Săn lùng các đội tàu sát thủ đại dương - Kỳ 4: Tàn sát thủy sản giữa biển khơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đầu tháng 5-2020, Bộ Môi trường, lâm nghiệp và ngư nghiệp Nam Phi cho biết sáu tàu giã cào Trung Quốc đã bị nộp phạt vì đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Nam Phi trái phép. Trước đó, các tàu này từng bị Namibia và Mozambique trục xuất.
Hai tàu Trung Quốc chuyển tải thủy sản. Tàu Hung Hwa 202 chuyển cá ngừ đông lạnh sang tàu đánh bắt xa bờ Hsiang Hao treo cờ Panama giữa Đại Tây Dương - Ảnh: Greenpeace
Hai tàu Trung Quốc chuyển tải thủy sản. Tàu Hung Hwa 202 chuyển cá ngừ đông lạnh sang tàu đánh bắt xa bờ Hsiang Hao treo cờ Panama giữa Đại Tây Dương - Ảnh: Greenpeace
Một thực tế phổ biến của các tàu Trung Quốc là khai thác quá mức ngoài biển khơi và trong vùng EEZ nước ngoài.
GREENPEACE
Tháng trước, Công ty đánh bắt xa bờ Ôn Châu của Trung Quốc thông báo đã đưa sáu tàu cá mới đến Senegal và Guinea Bissau để đánh bắt cá ngừ, tôm, mực và cá tầng đáy.
Càng đánh bắt xa, càng dễ sai phạm
Trong nghiên cứu với đầu đề "Các chính sách và thực tiễn của Trung Quốc về đấu tranh chống đánh bắt IUU ở các ngư trường xa bờ" đăng trên trang web ScienceDirect ngày 7-4-2020, hai nhà khoa học Trung Quốc Huihui Shen và Shuolin Huang thuộc Đại học Hàng hải Thượng Hải ghi nhận các vụ đánh bắt IUU (đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định) của tàu đánh bắt xa bờ Trung Quốc thường xuyên xảy ra tại một số vùng biển trên thế giới.
Nghiên cứu dẫn một báo cáo năm 2015 của Tổ chức môi trường Greenpeace nhấn mạnh hoạt động đánh bắt vô trách nhiệm của một số công ty thủy sản Trung Quốc như gian lận trọng tải tàu, sử dụng ngư cụ hủy diệt môi trường, đánh bắt không giấy phép, đánh bắt trong vùng biển cấm đã làm suy yếu nghiêm trọng tính bền vững của nghề cá Tây Phi. 
Greenpeace ghi nhận tàu đánh bắt xa bờ Trung Quốc thường có xu hướng tránh né thực hiện các quy định của khu vực và quốc tế.
Các học giả Trung Quốc nhận thấy Trung Quốc quản lý tàu đánh bắt xa bờ không nghiêm ngặt bằng tàu đánh cá trong nước, nhiều tàu vi phạm đánh bắt IUU nhiều lần nhưng không bị xử phạt tương xứng. 
Nghiên cứu của Huihui Shen và Shuolin Huang biện bạch do tài nguyên thủy sản trong nước cạn kiệt, nhiều ngư dân Trung Quốc chuyển sang đánh bắt xa bờ song họ không có kinh nghiệm và chuyên môn. Một số ngư dân không được đào tạo bài bản, thậm chí không biết ghi nhật ký hành trình hay giao tiếp với thanh tra viên nước ngoài.
Nghiên cứu thừa nhận các tàu đánh bắt xa bờ Trung Quốc vi phạm đánh bắt IUU không chỉ làm phương hại đến vấn đề phát triển bền vững nghề cá biển khơi mà còn bôi nhọ hình ảnh Trung Quốc. 
Cụ thể là tàu Lu Yan Yuan Yu 010. Hôm 15-3-2016, tàu cảnh sát biển Argentina phát hiện tàu này đánh bắt trái phép. Khi bị truy đuổi, tàu nhắm hướng hải phận quốc tế tháo chạy rồi còn cố tình đâm vào tàu cảnh sát biển bất chấp cảnh sát nổ súng cảnh cáo. Cuối cùng tàu bị bắn và chìm.
Theo chỉ số về đánh bắt IUU công bố vào tháng 2-2019, Trung Quốc xếp hạng chót trong 152 quốc gia có bờ biển do vi phạm đánh bắt IUU nhiều nhất và để xảy ra nhiều sự cố nhất. 
Đánh giá nêu trên rất đáng lưu ý bởi Trung Quốc là quốc gia đánh bắt lớn nhất thế giới, một trong ba thị trường thủy sản lớn nhất thế giới, nước xuất khẩu thủy sản hàng đầu và cũng là nước nhập khẩu thủy sản thứ ba thế giới. 
Chỉ số đánh bắt IUU do Công ty Poseidon Aquatic Resource Management ở Anh (chuyên tư vấn nghề cá và nuôi trồng thủy sản) và tổ chức phi chính phủ Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Thụy Sĩ) thiết lập với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Na Uy.
Phải đến ngày 1-4-2020, Trung Quốc mới thực thi "Hệ thống quản lý đánh bắt xa bờ" do Bộ Nông nghiệp ban hành thay thế quy định lỗi thời đã áp dụng 17 năm nay nhằm tăng cường tính minh bạch và ngăn chặn đánh bắt IUU của các đội tàu đánh bắt xa bờ. 
Quy định mới nêu cụ thể 13 hình thức hoạt động bất hợp pháp sẽ bị xử phạt. Hiện nay, các tổ chức phi chính phủ quốc tế ghi nhận 3/4 số tàu đánh bắt ở Tây Phi bị bắt giữ là tàu do người Trung Quốc làm chủ hoặc kiểm soát.
Tàu đánh bắt xa bờ Trung Quốc đã tước đoạt nguồn lợi thủy sản của ngư dân địa phương quen đánh bắt truyền thống, đe dọa an ninh lương thực của các quốc gia ven biển - Ảnh: cffacape.org
Tàu đánh bắt xa bờ Trung Quốc đã tước đoạt nguồn lợi thủy sản của ngư dân địa phương quen đánh bắt truyền thống, đe dọa an ninh lương thực của các quốc gia ven biển - Ảnh: cffacape.org
Đe dọa an ninh lương thực của dân địa phương
Theo báo cáo nghiên cứu của Trung tâm tư vấn Stimson (Mỹ) công bố vào tháng 11-2019, chỉ có năm nền kinh tế chiếm đến 90% hoạt động đánh bắt xa bờ gồm Trung Quốc và Đài Loan chiếm 60%, Nhật, Hàn Quốc và Tây Ban Nha chiếm mỗi nước khoảng 10%. 
Riêng Trung Quốc chiếm hơn 50% số tàu đánh bắt công nghiệp của năm nền kinh tế nêu trên. Đánh giá này phù hợp với nghiên cứu của ba tổ chức phi chính phủ (National Geographic Society, SkyTruth, Global Fishing Watch) và hai trường đại học (Stanford ở Mỹ và Dalhousie ở Canada) công bố trên tạp chí Science (Mỹ) vào tháng 2-2018.
Báo cáo của Trung tâm Stimson đánh giá các đội tàu đánh bắt xa bờ Trung Quốc thường chú trọng các ngư trường nhiều cá, dễ tiếp cận thị trường và được quản lý lỏng lẻo, chủ yếu ở Thái Bình Dương, Đông Phi và Tây Phi. 
Cụ thể ba khu vực gồm quốc đảo Kiribati, quần đảo Seychelles và Guinea-Bissau đã tiếp nhận số tàu đánh bắt xa bờ trong vùng EEZ nhiều hơn hết. 2/3 trong năm đội tàu hàng đầu tập trung đánh bắt cá ngừ là loài cá có giá trị cao.
Theo nhà nghiên cứu Sally Yozell - tác giả báo cáo và giám đốc chương trình an ninh môi trường của Trung tâm Stimson, phần lớn tàu đánh bắt xa bờ mang cờ hợp pháp nhưng rất nhiều tàu luôn giấu sản lượng khai thác. 
Họ đánh bắt trong vùng biển nhiều nước nhưng không đưa cá vào đất liền và không đầu tư vào kinh tế địa phương, vì vậy đã tước đi việc làm của dân địa phương.
Năm 1985, Trung Quốc mới thành lập đội tàu đánh bắt xa bờ đầu tiên gồm 13 chiếc đánh bắt ở châu Phi. Cuối năm 2018, Trung Quốc đã có gần 2.600 tàu đánh bắt xa bờ khai thác 2 triệu tấn cá mỗi năm. 
Hiện nay, số tàu đã tăng lên 3.400 tàu (gấp 17 lần so với Mỹ), hiện diện từ Thái Bình Dương sang Đông Phi, Tây Phi, Nam Mỹ và đánh bắt 21% sản lượng cá ghi nhận được (trên thực tế có thể nhiều hơn). Trong 10 đội tàu đánh bắt xa bờ hàng đầu hoạt động trong vùng EEZ của các quốc gia ven biển, tàu Trung Quốc chiếm gần 40%.
Nhà nghiên cứu độc lập về IUU Gilles Hosch ghi nhận với tham vọng trở thành nhà lãnh đạo quốc tế, Trung Quốc đã bị nhiều nước xem lừa đảo khai thác thủy sản toàn cầu bất chấp các khuôn khổ quốc tế. 
Ông kết luận: "Trên bình diện quốc tế, với tư cách là quốc gia cấp số đăng ký, Trung Quốc phải có quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ quyết tâm hành động ngay tức khắc đối với các tàu cá Trung Quốc dưới sự hỗ trợ của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực và theo quy định của luật pháp quốc tế".
Chuyên gia địa lý François-Xavier Bonnet thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á hiện đại (Thái Lan) nhận xét Trung Quốc đã đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò" phi lý hòng cưỡng đoạt Biển Đông. Vin vào đó, các tàu cá Trung Quốc được tàu hải cảnh hỗ trợ đã ngang ngược xua đuổi tàu cá các nước và hành động như biển nhà.
Tại diễn đàn về an ninh đại dương thường niên do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tổ chức ở Washington, DC ngày 7-1-2020, phó đô đốc Daniel Abel - phó tư lệnh lực lượng tuần duyên Mỹ - đã kêu gọi Trung Quốc ngừng nhắm mắt làm ngơ trước nạn đánh bắt IUU của tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông.
Chuyên gia Tabitha Mallory phát biểu về Biển Đông: "Trung Quốc đánh giá vấn đề chủ quyền phi lý quan trọng hơn đánh bắt IUU đến mức rõ ràng hải cảnh Trung Quốc đã không cứng rắn thực thi quy định đối với tàu họ như đã làm với tàu các nước khác".
Trong lịch sử đánh bắt trái phép, sáu con tàu có "số má" thường xuyên thay đổi tên tàu và quốc gia đăng ký để dễ bề lẩn tránh. Các tổ chức bảo vệ môi trường đã bám đuổi chúng suốt gần hai năm.
Kỳ tới: Truy tìm sáu con tàu khét tiếng
HOÀNG DUY LONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.