"Siêu măng" làng Kốp

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Có một giống măng tre được ví là “siêu măng” bởi thời gian sinh trưởng nhanh, cho thu hoạch chỉ sau 1 năm, sản lượng lại cao hơn bất kỳ giống măng tre nào người nông dân Gia Lai từng trồng trước đó. Giống măng này hiện đang được trồng ở xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) nhưng lại ít người biết tới.

 Giống siêu măng có nguồn gốc từ Đài Loan cho thu hoạch chỉ sau 1 năm. Ảnh: N.B
Giống "siêu măng" có nguồn gốc từ Đài Loan cho thu hoạch chỉ sau 1 năm. Ảnh: N.B

Người đưa “siêu măng” từ tận Đài Loan về làng Kốp (xã Kon Gang) chính là bà Hồ Thị Vân-một người vốn không dính dáng gì đến nông nghiệp. “Tôi sang Đài Loan làm ô sin cho một gia đình khá giả ở xã Trùng Khánh, huyện Gia Nghĩa. Công việc rất nhàn, hàng ngày chăm sóc một cụ già bị bại liệt. Con trai của cụ là chủ một trang trại trồng măng tre. Ngoài thời gian làm việc nhà, thỉnh thoảng tôi tới trang trại giúp họ thu hoạch măng. Thấy tôi chịu khó nên họ rất thương, khi trở về Việt Nam, họ tặng tôi một món quà đặc biệt, đó là 6 mầm măng tre làm giống”-bà Vân kể.
 

Ông Phạm Cường-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa: “Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện từng triển khai cho nông dân một số nơi trồng nhiều giống măng tre như Bát Độ, Điền Trúc, nhưng thực tế rất khó tìm đầu ra nên sau một thời gian thì chuyển đổi cây trồng khác. Chúng ta chưa có công nghệ sấy khô, chủ yếu là làm thủ công nên chất lượng măng tre không đảm bảo. Hiện nay măng tươi và khô chỉ mới bán nhỏ lẻ ra thị trường chứ chưa có nguồn tiêu thụ lớn, hơn nữa quỹ đất các xã hiện không còn nhiều nên chưa có định hướng mở rộng vùng trồng măng”.

Theo bà Vân, Trùng Khánh là vùng nguyên liệu măng của Đài Loan, nhưng giống măng tre bà được tặng mang về Việt Nam là giống năng suất nhất, được người Đài Loan gọi là “siêu măng”. Tốc độ phát triển của giống măng này rất nhanh, cho thu hoạch chỉ sau 1 năm với sản lượng rất lớn, từ 40 kg đến 50 kg mỗi bụi. Đây cũng chính là cây trồng phát triển kinh tế cho người dân của cả vùng Trùng Khánh. Ưu điểm của giống măng tre này là rất dễ trồng, không tốn công chăm sóc. Vốn không dính dáng đến nông nghiệp nhưng bà Vân vẫn mang những mầm măng giống ấy về trồng thử ở vườn nhà, xem như kỷ niệm với xứ sở mà bà từng có thời gian gắn bó, làm việc. Không ngờ cây phát triển rất nhanh, trồng chơi nhưng ăn thật. “Ban đầu tôi chỉ trồng 1 bụi, sau nhân giống lên được 20 bụi sau vườn. Trồng ăn cho vui nhưng mỗi năm tôi cũng thu trên dưới 20 triệu đồng. Vào đầu vụ măng tươi có giá 25.000 đồng đến 30.000 đồng/kg nhưng không có để bán. So với măng địa phương, giống măng này ngon hơn, có vị giòn, ngọt, không đắng nên người dân rất thích”-bà Vân nói.

Không phải là người làm nông nghiệp, cũng không có nhiều đất đai để mở rộng vườn măng tre, nhưng trước năng suất vượt trội của giống măng Đài Loan này, bà Vân mong muốn góp thêm loại cây trồng xóa đói giảm nghèo cho địa phương. Mong muốn của bà đã được ông Nguyễn Duy Đô-một nông dân trong vùng hiện thực hóa khi phát triển vườn măng rộng trên 1 ha ngay tại làng Kốp. Ngoài diện tích măng đã cho thu hoạch nhiều năm nay, ông Đô dẫn chúng tôi đi thực địa vườn măng mới trồng 1 năm tuổi nhưng đã phủ màu xanh đậm đặc trưng lên cả một vùng đất.

Ông giới thiệu: “Mỗi bụi măng chỉ sau 1 năm trồng đã cho thu 50 kg, bán với giá rẻ nhất thị trường thì mỗi bụi cũng thu về 500.000 đồng. Tôi chưa từng thấy giống măng tre nào nhanh cho thu hoạch, năng suất lại cao như vậy”. Từ măng tươi có thể chế biến thành món măng ép theo kỹ thuật của người Đài Loan mà bà Vân học hỏi được trong thời gian làm việc ở đây. Măng ép có thể bảo quản trong tủ lạnh để ăn quanh năm mà không làm thay đổi độ tươi ngon của măng. Kỹ thuật ép tươi khá đơn giản, người dân có thể làm hoàn toàn thủ công mà không cần máy móc như vùng chuyên canh. “Cứ 10 kg măng tươi thu được 1 kg măng ép, ăn có vị giống như măng khô ở ta khi ngâm nước, luộc lên trước khi đem chế biến. Nhưng măng ép tươi ăn ngon hơn nhiều vì vẫn giữ được hương vị và độ giòn ngọt của măng”-bà Vân cho hay.

Tuy nhiên, theo bà Vân, dù giống siêu măng cho năng suất cao như vậy nhưng để phát triển diện tích trồng măng tre nên cân nhắc, xem xét. “Cây măng tre ở xã Trùng Khánh giống như cây cà phê ở Tây Nguyên vậy, họ xem đây là loại cây phát triển kinh tế nên có chiến lược cụ thể để tiêu thụ cho người nông dân. Họ bán tươi ngay khi vừa thu hoạch, hoặc chế biến thành món măng ép tươi để xuất đi. Nếu ở ta muốn phát triển rộng rãi giống siêu măng này, cơ quan quản lý cần xem xét đầu ra cho sản phẩm, tránh rơi vào quỹ đạo chung mà nhiều năm nay người nông dân vẫn gặp phải, đó là trồng ồ ạt một loại cây gì đó rồi cuối cùng lại không tìm được đầu ra, chẳng hạn như cây chanh dây vừa rồi”.

 Nguyên Bình

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.