Sinh kế sau bão lũ: Ám ảnh núi lở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Vùng cao H.Sơn Tây (Quảng Ngãi) có mỹ danh là xứ ngàn cau. Nhưng sau một đêm, 2 ngôi làng có nguy cơ biến mất sau hàng trăm năm tồn tại, chỉ bởi một trận núi lở.
 
Ngôi nhà của cô giáo mầm non Đinh Thị Bích Thuận bị lũ bùn vùi lấp ẢNH: PHẠM ANH
Ngôi nhà của cô giáo mầm non Đinh Thị Bích Thuận bị lũ bùn vùi lấp ẢNH: PHẠM ANH
Bây giờ, người Cadong đêm nằm nghe núi lở, thấy dòng nước đục ngầu chảy từ thượng nguồn là giật thót người. Bởi nạn sạt lở đã cướp đi nhà cửa, ruộng rẫy và kế sinh nhai của họ, khiến những ngày trước mắt sống trong bao bộn bề âu lo.
Núi biến thành sông
Nhìn từ xa, núi Ngọc Prây, thôn Ra Pân, xã Sơn Long (H.Sơn Tây) như con rắn lửa lở lói. Từ trên đỉnh, núi chảy dài một màu đỏ, thân oằn lên chỗ thấp, chỗ cao, lổm ngổm với gốc cây, đá, trước khi vùi xuống con suối dưới chân núi. Đến gần chân núi Ngọc Prây, chứng kiến cảnh dòng nước chảy như một con sông, chúng tôi cứ đinh ninh đây là dòng sông có từ lâu. Thế nhưng anh Đinh Văn Hùng, cán bộ Văn phòng UBND H.Sơn Tây, lắc đầu: “Dòng sông dài 500 m này mới xuất hiện vào khoảng 1 giờ sáng 11.11 vừa qua thôi”.
Theo anh Hùng, mưa hơn một tháng trời, cả ngọn núi thấm nước nên “hờn giận”, rồi sau 3 tiếng nổ đinh tai nhức óc, cả ngọn núi đổ ập xuống, phá vỡ và lôi tuột con đường bê tông cả trăm mét theo bùn đất, biến đoạn đường này thành vực sâu.
Ông Đỗ Thanh Vượt, Chủ tịch UBND xã Sơn Long, cho biết: “Núi sạt lở đã làm lũ bùn tràn ra lấp đường và 3 ha ruộng bậc thang của người dân. Cả một vùng rộng lớn giờ là một màu đỏ liên hoàn do lũ bùn đỏ tuôn ra từ núi. Sau đêm nghe tiếng nổ và núi sập xuống, sáng hôm sau đội mưa ra xem, không ai tin chỉ sau một đêm núi biến thành sông, chuyện trước đây chỉ có trong truyền thuyết”.
“Trên địa bàn xã đã xảy ra nhiều vụ sạt lở núi, gây ách tắc giao thông, nhưng chưa bao giờ có cảnh lũ bùn đỏ kinh hoàng như lần này. Nếu ngày hôm trước không đưa dân đi di tản trước, thì thảm cảnh của 15 hộ và gần 100 khẩu ở đây còn đau đớn hơn làng Trà Leng (xã Trà Vân, H.Nam Trà My, Quảng Nam). Từ vụ lở núi ấy, chính quyền xã Sơn Long cũng di dời luôn tổng cộng 56 hộ dân ở chân núi ra chỗ an toàn. Nhưng vấn đề nan giải hiện nay là tái định cư và sinh kế cho bà con”, ông Vượt nói.
 
Ngọn núi Ngọc Prây sạt lở ẢNH: PHẠM ANH
Ngọn núi Ngọc Prây sạt lở ẢNH: PHẠM ANH
Nghe núi nổ là giật thót
Chiều bên dòng lũ bùn, chúng tôi gặp anh Đinh Văn Vế (34 tuổi, ở thôn Ra Pân, xã Sơn Long) khi anh băng qua cầu khỉ về phía trụ sở UBND xã Sơn Long. Chỉ tay về hướng sườn núi Ngọc Prây cũ, anh bảo nhà mình ở đó, đã bị hư hỏng do sạt núi rồi. Đêm trước khi lở núi, nhà anh Vế có 5 người gồm mẹ già, vợ và các con đã dời đi sang nhà người quen ở tạm.

Sau những ngày ở tạm nhà người ta, dân làng đã dựng cho nhà anh Vế căn chòi nhỏ, chỉ đủ một cái giường, bếp và cái bàn ghép cây nứa cho con viết chữ. Còn chiếc xe máy, một lần quay lại nhà cũ xem đồ vật trong nhà còn gì để lượm lặt mang đi, khi để bên cầu tạm bằng nứa thì bị đất lở, xe sụp xuống nước bị cuốn trôi đi luôn. Nhìn xuống đôi chân đầy bùn đỏ, anh Vế nói nếu nhà không bị hư do núi Ngọc Prây sạt lở, anh cùng dân làng sẽ lên Tây nguyên hái cà phê kiếm tiền.

Người dân thôn Ra Pân bắc cầu tạm bằng cây nứa để đi lại ẢNH: PHẠM ANH
Người dân thôn Ra Pân bắc cầu tạm bằng cây nứa để đi lại ẢNH: PHẠM ANH
Những năm qua, cứ đến mùa anh Vế lại đi lên Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk hái cà phê, tuy nhọc nhằn nhưng mỗi ngày kiếm vài ba trăm ngàn. Hết mùa hái cà phê mang tiền về quê chi tiêu cho con học hành, mua sắm tết, còn dư một ít để dành, phòng khi ốm đau. Còn năm nay, ở trong căn nhà tạm bợ, gió giật mưa lùa, anh Vế vắt trán với nhiều nỗi lo. Bởi sau đêm núi lở, không ít đêm nằm ngủ, anh Vế vẫn còn nghe tiếng nổ lép bép vọng ra từ núi, kéo theo những lo sợ mơ hồ khác, biết nơi mình ở có an toàn không khi chưa có nhà ổn định…
Cứ đắn đo vậy nên anh Vế chưa tính chuyện đi hái thuê cà phê. Hỏi có tiền để làm lại nhà không, anh Vế buồn buồn: “Làm gì có!”. Rồi anh nhẩm tính: “Năm nay bán rẫy mì được 12 triệu đồng, còn lại đi làm thuê kiếm hơn 100.000 đồng/ngày, mỗi tháng làm được 10 ngày, thì lấy tiền đâu để làm nhà. Mình có trồng 4 ha keo đã 5 năm rồi nhưng bão đã làm gãy ngã hết”. Người thanh niên Cadong nói chưa hết lời, đã ngoái đầu nhìn về làng cũ, phía trên là ngọn núi lở Ngọc Prây lở lói, vừa lo lắng vừa tiếc nuối.
Kêu gọi mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân
Ông Lê Văn Tùng, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây, cho biết địa phương đang kêu gọi mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân vùng núi lở, nhất là việc tái định cư. Tuy nhiên làm nhà ở cho người Cadong nơi này không phải dễ. Đó là do địa hình quá đồi dốc, nên rất khó tìm mặt bằng.
“Để san ủi làm hạ tầng mặt bằng tái định cư phải mất nhiều tỉ đồng, hỗ trợ bà con dựng nhà cũng mất khá nhiều tiền, trong khi nguồn lực địa phương có hạn”, ông Tùng nói.
Núi lở gây khó khăn cho người dân bản địa đã đành, còn làm cho nhiều người đến xứ này định cư lao đao theo. Ngày trở lại vùng núi lở xã Sơn Long, chúng tôi gặp ông Nguyễn Sửu (47 tuổi, quê ở xã Bình Trung, H.Bình Sơn, Quảng Ngãi), được ông cho biết ngọn núi Ngọc Prây mùa này đã sạt lở nhiều lần và căn nhà của ông cũng bị vùi lấp. “Lúc đó khoảng 5 giờ sáng, quái lạ là trước khi sạt lở, núi lại nổ một tiếng lớn rồi đất đá mới vùi xuống. Khi đó tôi nằm trên giường thì bị bùn đỏ ập vào, lôi cả người lẫn giường đi. Căn nhà lúc này cũng sập xuống, cây đè lên, nhưng may là 4 cây cột nhà không ngã. Tôi loay hoay bươi đất bùn chui ra ngoài, nhờ hàng xóm gọi xe cấp cứu đưa đi bệnh viện ngoài Đà Nẵng điều trị”, ông Sửu kể.
Đời ông Sửu bôn ba, phải nghỉ học từ lớp 9 để phụ gia đình mưu sinh. Đủ tuổi thì đi bộ đội, xuất ngũ thì cưới vợ sinh con. Ở quê cực quá, ông Sửu đi mua cá, mắm chở lên vùng giáp ranh giữa xã Ngọc Tem, H.Kon Plông (Kon Tum) và xã Sơn Long, H.Sơn Tây để bán. Nhiều năm sau, ông mua được mảnh đất, dựng căn nhà tại thôn Ra Pân ở cùng với bà con Cadong nơi này, và mong ước kiếm được vài đồng nuôi con ăn học. Bây giờ núi lở, nhà sập, tương lai bỗng chốc mờ mịt.
Sáng 24.11, vết thương vùng vai, đầu do bị nhà sập tái phát, ông Sửu lại phải ra bệnh viện ở Đà Nẵng để kiểm tra. “Căn nhà bây giờ vùi trong đất đá. Thôi thì sống là mừng rồi. Thoát chết, chính quyền bố trí cho ở tại trường mầm non cũ không sử dụng. Nhưng mà mỗi đêm nằm nghe núi nổ là giật thót cả mình. Sợ lắm”, ông Sửu nhìn lên ngọn núi, ánh mắt ám ảnh.
Còn cô giáo Trường mầm non xã Sơn Long là Đinh Thị Bích Thuận cũng không nguôi nỗi bàng hoàng khi nhớ lại việc nhà bị lũ bùn vùi lấp. Lên đây dạy học từ năm 2002, tích cóp mãi cô giáo mới làm được căn nhà vững chãi thì lũ bùn không mời mà đến, vùi lấp tất cả. “Giờ không biết lấy tiền đâu làm nhà lại”, cô Thuận than thở.
Nỗi lo tái định cư
Chủ tịch UBND xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt cho biết đến thời điểm này, 25/56 hộ ở thôn Ra Pân phải di dời sau vụ sạt lở núi Ngọc Prây đã làm được nhà tạm để trú nắng trú mưa, còn lại ở xen ghép với dân trong thôn. Về lâu dài, phải tìm nơi tái định cư cho bà con, vì hiện nay không ai dám quay về xóm cũ. Tuy nhiên, với đồng bào Cadong, giờ để họ tự làm nhà là rất khó khăn.
Ông Vượt lý giải: “Đời sống bà con dựa vào 3 ha lúa nước, làm lúa rẫy, làm thuê và đi rừng hái lượm nấm, chè dây… Với sinh kế ấy, nay lúa nước bị vùi lấp, làm thuê bấp bênh bữa có bữa không, nên người Cadong hầu như chỉ tạm giải quyết cái ăn trước mắt. Mấy năm nay, người dân ở đây rủ nhau đi Tây nguyên hái thuê cà phê và có thể đây là nguồn thu lớn của họ. Năm nay, gia đình nào không bị hư hỏng do sạt núi thì rục rịch đi hái cà phê, còn hộ nào bị ảnh hưởng thì không đi. Chắc chắn không ai bị đói, nhưng việc mưu sinh sẽ khó khăn rất nhiều. Giờ thì không ai dám mơ làm nhà cửa đàng hoàng như trước”.
(còn tiếp)
Theo Phạm Anh (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.