Minh chứng cho mong muốn chấm dứt chiến tranh đau thương kéo dài 13 năm, sau những nỗ lực ổn định tình hình sau khi tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, ngày 18/12, Bộ trưởng Kinh tế của Chính phủ lâm thời Syria, ông Basil Abdulaziz Abdul Hanan, công bố kế hoạch thúc đẩy nền kinh tế thị trường tự do và cạnh tranh.
Kế hoạch tranh thủ các nhà công nghiệp, thương nhân và chuyên gia tham gia định hướng lại nền kinh tế quốc gia.
Ông Abdul Hanan cũng thông báo sẽ tổ chức các hội thảo để khu vực tư nhân, học giả và chuyên gia tham gia tích cực vào quá trình xây dựng chính sách kinh tế cho Syria, tạo điều kiện cùng tham gia xây dựng chiến lược phát triển lâu dài nền kinh tế đất nước.
Ông Abdul Hanan cũng đề cập việc duy trì liên lạc với các doanh nghiệp Syria trong lĩnh vực công nghiệp ở nước ngoài, những người bày tỏ mong muốn trở về và đầu tư vào Syria.
Bộ trưởng Hanan nhấn mạnh các nỗ lực hồi sinh các ngành công nghiệp trọng điểm như sản xuất xi măng và vật liệu xây dựng, cam kết hành động nhanh chóng để tái khởi động các cơ sở quan trọng. Ông nhấn mạnh vai trò của chính phủ là cung cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu và tạo ra môi trường thuận lợi cho các khoản đầu tư nhằm thúc đẩy nền kinh tế.
Động thái trên thể hiện nỗ lực của chính phủ lâm thời Syria và được dư luận đánh giá tích cực. Tuy nhiên, việc các nước lớn và trong khu vực đang tìm cách chi phối nước này thời hậu chiến có thể đưa đến những bất ngờ không tính trước.
Hơn 1 tuần sau khi tổng thống Bashar al-Assad bị lật đổ, Syria đã hứng chịu các cuộc ném bom từ ba thế lực nước ngoài đang theo đuổi những mục tiêu chiến lược riêng: Mỹ chống lại tàn dư phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở phía đông, Thổ Nhĩ Kỳ gây sức ép với dân quân người Kurd ở đông bắc và Israel nhắm vào các khí tài, mục tiêu chiến lược của Syria.
Trong khi đó, Nga và Iran, những trụ cột từng hậu thuẫn chính quyền Assad, rút quân hoặc tái bố trí lực lượng lại tại Syria.
Fawaz Gerges, giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London, nhận định thách thức xây dựng một Syria mới từ đống tro tàn lớn đến mức "những rủi ro và bất trắc lấn át bất kỳ kỳ vọng hay lời hứa nào. Và "Khả năng chuyển đổi chính quyền diễn ra suôn sẻ và hòa bình là rất thấp".
Nhưng vẫn có lý do để hy vọng Syria tránh kết cục tồi tệ nhất. "Người Syria đã chiến đấu với nhau trong 13 năm qua và họ giờ đây đã kiệt sức", Gerges nói. "Nếu nhận thức được rủi ro của việc tiếp tục cầm súng, họ có thể vượt qua chúng".