Suy ngẫm về 4 từ khóa của ngành Giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã đưa ra 4 từ khóa làm tinh thần triển khai nhiệm vụ cho toàn ngành trong năm 2024 gồm: bản lĩnh, thực tiễn, chất lượng và lan tỏa.

Theo Bộ trưởng, đây là năm quan trọng, có tính chất “nước rút” với đổi mới giáo dục phổ thông khi các lớp cuối cấp (5, 9 và 12) bước vào thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới; cùng với đó là nhiều khó khăn, thách thức phải đối mặt. Vì vậy, toàn ngành cần giữ vững bản lĩnh để tiếp tục đổi mới, để khẳng định con đường đang đi là đúng, hợp lý, hiệu quả, cần thiết và không thể khác.

Bộ trưởng cũng cho rằng, muốn tiếp tục đổi mới một cách thực chất, hiệu quả thì cần đến thực tiễn; lắng nghe thực tiễn, từ yêu cầu của thực tiễn mà điều chỉnh để mở đường cho đổi mới. Việc tiếp theo cần phải làm là cam kết chất lượng, coi đây là thước đo cho mọi công việc. “Đổi mới phải luôn đi kèm với chất lượng”-Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh. Đối với từ khóa cuối cùng, người đứng đầu ngành Giáo dục phân tích: Quá trình đổi mới có nhiều yếu tố mới, tinh thần mới, giá trị mới cần lan tỏa. Lan tỏa bằng hoạt động cụ thể của từng cơ sở, đơn vị và qua truyền thông. Ngoài kết quả đổi mới, cần lan tỏa đến xã hội, phụ huynh về việc hướng đến trường học hạnh phúc và lớn hơn nữa là ngành hạnh phúc.

Một buổi lên lớp của cô Trần Thị Kim Hòa-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: Mộc Trà

Một buổi lên lớp của cô Trần Thị Kim Hòa-giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: Mộc Trà

Thực hiện tinh thần chung đó, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành Giáo dục trên cả nước, trong đó có Gia Lai, đã và đang ra sức thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học 2023-2024. Cô Trần Thị Kim Hòa-Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lê Văn Tám (xã Krong, huyện Kbang) cho rằng: 4 từ khóa mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra rất gần gũi và sát với nhiệm vụ giáo dục hiện nay. Đó là vừa phải thực hiện tốt chương trình đổi mới giáo dục trước những thử thách (bản lĩnh-thực tiễn), vừa kế thừa và phát huy tốt giá trị, sứ mệnh của ngành (chất lượng-lan tỏa).

“Tôi đang dạy lớp 3 và có 2 năm tham gia giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Với đặc thù của trường là phần đông học sinh người dân tộc thiểu số, thời gian qua, tôi luôn cố gắng đổi mới phương pháp giảng dạy, triển khai chương trình mới một cách phù hợp với điều kiện thực tiễn và năng lực của học sinh. Mục tiêu chúng tôi hướng đến là góp phần rút ngắn dần khoảng cách chất lượng giáo dục giữa vùng khó khăn và vùng thuận lợi, giữa học sinh dân tộc thiểu số với học sinh người Kinh; đồng thời, giúp các em tìm được một tương lai tươi sáng hơn. Và đây chính là giá trị mà tôi mong muốn lan tỏa”-cô Hòa chia sẻ.

Tương tự, Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) Đỗ Bách Khoa cũng rất tán thành với 4 từ khóa mà Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đưa ra về tinh thần triển khai nhiệm vụ của ngành năm 2024. Đây cũng là điều mà nhà trường đã và đang thực hiện nhằm đáp ứng sứ mệnh “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài”.

Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) luôn tạo điều kiện để học sinh phát triển tối đa phẩm chất, năng lực của mình. Ảnh: M.T

Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) luôn tạo điều kiện để học sinh phát triển tối đa phẩm chất, năng lực của mình. Ảnh: M.T

Theo thầy Khoa, trước xu thế toàn cầu hóa về nhiều mặt và sự nghiệp đổi mới giáo dục, toàn ngành đang chịu sự tác động rất lớn. Điều đó đòi hỏi người cán bộ quản lý phải có bản lĩnh vững vàng trước thách thức để đi đúng hướng. Trên thực tế, khi triển khai cái mới lúc nào cũng sẽ có điều phù hợp và chưa phù hợp. Vì vậy, mỗi nhà giáo cần biết chắt lọc tinh hoa, chủ động, linh hoạt để áp dụng cho đơn vị và đối tượng học sinh của mình sao cho phù hợp; qua đó, giúp các em có thể bắt nhịp với sự phát triển của thế giới, song vẫn gìn giữ được giá trị cốt lõi của dân tộc, hòa nhập mà không bị hòa tan.

“Để làm tốt điều này, ngoài nỗ lực của mỗi cá nhân, nhà trường luôn chú trọng phát triển năng lực đội ngũ thông qua các chương trình hợp tác bồi dưỡng với các trường đại học lớn và các tổ chức giáo dục uy tín trong nước cũng như nước ngoài như: Hội đồng Anh, IIG Việt Nam... Song song với đó, tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang-thiết bị hiện đại để đáp ứng công tác dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, giúp phát triển tối đa phẩm chất, năng lực của học sinh”-thầy Khoa cho hay.

…Đúng như Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định, trong những thách thức mà ngành Giáo dục phải đối mặt năm 2024, có rất nhiều thách thức vẫn còn nguyên, song nếu vượt qua được sẽ đạt những kết quả mới. Và 4 từ khóa mà Bộ trưởng đưa ra chính là định hướng để toàn ngành tiếp tục đồng tâm, nhất trí, biến thành sức mạnh nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.

Có thể bạn quan tâm

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.