Sinh kế sau bão lũ: Đảm bảo người dân có sinh kế tối thiểu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mưa lũ tại miền Trung để lại di chứng kéo dài, khắc phục rất khó khăn và công việc tái thiết bắt đầu từ việc phải đảm bảo sinh kế tối thiểu cho người dân.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp khi trao đổi với Báo Thanh Niên ngày 1.12 về kế hoạch hành động của Bộ NN-PTNT khắc phục hậu quả thiên tai miền Trung.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ẢNH: P.HẬU
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp ẢNH: P.HẬU
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng: “Thiệt hại do mưa lũ ở miền Trung không chỉ nằm ở con số trên 400.000 ngôi nhà hư hỏng, 1.500 nhà sập hoàn toàn, trên 1.000 km đường giao thông bị tàn phá… quy ra tiền hơn 30.000 tỉ đồng. Có những thứ, tiền không bao giờ khắc phục được như 285 người chết và mất tích. Mưa lũ đã để lại di chứng rất nặng nề, quá khủng khiếp”.
Hỗ trợ cây, con giống ngắn ngày để nhanh có thu nhập
Sau mưa lũ, đời sống người dân vẫn chồng chất khó khăn, chương trình hành động tái thiết sau thiên tai của Bộ NN-PTNT sẽ khởi đầu từ đâu?
Bộ NN-PTNT đặt ra yêu cầu, cuộc sống của người dân phải được đáp ứng nhu cầu cơ bản, tối thiểu. Đầu tiên là không để ai bị đói, rét hay không có nước sạch. Ngoài cứu trợ khẩn cấp, Bộ NN-PTNT rà soát tất cả các điểm cấp nước sạch và gói hỗ trợ đầu tiên là giải quyết nước sạch ở nông thôn, trước hết là cấp cho các điểm trường, trạm y tế. Đến nay, toàn bộ nhà ở, trạm y tế, nhà tốc mái được khắc phục hoàn toàn. Người dân được cấp đầy đủ nước sinh hoạt.
Sau mưa lũ, bà con phải có sinh kế tối thiểu và đã được cấp toàn bộ giống cây trồng, đến nay một loạt diện tích bắt đầu cho thu hoạch. Bộ đã cấp cho các địa phương 1,1 triệu con gà, 750.000 cặp giống cá bố mẹ tốt nhất..., sau khoảng 3 - 5 tháng nữa có ngay 15 triệu con cá giống; 140 triệu tôm giống cũng đã cấp cho người dân.
Nhưng muốn sản xuất được thì đầu tiên là khôi phục hạ tầng nông nghiệp. Chúng tôi phát động toàn dân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương. 300 trạm bơm lớn đã được sửa chữa để hỗ trợ sản xuất.
Rất nhiều đường giao thông, kè biển, các công trình đã bị thiên tai phá hủy. Điều này cho thấy mức độ chống chịu, khả năng ứng phó của cơ sở hạ tầng trước thiên tai đang có vấn đề?
Đợt thiên tai vừa qua vượt các mốc đo đếm trong lịch sử nhưng chưa phải là giới hạn cuối cùng. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai lấy ngay mốc thiên tai lịch sử vừa qua để các địa phương đưa vào trong các quy hoạch
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT
Điểm tồn tại đầu tiên mà Bộ NN-PTNT đánh giá qua đợt thiên tai vừa qua là sức chống chịu của cơ sở hạ tầng ở mức yếu và nhìn thấy rất rõ ràng. Có trên 141 km kè biển kiên cố vẫn bị sạt lở, vì kè biển hiện nay chỉ thiết kế đến bão cấp 10; vừa rồi cơn bão số 9, bão trên biển giật cấp 13 - 14, kè bị sóng đánh sập. Trên 1.000 km đường giao thông hư hỏng hoàn toàn. Trường học, các công trình công cộng tốc mái, hư hỏng nhiều. Ở đây có câu chuyện, sức chống chịu của hạ tầng dù có tính đến yếu tố thiên tai nhưng ở mức độ thấp, chưa tính đến nguy cơ cao nhất.
Ngay ở chuyện sơ tán, di dân thời điểm cao nhất là khoảng 500.000 người. Các địa phương di dân lên công sở, bệnh xá… Đi tránh bão, họ chỉ ở 1 - 2 ngày là rất ổn rồi. Còn tránh lũ, dân ở lại từ 10 - 15 ngày thì có ngay vấn đề, đến chỗ đi vệ sinh cũng không có. Các công trình hạ tầng ở vùng lũ chưa tính đến các tình huống này, điều này phải khắc phục trong thời gian tới.
Đưa yếu tố thiên tai vào quy hoạch

Nông dân tại vựa rau La Hường (Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) dọn dẹp, xuống giống vụ mới sau bão lũ, cuối tháng 11.2020 ẢNH: HUY ĐẠT
Nông dân tại vựa rau La Hường (Q.Cẩm Lệ, Đà Nẵng) dọn dẹp, xuống giống vụ mới sau bão lũ, cuối tháng 11.2020 ẢNH: HUY ĐẠT
Bằng cách nào để khắc phục hậu quả thiên tai, Bộ NN-PTNT với trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai sẽ giám sát ra sao?
Ở góc độ quản lý nhà nước, luật Phòng, chống thiên tai đã quy định rất rõ, các địa phương khi quy hoạch phải tính đến yếu tố thiên tai. Vấn đề là từng bộ theo chức năng phải đưa ra quy định, quy chuẩn hướng dẫn. Ví dụ, Bộ Xây dựng là quy chuẩn công trình nhà ở; Bộ GTVT hướng dẫn quy chuẩn đường giao thông… Còn lại, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai mà Bộ NN-PTNT làm thường trực đưa ra các mốc thiên tai, căn cứ vào đó các bộ đưa ra hướng dẫn.
Đợt thiên tai vừa qua vượt các mốc đo đếm trong lịch sử nhưng chưa phải là giới hạn cuối cùng. Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai lấy ngay mốc thiên tai lịch sử vừa qua để các địa phương đưa vào trong các quy hoạch. Bộ NN-PTNT đang đề xuất Chính phủ trong tháng 12 tổ chức hội nghị, bàn cho ra được các giải pháp cụ thể từng bộ, ngành trong ứng phó thiên tai miền Trung.
Mưa lũ, sạt lở đất có nguyên nhân từ mất rừng tự nhiên, trong khi rừng sản xuất chưa có tác dụng ngăn cản lũ. Bộ NN-PTNT có tính đến giải pháp hồi sinh những cánh rừng để ứng phó thiên tai?
Mức hỗ trợ cho người dân khoanh nuôi, bảo vệ rừng hiện chỉ có 300.000 đồng/ha/năm là quá thấp, người dân không đủ sống, cần có chính sách mạnh hơn. Bà con đủ sống rồi, không cần sinh kế trong rừng nữa và sẽ bảo vệ rừng có trách nhiệm hơn. Đầu tiên phải có chính sách cấp gạo, tính ra không đáng bao nhiêu. Ví dụ như Quảng Nam để cấp gạo đủ nuôi mỗi người 15 kg/tháng cho toàn bộ người dân ở khu vực có rừng cần khoanh nuôi bảo vệ thì một năm chỉ tốn 200 tỉ đồng. Chính sách này chỉ duy trì vài năm cho đến khi rừng phục hồi trở lại.
Sau chuyến công tác của đoàn giám sát an ninh nguồn nước của Quốc hội vừa qua, đoàn đề xuất Quốc hội nâng mức hỗ trợ khoanh nuôi, bảo vệ rừng lên 1 triệu đồng/ha/năm. Tính ra mỗi năm cả nước cần khoảng 5.000 tỉ đồng nhưng tiền thu từ dịch vụ môi trường rừng được hơn 4.000 tỉ đồng và chỉ phải bù một phần nhỏ khuyến khích người dân bảo vệ rừng.
Từ năm 2017 đến nay, Bộ NN-PTNT bác bỏ phần lớn các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, việc này phải tiếp tục làm tốt để bảo vệ rừng tự nhiên. Bộ NN-PTNT chỉ đạo các địa phương tính toán nâng cao chất lượng rừng trồng, tăng cường trồng cây phân tán gắn với cây bản địa, trồng xen kẽ cây gỗ lớn. Chỉ đạo này không chỉ trên giấy mà thực tế có các mô hình và các địa phương phải làm theo hướng đó. Chúng tôi hy vọng 5 - 10 năm tới, cùng với sự phục hồi của những cánh rừng tự nhiên thì chất lượng rừng sẽ tốt hơn bây giờ.
Xin cảm ơn ông!
Nghiên cứu giải pháp thoát lũ nhanh hơn ở miền Trung
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đặt vấn đề, miền Trung có độ dốc lớn, bên là núi, bên là biển nhưng tại sao vẫn ngập lụt dài ngày. Nguyên nhân khách quan là mưa liên tiếp, hết đợt này đến đợt khác. Một nguyên nhân khác là khả năng thoát nước ra biển kém hơn trước. Dẫn chứng ở Lệ Thủy (Quảng Bình), trước đây mốc lũ lịch sử là 3,9 m, ngập lụt chỉ 3 - 4 ngày nhưng vừa qua lũ lên 4,9 m nước, ngập đến 15 ngày. Cửa thoát duy nhất là sông Lệ Thủy nhưng bị bồi lắng, đoạn ra biển lại hẹp nhất. Theo ông Hiệp, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu thí điểm các vùng ngập ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị…, sau đó sẽ tính toán các giải pháp thoát lũ nhanh hơn.
Theo Phan Hậu (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.