"Đòn bẩy" để sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai vươn xa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đang triển khai thực hiện dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê”. Đây được xem là “đòn bẩy” để sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai phát triển bền vững và vươn xa trên thị trường.
Gia đình chị Đoàn Thị Thúy (thôn 6, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) có 20 năm theo nghề nuôi ong lấy mật. Từ 100 đàn ong năm 1999, gia đình chị dần phát triển lên 400 đàn. Hiện nay, chị Thúy còn tham gia hợp tác xã và tổ liên kết nuôi ong mật với 11 hộ dân trong xã, nuôi khoảng 1.600 đàn ong. Mỗi năm, gia đình chị thu về khoảng 15 tấn mật ong và 1,5 tấn phấn hoa.
“Được sự hỗ trợ của Sở KH-CN, năm 2019, chúng tôi đã xây dựng thương hiệu “Mật ong Phước Hỷ”. Đầu năm 2020, dòng sản phẩm mật ong hoa cà phê Phước Hỷ được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Mật ong Phước Hỷ cũng được chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của khu vực. Không dừng lại ở việc xây dựng thương hiệu cá nhân, tôi luôn mong muốn địa phương sẽ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê của tỉnh để nâng tầm giá trị sản phẩm”-chị Thúy đề xuất.
Dòng sản phẩm mật ong hoa cà phê Phước Hỷ được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Mai Ka
Dòng sản phẩm mật ong hoa cà phê Phước Hỷ được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Mai Ka
Mong muốn của chị Thúy cũng chính là nguyện vọng của hầu hết người dân và các hợp tác xã sản xuất mật ong hoa cà phê trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Lập-Giám đốc Hợp tác xã Minh Phát Farm’s (tổ 1, thị trấn Chư Prông) cho hay: Hợp tác xã có gần 1.200 đàn ong lấy mật từ hoa cà phê. Hợp tác xã đang áp dụng mô hình nuôi ong thùng kế theo hướng VietGAP để nâng cao chất lượng mật và dự kiến mở rộng quy mô. “Để xây dựng thương hiệu mang tính bền vững, theo tôi, việc triển khai thực hiện dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai” là rất cần thiết. Đặc biệt, phải luôn luôn giám sát thành viên của HTX nuôi ong theo đúng quy trình để sản phẩm đạt các tiêu chí chất lượng đưa ra thị trường. Có như vậy, việc quảng bá cũng như phát triển thương hiệu mật ong hoa cà phê Gia Lai mới đi vào thực chất, bền vững”-ông Lập nêu quan điểm.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 96.000 đàn ong của 292 hộ và 4 cơ sở, doanh nghiệp nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê, tập trung ở 10 huyện, thành phố. Sản lượng mật ong đạt 2-3 ngàn tấn/năm (chiếm 10% sản lượng mật ong của cả nước). Mật ong hoa cà phê Gia Lai chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Mỹ, EU. Gia Lai hiện có hơn 97.000 ha cà phê. Đây là một trong những lợi thế để phát triển nghề nuôi ong. Theo đánh giá, mật ong hoa cà phê Gia Lai có độ đậm đặc, màu sắc và hương vị đặc trưng. Vì vậy, mật ong Gia Lai được khách hàng đánh giá cao về chất lượng. Năm 2017, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã công bố sản phẩm mật ong Gia Lai thuộc Top 10 đặc sản làm quà tặng nổi tiếng của nước ta. 
Gia Lai hiện có 292 hộ nuôi ong và 4 cơ sở, doanh nghiệp nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê. Ảnh: Mai Ka
Gia Lai hiện có 292 hộ nuôi ong và 4 cơ sở, doanh nghiệp nuôi ong lấy mật từ hoa cà phê. Ảnh: Mai Ka
Theo ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN: Dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mật ong hoa cà phê Gia Lai” được thực hiện từ tháng 11-2021 đến tháng 6-2024. Dự án tập trung thực hiện một số nội dung như: xây dựng báo cáo cơ sở khoa học, điều tra đánh giá hiện trạng sản xuất kinh doanh sản phẩm và xác định hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp cho sản phẩm mật ong hoa cà phê; hoàn thiện hồ sơ đăng ký bảo hộ và kết quả xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm; xây dựng hệ thống các văn bản, công cụ quản lý quyền sở hữu trí tuệ gắn với truy xuất nguồn gốc và quản lý chất lượng sản phẩm được bảo hộ…
“Dự án thành công sẽ là công cụ tiếp cận thị trường mạnh mẽ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nuôi ong cũng như người tiêu dùng. Ngoài ra, kết quả của dự án sẽ thúc đẩy tiềm năng du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái dựa vào lợi thế sẵn có theo định hướng thị trường. Đây cũng chính là cơ sở để tạo dựng công cụ marketing cho các sản phẩm mật ong hoa cà phê của tỉnh. Đồng thời, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của địa phương theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả bền vững bằng việc xây dựng, phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mật ong hoa cà phê Gia Lai”. Mặt khác, các sản phẩm mật ong, phấn hoa cà phê sẽ được kiểm soát chất lượng, giới thiệu quảng bá tới các thị trường tiềm năng để người tiêu dùng nhận biết, cảm nhận và tin dùng, từ đó tăng sản lượng và giá bán, góp phần thu hút lao động và tạo việc làm cho người dân địa phương, hỗ trợ phát triển du lịch, tạo sự ổn định thị trường tiêu thụ”-Giám đốc Sở KH-CN khẳng định.
MAI KA-HOÀNH SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.