Xử lý nhiều cơ sở vi phạm
Hiện nay, xu hướng mua bán hàng hóa trên các sàn TMĐT, nền tảng mạng xã hội phát triển rất mạnh. Cùng với đó là vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng diễn biến phức tạp.
Năm 2023, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử lý 15 vụ vi phạm liên quan đến TMĐT. Trong đó, xử phạt vi phạm hành chính 14 vụ với tổng số tiền 432 triệu đồng; chuyển 1 vụ cho cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khởi tố vụ án hình sự.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã phát hiện, xử lý 1 vụ vi phạm.
Việc mua bán hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội phát triển nhanh chóng đặt ra yêu cầu kiểm soát rất lớn đối với các ngành chức năng. Ảnh: V.T |
Cụ thể, ngày 11-1, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp với Đội Điều tra tổng hợp (Công an huyện Chư Pưh) tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh M.T Store (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh). Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh này đang livestream trên nền tảng mạng xã hội Facebook có đường link https://www.facebook.com/ThienMai86 bán 60 bộ quần áo thể thao gắn nhãn hiệu “Adidas và hình” có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu “Adidas và hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Sau khi so sánh đối chiếu với các dấu hiệu vi phạm, Đội Quản lý thị trường số 4 đã hoàn chỉnh hồ sơ trình Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh ban hành quyết định xử phạt đối với hộ kinh doanh M.T Store số tiền 21 triệu đồng; buộc tiêu hủy tất cả hàng hóa vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh-cho biết: Qua kiểm tra cho thấy, việc gian lận thương mại trên môi trường mạng, phổ biến là giả mạo nhãn hiệu với các loại hàng hóa vi phạm chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, hàng gia dụng, thiết bị điện tử…
Trên thực tế, việc mua hàng qua mạng tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng do có không ít những tổ chức, cá nhân, người bán hàng trực tuyến quảng cáo không đúng về chất lượng, kiểu dáng, công dụng của hàng hóa. Một số trường hợp bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng kém chất lượng, lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm của khách hàng để bán hàng.
Siết chặt kiểm soát hoạt động TMĐT
Ngày 15-5-2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1122/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 319/QĐ-TTg ngày 29-3-2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, tập trung các nhóm nội dung gồm triển khai đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật về chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT, bảo đảm hoạt động TMĐT minh bạch, lành mạnh, thúc đẩy phát triển TMĐT bền vững.
Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh Trương Ngọc Quyên (Ngọc Quyên shop). Ảnh đơn vị cung cấp |
Nói về công tác quản lý thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh trên môi trường TMĐT, đại diện ngành Thuế địa phương cho rằng: Khó khăn nhất hiện nay là việc kiểm soát giao dịch kinh doanh để quản lý đối tượng thu thuế, vì một đối tượng có thể có nhiều gian hàng trên 1 hoặc nhiều sàn giao dịch TMĐT cũng như có nhiều tài khoản khác nhau trên các nền tảng mạng xã hội.
Bên cạnh đó, việc kiểm soát dòng tiền cũng không dễ dàng khi mà hệ thống thanh toán theo hình thức COD (trả tiền mặt khi giao hàng) được áp dụng phổ biến; người bán không có địa điểm kinh doanh cố định…
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh TMĐT, ngành Thuế sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế, kê khai nộp thuế mới được ban hành, đặc biệt là quản lý thuế đối với TMĐT.
Thực hiện có hiệu quả công tác giám sát hồ sơ khai thuế, công tác quản lý địa bàn để kịp thời phát hiện, đưa vào quản lý đối với các trường hợp có phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT. Tăng cường công tác kiểm tra thuế đối với các tổ chức, cá nhân có doanh thu lớn, có rủi ro cao về thuế từ hoạt động TMĐT. Chủ động thu thập thông tin, dữ liệu của các cá nhân có hoạt động kinh doanh bán hàng trên Zalo, Facebook...
Theo ông Trần Quang Thành-Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, đối với các đơn vị kinh doanh trên các sàn TMĐT chính thống như: Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… thì thông tin sẽ được gửi về Tổng cục Thuế để lọc ra những doanh nghiệp nào ở địa bàn nào để quản lý thuế. Tuy nhiên, thông tin có được là hiện nay các sàn cung cấp chưa đầy đủ các hoạt động kinh doanh.
Để tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động này, Tổng cục Thuế đang xây dựng giải pháp công nghệ nhằm chắt lọc toàn bộ các hoạt động trên các sàn. Về lâu dài, Tổng cục Thuế cũng xây dựng kế hoạch các sàn sẽ có trách nhiệm khấu trừ thuế trên các giao dịch.
Đối với hoạt động kinh doanh không thuộc các sàn TMĐT chính thống (như bán hàng qua mạng xã hội Facebook, Zalo), ngành Thuế sẽ phối hợp với các ngân hàng thương mại, đơn vị vận chuyển hàng hóa để hỗ trợ thông tin và xử lý. Qua kết quả bước đầu, Cục Thuế đã xử lý và yêu cầu các cá nhân nộp thuế, nộp phạt trên 4 tỷ đồng.
Đối với vấn đề kiểm soát hàng hóa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh cho rằng, các nền tảng truyền thông xã hội đã trở thành các kênh marketing quan trọng đối với các doanh nghiệp TMĐT.
“Thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tỉnh sẽ phối hợp với Công an, Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành tìm các địa chỉ IP của các trang mạng xã hội thường xuyên livestream bán hàng, kể cả phối hợp với đơn vị cung cấp đường truyền để biết được người đăng ký đường truyền dùng gia đình hay bán hàng với tốc độ mạnh. Đây cũng là một cách khai thác, thu thập thông tin của người bán hàng trên mạng, bên cạnh việc tăng cường nắm bắt, theo dõi địa bàn”-ông Hà cho biết.