“Săn” đồ gỗ quý hiếm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Là một trong những tỉnh có diện tích rừng lớn với nhiều loại gỗ quý hiếm, liền kề là những cánh rừng bạt ngàn Đông Bắc Campuchia và Nam Lào nên những năm gần đây hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ gỗ trên địa bàn Gia Lai phát triển khá mạnh. Kéo theo đó là việc “săn” đồ gỗ quý hiếm có lúc được đẩy lên cao trào…

Những món hàng độc nhất vô nhị

Hầu như dân sành đồ gỗ ở Gia Lai đều biết đến hai sản phẩm được cho là “hàng độc” của ông S. ở TP. Pleiku. Đó là bộ sập rộng 1,6 mét và cánh cửa bằng nu Cà te nguyên tấm rộng trên 1,2 mét. Dân chuyên sưu tầm “hàng độc” kháo nhau rằng, mỗi món hàng của đại gia này có giá trên một tỉ đồng. Nghe đâu ông mang về từ Campuchia, những cánh rừng Tây Nguyên không còn loại này. Với ông, đó không chỉ là tài sản hay công năng sử dụng mà còn là “thương hiệu” của một đại gia có hàng chục năm lăn lộn với nghề gỗ.

Bộ bàn ghế có giá không dưới 50 triệu đồng.
Bộ bàn ghế có giá không dưới 50 triệu đồng.

Ngoài ông S. ở Pleiku có hàng chục đại gia đang sở hữu những món đồ gỗ cao cấp có giá nhiều trăm triệu đồng. Đa phần là các chủ doanh nghiệp, những người từng đảm nhiệm công việc liên quan đến… rừng. Cao cấp- theo quan niệm của giới sưu tầm đồ gỗ- trước hết là gỗ phải thuộc hàng quý hiếm, phải nu, phải có kích cỡ khác thường, sau cùng mới tính đến kỹ thuật chế tác. Một chiếc độc bình có giá hàng trăm triệu đồng. Chuyện tưởng lạ đời này lại hoàn toàn có thật đối với ông B. (đường Nguyễn Thái Bình- TP. Pleiku). Có dịp đến nhà, tôi được ông B. giới thiệu qua khối tài sản của mình. “Nó là hàng độc bởi cao 2 mét, nguyên khối và thuộc loại gỗ quý hiếm”- ông B. tiết lộ.

Ở đường Phạm Văn Đồng có một đại gia tên T. đang sở hữu bộ bàn ghế có giá trên 350 triệu đồng. Theo tôi được biết, sở dĩ có giá “trên trời” như vậy bởi hoàn toàn bằng gỗ trắc. Ông T. cho biết: Đây là món hàng thứ ba mà ông có. Trước đó, ông sở hữu một bộ bằng gỗ pơmu có giá hàng trăm triệu đồng. Chán pơmu, ông chuyển sang bộ nu dạ hương vài trăm triệu đồng. Chuyển đi, đổi lại đến bộ trắc là ông ưng ý nhất. Ông bảo: Có một đại gia ở TP. Hồ Chí Minh trả giá 400 triệu đồng nhưng ông chưa gật. Vì “Chưa tìm ra bộ nào ưng ý để thế chỗ”.

Chiếc ghế làm bằng gỗ nu cà te. Ảnh: Duy Danh
Chiếc ghế làm bằng gỗ nu Cà te. Ảnh: Duy Danh

Pleiku bây giờ rất nhiều ngôi nhà được làm toàn những loại gỗ quý hiếm. Từ cửa, sàn, lam ri, trần, cầu thang… đến tủ, bàn ghế, giường, sập, độc bình, tranh, tượng. Nhiều người còn dùng gỗ quý hiếm làm đôn kê cây kiểng trong vườn. Chỉ cần một phép tính đơn giản, giá trị số đồ gỗ họ có lên đến nhiều tỉ đồng. Không dừng lại ở các vật dụng, nhiều đại gia còn săn cả khối nu hàng trăm triệu đồng chỉ để… nhìn.

Cùng với những cuộc “săn” tìm diễn ra một cách âm ỷ trong giới đại gia, những năm gần đây, phong trào sưu tầm đồ gỗ ở Gia Lai nói chung, TP. Pleiku nói riêng diễn ra khá rầm rộ. Bây giờ, hàng nệm mút trở nên bình thường. Muốn khác thường, nhiều người đổ xô đi tìm đồ gỗ. Không đủ tiền tậu trắc, cà te, pơmu thì hương, căm xe… Không “gỗ hóa” được thì kiếm vài món để “chào hỏi” cho uy. Chính nhu cầu sử dụng đồ gỗ quý hiếm đã kéo theo hàng loạt cơ sở, dịch vụ chuyên cung cấp đồ gỗ.

Đồ gỗ quý hiếm ở đâu?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên địa bàn TP. Pleiku hiện có khoảng 50 cơ sở sản xuất, mua bán đồ gỗ. Được một cán bộ kiểm lâm giới thiệu, mới đây tôi có dịp tham quan cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hải Nam (290/325 Phạm Văn Đồng- TP. Pleiku)- một trong những cơ sở “hàng top” của Gia Lai.

Thời điểm này, cơ sở đang tập trung hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết Canh Dần. Tại gian trưng bày và xưởng làm nguội, tôi nhẩm tính có hàng trăm bộ bàn ghế, độc bình; hàng chục bộ sập, còn tranh, tượng thì nhiều vô kể. Một bộ bàn ghế giá dao động từ 30 triệu đồng đến vài trăm triệu đồng. Chủ cơ sở cho hay: 70% số đồ gỗ ở đây có xuất xứ từ Gia Lai, số còn lại có nguồn gốc từ Lào, Campuchia và các tỉnh phía Bắc. Để hàng hóa đa dạng và tinh xảo, cơ sở đã phải tuyển một số nghệ nhân làng nghề Đồng Kỵ (Bắc Ninh) và La Xuyên (Nam Định). Hàng hóa do cơ sở làm ra chủ yếu tiêu thụ trong tỉnh và các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.

Tượng phật bằng gỗ Pơmu. Ảnh: Duy Danh
Tượng phật bằng gỗ Pơmu. Ảnh: Duy Danh

Trong số hơn 50 cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở TP. Pleiku, số cơ sở “lộ thiên” như Hải Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đa phần làm ăn nhỏ lẻ và… chui(!). Đây là những địa chỉ chuyên tiêu thụ gỗ quý hiếm trôi nổi trên thị trường. Mà đã là gỗ trôi nổi thì giá thành sản phẩm khá thấp. Nếu không có sự cung ứng một cách dồi dào của lâm tặc thì số cơ sở này sẽ “chết” tắp lự. Nếu theo bảng giá bán thanh lý của UBND tỉnh, để làm ra một bộ bàn ghế gỗ hương, chủ cơ sở phải mất vài chục triệu đồng tiền gỗ. So với giá bán hiện nay nếu làm ăn chân chính thì khó có lãi, nếu không nói là lỗ.

Một người bạn ở huyện Đức Cơ khuyên tôi nên tranh thủ sưu tầm vài món đồ gỗ quý hiếm. Thấy tôi băn khoăn, anh mắng: “Nhanh chân chứ mai mốt hết rừng”. Nếu tôi nghe lời anh, và ai cũng làm như vậy thì có lẽ ngày mai rừng sẽ hết chứ không đợi đến mốt.

Duy Danh



Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.