống cống, tràn cũng xuống cấp. Một vài hồ còn loại cống kiểu nút chai bị rò rỉ, tràn đá xây bong tróc, tràn đất tự nhiên bị xói lở; trong khi các ván phai gỗ không còn khả năng giữ nước do đã mục nát. Một số công trình còn bị người dân chiếm dụng lòng hồ để trồng keo, nuôi cá, trồng hoa màu trái phép, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng tích nước, thoát lũ.

Trong khi đó, chỉ có 4/19 công trình do Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định quản lý được kiểm tra đợt này được sửa chữa gần đây (An Tường, Hố Cùng, Phú Thuận, Mỹ Thuận) là đảm bảo an toàn. Các hồ Cây Sung, Đại Sơn, Đập Lồi… có dấu hiệu hư hỏng kéo dài; mái đập bị xói lở, cống bị rò rỉ, van điều tiết, lan can rỉ sét.

Ông Nguyễn Văn Tánh- Chủ tịch, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác Công trình Thủy lợi Bình Định, nhìn nhận: “Chúng tôi gặp khó khăn vì kinh phí bảo trì không nhiều. Những hạng mục quan trọng như kiểm định an toàn đập, lắp thiết bị quan trắc… cần kinh phí lớn nhưng ngân sách hằng năm lại eo hẹp”.

Ngoài ra, phần lớn hồ chứa cũ không có hồ sơ lưu trữ đầy đủ do được xây dựng từ nhiều thập niên trước. Quy trình vận hành, bảo trì chưa được lập hoặc đã quá hạn mà chưa cập nhật. Hơn nữa, dù Nghị định 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước đã có hiệu lực hơn 5 năm nhưng việc triển khai tại nhiều địa phương còn mang tính hình thức. Hầu hết các công trình do UBND huyện quản lý chưa cắm mốc chỉ giới bảo vệ, chưa lập phương án bảo vệ và phương án ứng phó tình huống khẩn cấp. Trong khi đó, hệ thống thiết bị đo mưa, đo mực nước và cơ sở dữ liệu hồ chứa chưa hoàn thiện, còn rời rạc và manh mún.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, cho biết: “Chúng ta không được phép chủ quan. Từng điểm yếu, từng vết thấm, từng hư hỏng thiết bị phải được phát hiện sớm, xử lý kịp thời. Đó là trách nhiệm của đơn vị khai thác và là nghĩa vụ của chính quyền các cấp trong công tác phòng chống thiên tai”.

Cần giải pháp đồng bộ, hành động quyết liệt

Trước thực trạng trên, ngành Nông nghiệp và Môi trường tỉnh đã tham mưu, đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư sửa chữa, nâng cấp 11 hồ chứa hư hỏng xuống cấp giai đoạn 2026 - 2030, với tổng kinh phí khoảng 285 tỷ đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2025, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí hằng năm cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định để bảo trì công trình.

Ông Hồ Đắc Chương cho rằng, về lâu dài, cần đẩy mạnh số hóa dữ liệu hồ chứa, lắp đặt hệ thống giám sát hiện đại, triển khai đào tạo chuyên môn, nâng cao năng lực cho cán bộ vận hành tại cơ sở. Việc khắc phục những lỗ hổng còn tồn tại không chỉ là giải pháp kỹ thuật, đó là yêu cầu quan trọng trong bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm an toàn dân sinh và phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp.

Trước mắt, Sở Nông nghiệp và Môi trường yêu cầu chính quyền các địa phương và Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định tiếp tục rà soát toàn diện hiện trạng các công trình có dấu hiệu xuống cấp, như hồ Hóc Kỷ (Hoài Ân), hồ Thủy Dẻ (Tây Sơn)..., khoanh vùng rủi ro, lập phương án kỹ thuật cụ thể với từng vị trí hư hỏng. Những hồ chứa có cống, van điều tiết xuống cấp phải được sửa chữa, thay thế kịp thời để bảo đảm vận hành hiệu quả trong mùa mưa tới.

Ngoài ra, việc tăng cường quan trắc, giám sát an toàn đập tại các hồ chứa lớn, gần khu dân cư, khu sản xuất là đặc biệt cần thiết. Lắp đặt đầy đủ thiết bị đo mưa, đo mực nước, sẽ giúp tăng năng lực cảnh báo sớm, ứng phó kịp thời khi có sự cố. Tỉnh cũng đang hướng đến việc thống nhất quản lý dữ liệu công trình trên nền tảng số, cập nhật thường xuyên thông tin hiện trạng, chủ sở hữu, đơn vị khai thác, tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu ngành thủy lợi toàn tỉnh.

Cùng với các giải pháp kỹ thuật, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng cũng cần được chú trọng. Người dân vùng hạ du cần được phổ biến kiến thức về an toàn đập, không xâm phạm hành lang bảo vệ, không nuôi cá chắn lối thoát lũ hay chăn thả gia súc trên thân đập. Việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi sẽ góp phần ổn định sản xuất, sinh hoạt cho người dân, từ đó nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong thời gian đến.           

TRỌNG LỢI

Có thể bạn quan tâm

Sâm khỏe Kbang cần được bảo tồn và khai thác có hiệu quả

Sâm khỏe Kbang

(GLO)- Mới đây, một bạn từ Kbang gửi cho ít sâm khỏe đã được sơ chế. Bạn còn nhắn tin nhắc nếu ngâm rượu thì hãy ngâm sớm, còn nếu để dành nấu nước uống dần thì hãy phơi lại dưới nắng nhẹ.

Chủ động phòng, chống dịch tả heo châu Phi

Chủ động phòng-chống dịch tả heo châu Phi

(GLO)- Dịch tả heo châu Phi (ASF) xuất hiện tại phường An Nhơn Đông (tỉnh Gia Lai) buộc chính quyền địa phương đã phải tiêu hủy hơn 200 con heo nhiễm bệnh. Nguy cơ lây lan dịch bệnh đang hiện hữu khi thời tiết diễn biến thất thường, người chăn nuôi đẩy mạnh tái đàn.

Cây dừa xiêm "bén duyên" với vùng đất Ia Dom

Cây dừa xiêm "bén duyên" với vùng đất Ia Dom

(GLO)- Sau nhiều năm tìm kế mưu sinh khắp nơi, anh Dương Văn Thiết (SN 1976, thôn Cửa Khẩu, xã Ia Dom, tỉnh Gia Lai) đã chọn vùng biên viễn làm bến đỗ cho gia đình nhỏ. Không chỉ phát triển chăn nuôi, anh đã mạnh dạn khởi nghiệp với cây dừa xiêm-giống cây mới hứa hẹn mang lại thu nhập ổn định.

Cú hích cho nông sản Gia Lai

Cú hích cho nông sản Gia Lai

(GLO)- Lần đầu tiên tham gia chương trình OCOP, 5 sản phẩm đến từ Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Nam Yang (xã Kon Gang, tỉnh Gia Lai) đều đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, đây có thể coi là thành tích chưa từng có tiền lệ.

Phương pháp rang thủ công sẽ giữ lại vị ngọt, bùi và vị ngậy đặc trưng mà không loại hạt điều công nghiệp nào sánh bằng. Ảnh: Vũ Thảo

Giữ lại tinh túy trong từng hạt điều sẻ

(GLO)- Sản xuất theo phương pháp rang củi thủ công truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm với nhiều hương vị mới lạ, một nhà sản xuất ở Gia Lai đang nuôi ước mơ đưa hạt điều địa phương với hương vị đặc trưng vươn xa.

Hợp tác xã bắt nhịp thời đại số

Hợp tác xã bắt nhịp thời đại số

(GLO)- Trong bối cảnh chuyển đổi số lan tỏa mạnh mẽ đến từng ngõ ngách đời sống, các HTX tại Gia Lai đang cho thấy sự năng động, nhạy bén khi mạnh dạn “lên sàn”, “lên sóng” để giới thiệu và bán sản phẩm qua các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, livestream Facebook.

null