Siết chặt quản lý việc nuôi nhốt động vật hoang dã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những năm gần đây, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường quản lý các cơ sở, chủ thể nuôi động vật hoang dã (ĐVHD). Đồng thời, tuyên truyền, vận động các cá nhân, hộ gia đình tự nguyện giao nộp cá thể vật nuôi trái phép, tiếp nhận, cứu hộ và tái thả ĐVHD về môi trường tự nhiên. 
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm, toàn tỉnh có 77 hộ dân, cơ sở gây nuôi ĐVHD với số lượng 2.533 cá thể. Các cá thể ĐVHD chủ yếu là loại thông thường và nhóm IIB có nguồn gốc tự nhiên như: hươu sao, nai, nhím, rùa, dúi, kỳ đà, cầy vòi hương, chim công Ấn Độ, heo rừng. Việc gây nuôi đã góp phần tạo sinh kế, cải thiện thu nhập và phần nào hạn chế hoạt động khai thác, săn bắt, sử dụng ĐVHD từ tự nhiên.
Tháng 7-2020, bà Tạ Thị Lân (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) mua 4 con hươu sao với giá 62 triệu đồng về nuôi thử. Nhận thấy hươu sao thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương, bà Lân tiếp tục mua thêm 3 con về nuôi. Đến nay, đàn hươu sao có con chuẩn bị sinh và 2 con đực đã cho nhung. “Nuôi hươu sao ít tốn công chăm sóc, hàng ngày chỉ cần cắt cỏ, lấy lá các loại cây về cho ăn là được. Khi hươu chuẩn bị cho nhung thì bổ sung thêm tinh bột như cám gạo, bắp. Hiện mỗi con hươu đực cho nhung 2 lần/năm, mỗi cặp nhung có trọng lượng 0,5-0,7 kg. Tôi bán nhung với giá 18-20 triệu đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, tôi thu 30 triệu đồng/năm”-bà Lân chia sẻ.
Mô hình nuôi hươu sao của gia đình bà Tạ Thị Lân (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai). Ảnh: Lê Nam
Mô hình nuôi hươu sao của gia đình bà Tạ Thị Lân (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai). Ảnh: Lê Nam
Ông Tào Huy Nam-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai-cho biết: Trên địa bàn huyện có 14 hộ gia đình đăng ký nuôi ĐVHD với số lượng 310 cá thể. Nhìn chung các hộ gây nuôi ĐVHD chủ yếu nhỏ lẻ, tận dụng thời gian nhàn rỗi và thức ăn dư thừa từ phế phẩm nông nghiệp nên chưa mang lại nguồn thu nhập ổn định. Đơn vị thường xuyên phối hợp cùng cơ quan chức năng, chính quyền địa phương kiểm tra các cơ sở đăng ký gây nuôi ĐVHD. Đồng thời, tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về công tác quản lý bảo vệ ĐVHD.
Bên cạnh việc quản lý, cơ quan chuyên môn còn tăng cường tuyên truyền, vận động cá nhân, hộ gia đình, cơ sở nuôi ĐVHD quý hiếm tự nguyện giao nộp cho Nhà nước để thả về tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Minh (662 Phạm Văn Đồng, phường Yên Thế, TP. Pleiku) cho biết: “Tôi nuôi 1 con khỉ đuôi lợn do người cô ở xã Ia Yok cho. Sau khi được cơ quan Kiểm lâm và chính quyền địa phương tuyên truyền, giải thích loài khỉ này thuộc nhóm nguy cấp quý hiếm, tôi đã làm đơn tự nguyện giao nộp cho ngành chức năng để thả về môi trường tự nhiên”. 
Bên cạnh đó, công tác cứu hộ ĐVHD cũng được ngành chức năng quan tâm. Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) đã tiếp nhận cứu hộ và tái thả 94 cá thể ĐVHD về tự nhiên. Ông Trần Văn Thụ-Giám đốc Trung tâm-cho hay: Tất cả các loài động vật đưa về Trung tâm đều được kiểm tra, đánh giá và theo dõi sức khỏe. Những cá thể nào yếu, bị thương sẽ được chăm sóc y tế và nuôi dưỡng đến khi đủ sức khỏe mới tái thả ngoài tự nhiên tại khu vực phân bố của loài đó. Đối với những loài có sức khỏe tốt được nhận bàn giao từ người dân thì tiến hành nuôi bán hoang dã, phục hồi bản năng trước khi tái thả ra môi trường tự nhiên.
Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật-Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tiếp nhận con khỉ đuôi lợn (1)
Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật (Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp nhận cá thể khỉ đuôi lợn. Ảnh: Lê Nam

Trao đổi với P.V, ông Trương Văn Nam-Trưởng phòng Quản lý, Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cho biết: “Hoạt động gây nuôi ĐVHD trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn mang tính tự phát, nuôi thử nghiệm với quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình, cá nhân. Số lượng các cá thể loài gây nuôi không nhiều, hầu hết các chủ nuôi tự bỏ vốn mua con giống, đầu tư xây dựng chuồng, trại. Đối với những hộ thuộc diện hộ nghèo mới được hỗ trợ từ các chương trình, dự án khuyến nông của tỉnh và huyện”.
Cũng theo ông Nam, thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm về săn bắt, nuôi nhốt ĐVHD. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD theo pháp luật Việt Nam, Công ước về buôn bán quốc tế các loài ĐVHD nguy cấp. Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý ĐVHD. Qua kiểm tra 36 cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn 7 huyện, thị xã cho thấy hầu hết đảm bảo thực hiện việc lập sổ, cập nhật số liệu biến động vật nuôi theo quy định của pháp luật về môi trường và thú y. Đối với hộ chưa thực hiện hồ sơ thú y, môi trường theo quy định, đoàn lập biên bản, hướng dẫn chủ nuôi liên hệ cơ quan chức năng để thực hiện các quy định Nhà nước gửi cơ quan Kiểm lâm sở tại để cập nhật vào hồ sơ quản lý.
GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.