Sản phẩm mật ong hoa cà phê vươn xa trên thị trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” đã góp phần nâng cao giá trị, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Gia Lai có hơn 100 ngàn ha cà phê. Tận dụng lợi thế này, hàng trăm hộ nuôi ong đã đầu tư quy trình khép kín để chế biến các sản phẩm mật ong hoa cà phê đặc trưng của Gia Lai. Sản phẩm này có độ trong và tinh khiết, hương vị độc đáo, đậm đà hơn các loại mật ong khác và chỉ chiếm 10% sản lượng mật ong của Việt Nam. Đây là loại mật ong có công dụng tốt cho sức khỏe như dưỡng da, trị ho, viêm họng...

Tháng 11-2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức lễ công bố và trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai”.

Sở Khoa học và Công nghệ cho phép các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu này để chứng nhận sản phẩm mật ong và phấn hoa cà phê nằm trong khu vực địa lý được xác định trên bản đồ đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ gồm các huyện: Kbang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Mang Yang, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh và TP. Pleiku cũng như các dịch vụ mua bán, quảng cáo, quảng bá mật ong và phấn hoa cà phê.

Hiện nay, toàn tỉnh có 16 tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai”. Các tổ chức, cá nhân này được hỗ trợ in ấn nhận diện nhãn hiệu chứng nhận để gắn trên sản phẩm, bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, giấy tờ giao dịch trong hoạt động sản xuất kinh doanh; giới thiệu, quảng cáo sản phẩm mật ong và phấn hoa cà phê.

Hiện nay nhiều cơ sở mật ong đã đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: V.T

Hiện nay nhiều cơ sở mật ong đã đầu tư máy móc hiện đại vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: V.T

Bà Nguyễn Thị Tới-Chủ cơ sở mật ong Vương Tới (thôn 4, thị trấn Đak Đoa) chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi ong và thu mua mật ong để bán cho các doanh nghiệp. Cách đây 3 năm, tôi đã xây dựng thương hiệu sản phẩm với tên gọi Mật ong Vương Tới. Với lợi thế về vùng nguyên liệu cà phê lớn, sản lượng mật ong hoa cà phê khá cao và có nhiều đặc điểm khác biệt so với các tỉnh khác nên sản phẩm được thị trường ưa chuộng.

Đặc biệt, sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” đã tạo lợi thế cho những đơn vị được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tiếp tục gia tăng giá trị cho các sản phẩm mật ong”.

Cũng theo bà Tới, mỗi vụ, cơ sở còn thu mua khoảng vài trăm tấn mật ong để bán ra thị trường trong nước và cung ứng cho 2 đơn vị xuất khẩu. Riêng mật ong hoa cà phê đạt khoảng 70-100 tấn nên chỉ bán nội địa do sản lượng chưa đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu.

Sau khi thu mua mật ong, các cơ sở sử dụng thiết bị máy móc để hạ thủy phần, phá kết tinh, tách nước, chống nấm mốc, lên men. Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, giúp các cơ sở, doanh nghiệp từng bước xây dựng các chứng nhận chất lượng về sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Hiện nay, giá mật ong hoa cà phê bán lẻ trên thị trường dao động ở mức 80-200 ngàn đồng/kg tùy chất lượng và quy cách đóng gói, mẫu mã, uy tín của thương hiệu.

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Phước Hỷ Gia Lai tại lễ ra mắt sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai ở Hà Nội (ảnh đơn vị cung cấp).

Gian hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty TNHH Phước Hỷ Gia Lai tại lễ ra mắt sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai ở Hà Nội (ảnh đơn vị cung cấp).

Bà Đoàn Thị Thúy-Phó Giám đốc Công ty TNHH Phước Hỷ Gia Lai (thôn 8, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) cho biết: Sau khi được trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai”, bà luôn chấp hành nghiêm túc quy định về quản lý và sử dụng nhãn hiệu cho sản phẩm mật ong hoa cà phê, phấn hoa cà phê. Sản phẩm luôn đảm bảo chất lượng để gìn giữ và phát triển danh tiếng, giá trị, hình ảnh nhãn hiệu chứng nhận.

Tháng 8-2024, bà được ngành chức năng hỗ trợ tham gia lễ ra mắt sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai tại Hà Nội. “Khách đến tham quan gian hàng thấy sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nên có niềm tin rất lớn với thương hiệu Mật ong Phước Hỷ. Nhờ đó, tôi đã kết nối với các đại lý phân phối, nhà thuốc tây ở Hà Nội để bán sản phẩm. Tôi tin sản phẩm Mật ong Phước Hỷ sẽ vươn xa trên thị trường trong thời gian tới”-bà Thúy phấn khởi nói.

Gia Lai hiện có khoảng 95.760 đàn ong với sản lượng mật ong khoảng 3.360 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng mật của cả nước. 80% sản lượng mật ong của tỉnh được xuất khẩu sang Mỹ, số còn lại tiêu thụ nội địa.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Cường-Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, việc quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai” đã góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Khi được bàn giao hệ thống nhận diện của nhãn hiệu chứng nhận, các cơ sở, doanh nghiệp sử dụng bao bì sản phẩm phục vụ việc trưng bày, quảng bá và bán sản phẩm.

Vì vậy, các cơ sở, doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng ngày một tốt hơn. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện theo các quy chế, đảm bảo đúng nhãn hiệu đã đăng ký với Cục Sở hữu trí tuệ để sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai vươn xa trên thị trường.

Có thể bạn quan tâm

Anh Trần Minh Tuấn (thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) chăm sóc các chậu hoa ngũ sắc của gia đình. Ảnh: Đ.L

Thu nhập khá từ hoa ngũ sắc

(GLO)- Từ những bụi cây ngũ sắc ngoài đồng, người nông dân Gia Lai đã tỉa tót, uốn nắn để chúng thành những chậu bonsai rực rỡ sắc màu đem lại thu nhập khá, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.

Hội Liên hiệp phụ nữ xã Kon Thụp triển khai "Công trình cây xanh" tại làng Dơ Nâu để góp phần tăng lượng cây xanh trồng trên địa bàn. Ảnh: Người dân cung cấp.

Mang Yang thực hiện tốt mục tiêu trồng cây phân tán

(GLO)-Triển khai Nghị quyết số 05-NQ/HU ngày 7-5-2021 của Ban thường vụ Huyện ủy Mang Yang về trồng cây phân tán trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành của huyện đã tăng cường huy động nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh.

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Trung Quốc ra cảnh báo với sầu riêng, mít Việt Nam

Liên tiếp các lô hàng trái cây tươi của Việt Nam xuất khẩu bị nhiều nước nhập khẩu cảnh cáo vì không tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hệ thống kênh nhánh dẫn nước tại thủy lợi Plei Keo về làng Vơng Chép (xã Ayun). Ảnh: N.D

Chư Sê chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới

(GLO)- Trước thông tin dự báo về thời tiết diễn biến khắc nghiệt, cộng với việc công trình hồ thủy lợi Ia Ring gặp sự cố, huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã chủ động xây dựng phương án ứng phó với nguy cơ thiếu nước tưới cuối vụ Đông Xuân 2024-2025 nhằm giảm thiểu thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp.

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.