Tái canh cà phê khó nhất là vốn!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Thủ phủ cà phê Tây Nguyên, phần lớn được trồng từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, đến nay đã có tuổi đời từ 25 đến trên 30 năm. Nhiều vườn đã già cỗi, thoái hóa, năng suất, chất lượng thấp.

 
 Tập huấn tái canh cà phê
Tập huấn tái canh cà phê



Việc tái canh, cải tạo vườn cây là nhu cầu hết sức bức thiết mà cả nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông cần chung tay…

Phần lớn các công ty cà phê ở Tây Nguyên (thuộc Tổng Cty cà phê Việt Nam) đều có nhu cầu tái canh vườn cây. Tuy nhiên, vốn phục vụ tái canh vẫn là bài toán khó.

Nỗ lực tái canh

Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc triển khai chương trình tái canh vườn cà phê, phải kể đến Cty TNHH MTV Cà phê 706 (sau đây gọi tắt là Cty 706). Tổng diện tích vườn cây của công ty là 722 ha, trong đó có 520 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Đứng chân trên địa bàn xã Ia Sao (huyện Ia Grai, Gia Lai), Cty 706 có nhiều lợi thế bởi đây là vùng đất rất thích hợp đối với cây cà phê. Suốt một thời gian dài, những vườn cà phê nơi đây đã làm thay đổi rất lớn diện mạo nông thôn vùng sâu, tạo nên những thị tứ sầm uất, những con đường nhựa, đường bê tông trải dài, vắt qua thảo nguyên mênh mông, đưa đến cho người dân cuộc sống no đủ, thậm chí là sung túc...

Tuy nhiên, cây cà phê cũng có... "thì" - như Giám đốc Cty Lê Trung Nguyên nói. Theo ông Nguyên thì cà phê của Cty chủ yếu được trồng từ năm 1982 - 1984. Thời đó, giống cây chưa được chuẩn, kỹ thuật cũng chưa được như bây giờ, vườn cây chủ yếu trên 30 năm tuổi, phần lớn đã thoái hóa, cho năng suất thấp... Do đó, nhu cầu tái canh của Cty là... toàn bộ diện tích vườn cây. Ngay từ năm 2006, Cty 706 đã chủ động triển khai công tác tái canh vườn cây. Đến nay, đã thực hiện tái canh được 540 ha, trong đó có 340 ha cà phê tái canh đã đi vào kinh doanh, còn khoảng 180 ha mà theo Giám đốc Nguyên: "Sẽ hoàn thành vào năm 2020".

Nhận xét về vườn cây tái canh của Cty, ông Lê Trung Nguyên cho biết: Do thực hiện nghiêm túc các khâu trong kỹ thuật tái canh, nguồn giống đảm bảo nên diện tích tái canh của Cty phát triển và sinh trưởng tốt. Đối với diện tích đã cho thu hoạch thì năng suất đạt cao, 20 - 25 tấn quả tươi/ha (khoảng 5 tấn nhân/ha). Có một vài vườn, năng suất chỉ đạt 14 - 15 tấn quả tươi/ha, do ngoài suất đầu tư của Cty, hộ nhận khoán không có khả năng đầu tư thêm nên vườn cây phát triển hạn chế.

Cũng đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai, Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai có 7 đội sản xuất và Nông trường Cà phê Chư Prông. Tổng số lao động hơn 1.000, trong đó có gần 400 công nhân lao động là đồng bào dân tộc thiểu số. Cty quản lý trên 1.500 ha cà phê, trong đó cà phê của Cty 1.008 ha, còn lại là cà phê hộ gia đình công nhân. Trong 1.008 ha cà phê tập thể của Cty có 300 ha được trồng từ những năm 1982 đến năm 1987 (đã qua 25 đến 30 năm khai thác). Để đảm bảo năng suất chất lượng vườn cây, đảm bảo thu nhập cho người lao động thì diện tích này bắt buộc phải thực hiện tái canh. 2008 là năm đầu tiên, Cty tái canh được 30 ha cà phê già cỗi. Đến nay, Cty đã thực hiện tái canh trồng mới được 133,445 ha cà phê.


 

 Đốn bỏ cà phê già cỗi
Đốn bỏ cà phê già cỗi



Ông Nguyễn Văn Phú-Giám đốc Cty, cho biết: Vườn cây tái canh sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ sống đạt 97%, trong đó đã có hơn 100 ha đưa vào kinh doanh, năng suất đạt bình quân 3,5 tấn nhân/ha. Đặc biệt có một số diện tích đạt trên 4 tấn nhân. Nhìn chung, kết quả tái canh đã mang lại hiệu quả cao, cả về mặt kinh tế lẫn xã hội.

Khó chung: Vốn!

Giám đốc Cty Cà phê 706 - ông Lê Trung Nguyên, cho biết: Công ty là một trong những đơn vị có thâm niên trồng và thực hiện tái canh cà phê, người lao động ở đây lại rất cần cù. Do vậy vấn đề tái canh sẽ rất thuận tiện, nếu giải quyết được bài toán về vốn. Tại vườn cây của Cty 706, để thực hiện tái canh cho 1 ha cà phê, cần đến 220 - 240 triệu đồng. Cũng theo Giám đốc Nguyên thì hiện Cty đang quan hệ với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, chịu lãi suất cao. Trả lời câu hỏi "Sao không quan hệ với hệ thống Ngân hàng NN-PTNT?", ông Nguyên cho biết: Đơn vị không thể tiếp cận được với nguồn vốn từ hệ thống Ngân hàng NN-PTNT bởi ngay từ đầu, đơn vị đã quan hệ với Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, toàn bộ tài sản đã thế chấp vào đây. "Mà tài sản của công ty duy nhất chỉ là vườn cây! Tôi mong muốn Nhà nước và ngành Ngân hàng "gỡ" giúp cho bài toán này, để công ty sớm hoàn thành tốt nhiệm vụ tái canh" - ông Nguyên nói.

Không khác gì Cty 706 hoặc các công ty khác trong vấn đề tái canh vườn cà phê, ở Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai, cái khó nhất trong quá trình thực hiện tái canh vẫn là vốn. Giám đốc Cty TNHH MTV Cà phê Ia Grai - ông Nguyễn Văn Phú: "Đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương và các ngân hàng thương mại có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người trồng cà phê được vay vốn ưu đãi, lãi suất thấp. Hiện đang cho vay lãi suất vẫn còn quá cao, thời gian vay từ 7 - 10 năm, mà 4 năm ngân hàng đã thu hồi vốn vay thì việc thu hồi vốn là quá nhanh!".

Trần Bình Định (Nông nghiệp)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

Gia Lai được cấp mới 15 mã số vùng trồng xuất khẩu

(GLO)- Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, năm 2024, toàn tỉnh có 15 mã số vùng trồng xuất khẩu được cấp mới với diện tích 332,09 ha xuất khẩu trên thị trường Trung Quốc và 4 mã số cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu với tổng công suất 155 tấn quả tươi/ngày.

Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hà Duy

Liên kết sản xuất phục vụ xuất khẩu

(GLO)- Việc liên kết sản xuất đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Gia Lai chú trọng nhằm tạo nguồn nông sản chất lượng phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, nông sản của tỉnh đã thâm nhập thị trường của gần 50 quốc gia trên thế giới.

Các sản phẩm khởi nghiệp thu hút người tiêu dùng tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2024. Ảnh: M.K

“Làn sóng khởi nghiệp” chuyển động mạnh mẽ

(GLO)- 3 năm qua, Gia Lai đã từng bước tạo lập môi trường thuận lợi nhằm hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST). “Làn sóng khởi nghiệp” ngày càng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng, từng bước đi vào chiều sâu, nhất là ở lĩnh vực nông nghiệp.

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

Chư Prông gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ

(GLO)- Vụ Đông Xuân 2024-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) sẽ gieo trồng 2.988 ha cây trồng các loại, trong đó có hơn 2.000 ha lúa. Để đảm bảo vụ sản xuất đạt hiệu quả, ngành Nông nghiệp huyện đang phối hợp với các địa phương hướng dẫn người dân gieo sạ sớm để tránh hạn cuối vụ.

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.