Mỗi chuyến tác nghiệp tại Trường Sa không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là hành trình cảm xúc, hun đúc tinh thần yêu nước và khát vọng cống hiến. Những trải nghiệm nơi đảo xa đã trở thành dấu mốc nổi bật trên chặng đường làm báo, để các phóng viên, biên tập viên được “tôi luyện” trong môi trường đặc biệt, khắc nghiệt và đầy cảm hứng.
1. Trong số các phóng viên, biên tập viên ở Đài PT&TH Bình Định, Báo Bình Định cũ (nay hợp nhất thành Báo Bình Định), chị Nguyễn Thị Mỹ Hà (Phó Trưởng phòng Thời sự, Báo Bình Định) không chỉ là phóng viên nữ đầu tiên tác nghiệp ở Trường Sa, mà còn hai lần được đến vùng “đất thiêng” của Tổ quốc.
Trong chuyến công tác đầu tiên ở Trường Sa kéo dài đến 25 ngày đầu năm 2015, chị Hà có nhiều kỷ niệm đặc biệt sâu sắc, trong đó có đêm cùng đoàn công tác được ở lại tại nhà khách trên đảo Trường Sa Lớn.
“Đêm ấy, tôi nằm nghe tiếng gió lùa qua hàng thông rì rào. Còn ban ngày, đoàn công tác đến viếng mộ hai liệt sĩ là những người lính trẻ hy sinh khi tuổi đời mới đôi mươi. Cảm xúc hòa quyện khiến tôi bật ra ý tưởng phóng sự “Tuổi 20 trên quần đảo Trường Sa”. Bởi có nhiều chàng trai trẻ vừa rời vòng tay mẹ cha, đã đến nơi đảo xa cùng hiên ngang giữ chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc”, nhà báo Mỹ Hà nhớ lại.
Mùa hè 2024, chị Mỹ Hà tiếp tục có dịp trở lại Trường Sa theo đoàn công tác của tỉnh Bình Định. Chị hòa niềm vui chung khi các điểm đảo mình đến ở Trường Sa đã khang trang hơn, hiện đại hơn, cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ được chăm lo tốt hơn để đương đầu với sóng gió...
“Trong chuyến đi lần hai, tôi nhớ mãi chuyện một chính trị viên trẻ ở đảo Len Đao, khi được hỏi nhà ở đâu thì cười hiền: “Nhà em ở đây chính là đảo Len Đao, anh em là cán bộ, chiến sĩ trên đảo”. Những lời nói ấy chạm đến tim và truyền cảm hứng nguồn năng lượng quý giá cho chúng tôi”, chị Mỹ Hà chia sẻ.
![]() |
Nhà báo Mỹ Hà tác nghiệp trong chuyến đi Trường Sa năm 2015. Ảnh: NVCC |
Khi còn là phóng viên Phòng Kinh tế - Văn hóa - Xã hội (Báo Bình Định), người viết cũng may mắn được cơ quan cử tham gia chuyến đi cùng đoàn công tác Trường Sa hơn 20 ngày vào đầu tháng 1.2019.
Sau gần hai ngày đầu tiên di chuyển vẫn chưa đến được đảo nào, nhiều phóng viên chúng tôi say sóng nên nằm bẹp, chỉ gắng gượng ăn uống được chút ít. Nhưng, tôi là một trong những phóng viên đầu tiên “bật dậy” chạy lên boong tàu, để rồi không bao giờ quên cảnh nữ phóng viên Nguyễn Khánh Chi (Báo Hà Nam) đứng sát lan can tàu, tay cầm lá thư đọc trong nước mắt giàn giụa...
Đây là thư của ông Trần Xuân Thu (ở Hà Nam) gửi em trai liệt sĩ Trần Văn Bảy, người đã anh dũng hy sinh ở trận chiến bảo vệ đảo Gạc Ma. Bức thư trĩu nặng tâm tình thương nhớ: “Bảy em yêu quý của anh. Đã 30 năm... không lúc nào mà anh quên được em, ngày ngày anh ở quê nhà thắp hương cầu mong cho vong linh em siêu thoát...”.
Từ boong tàu phóng tầm mắt ra xa là có thể thấy “nỗi đau” hiện lên giữa biển khi đảo Gạc Ma đã bị Trung Quốc xâm chiếm trái phép. Đọc xong thư trong nỗi nghẹn ngào, nhà báo Khánh Chi cầm thư vái về phía đảo Gạc Ma rồi thả xuống hòa vào lòng Biển Đông. Các phóng viên đứng trên boong tàu khi ấy lặng người, cảm nhận hơn trách nhiệm của người làm báo trong chuyến đi này đối với bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
2.Những phóng viên được cử đi tác nghiệp ở Trường Sa đều chung cảm nhận mình may mắn có được những trải nghiệm vô giá, được tôi luyện trong sóng gió dài ngày, trưởng thành trong kỹ năng tác nghiệp ở môi trường làm việc mới lạ, rất đặc thù, cũng như được nâng cao nhận thức, tình yêu quê hương, đất nước từ Trường Sa.
Theo chị Mỹ Hà, có điểm đảo đến chỉ được ở lại khoảng 2 tiếng nên vừa đặt chân lên đảo thì mắt quan sát, đầu suy nghĩ, tay chân nhanh nhẹn để làm sao có những hình ảnh đắt giá, những thông tin giá trị, câu chuyện hay... trong một đề tài mang dấu ấn riêng của mình. Đó là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội để các nhà báo trưởng thành.
“Trên chặng đường 100 năm Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi đã đi được gần 30 năm, tác nghiệp ở rất nhiều nơi, nhưng đặc biệt luôn khắc ghi trong tim và cảm ơn hai chuyến công tác Trường Sa. Tác nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió đã giúp tôi yêu công việc hơn, sống tử tế và có trách nhiệm hơn với nghề báo”, chị Mỹ Hà bộc bạch.
Riêng người viết, trong chuyến tác nghiệp ở Trường Sa năm 2019, không bao giờ quên những trải nghiệm chỉ có thể ngồi bên máy tính viết bài 1 - 2 tiếng trên tàu lắc lư giữa cơn sóng, rồi phải đi nằm vì chóng mặt; hay ngồi viết dưới bóng rợp mát của cây bàng di sản ở đảo Nam Yết, dưới cột mốc chủ quyền ở các đảo Sơn Ca, Song Tử Tây... Nhờ vậy, khi tàu vừa cập bến Quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa), lúc đó mới có sóng Internet, tôi đã ngay lập tức gửi về tòa soạn 1 phóng sự ảnh và 4 bài trong loạt bài chuyên đề “Tổ quốc nơi đầu sóng”.
Đối với các phóng viên từng đi Trường Sa, dù có thể không bao giờ được quay lại nhưng vẫn tiếp tục có những hình thức khác nhau hướng về biển, đảo Tổ quốc.
Nhà báo Phạm Thị Ánh Hồng, hiện là phóng viên Phòng Chuyên đề (Báo Bình Định), vẫn lưu giữ nhiều kỷ niệm trong chuyến công tác 20 ngày kéo dài từ cuối năm 2016 qua đầu năm 2017, đặc biệt khi thời tiết trên biển nguy hiểm. Sau chuyến tác nghiệp này, chị Hồng đã tham gia thành viên CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương thuộc Trung tâm tình nguyện Quốc gia, Trung ương Đoàn thực hiện Chương trình “Xuân Biên giới - Tết Hải đảo”.
Chị Ánh Hồng chia sẻ: Tháng 3.2016, Trung ương Đoàn và Quân chủng Hải quân phát động Chương trình “Trường Sa xanh”. Sau khi hoàn thành chuyến công tác trở về, đoàn phóng viên chúng tôi - những chiến sĩ Trường Sa trên mặt trận văn hóa đã dùng toàn bộ số tiền đạt giải thưởng tác phẩm báo chí năm 2017 đặt CCB Nguyễn Trung Thành (ở TX Hoài Nhơn, Bình Định) ươm 660 cây lá giang tặng 33 điểm đảo.
“Tin từ đảo xa gửi về, chỉ một thời gian ngắn những cây lá giang bé xíu đã thể hiện sức sống mãnh liệt tại vùng phên giậu của Tổ quốc... Chúng tôi vỡ òa hạnh phúc”, chị Hồng kể.
HOÀI THU