Sai phạm tại Ban QLRPH Bắc Biển Hồ: Truy tố 12 bị can

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau thời gian điều tra, củng cố hồ sơ, chứng cứ, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã quyết định truy tố 12 bị can liên quan đến những sai phạm tại Ban Quản lý Rừng phòng hộ (QLRPH) Bắc Biển Hồ ra trước Tòa án nhân dân tỉnh để tiến hành xét xử. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 3 và 4-10-2019.
12 bị can bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố gồm: Nguyễn Đức (SN 1971)-nguyên Trưởng ban QLRPH Bắc Biển Hồ; Đặng Văn Cườm (SN 1975)-nguyên Kế toán trưởng Ban QLRPH Bắc Biển Hồ; Tưởng Tín (SN 1960)-nguyên Trưởng ban QLRPH Bắc Biển Hồ; Ngô Xuân Hiền (SN 1974)-Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku; Ngô Văn Bằng (SN 1966)-Chủ tịch UBND xã Trà Đa, nguyên Chủ tịch UBND xã Diên Phú, TP. Pleiku; Mã Phi Bình (SN 1979)-cán bộ địa chính xã Diên Phú; Nguyễn Tiến Dũng (SN 1970)-chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku; Lê Huy Phong (SN 1960)-Phó Trưởng ban Quản lý chợ Hoa Lư-Phù Đổng, TP. Pleiku; Trương Văn Hoàn (SN 1974), Phạm Thị Bích Thủy (SN 1978), Phạm Thị Trầm (SN 1986), Nguyễn Thành Tiên (SN 1964)-cùng là nhân viên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Pleiku. 
 Trụ sở Ban QLRPH Bắc Biển Hồ. Ảnh: L.G
Trụ sở Ban QLRPH Bắc Biển Hồ. Ảnh: L.G
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, bị can Đức bị truy tố về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; bị cáo Cườm bị truy tố về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”; các bị can còn lại đều bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.    
Cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh nêu rõ: Từ năm 2010 đến 2015, qua công tác thực hiện nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ đất rừng, tại Ban QLRPH Bắc Biển Hồ đã để xảy ra các sai phạm về quản lý thu chi tài chính, gây thiệt hại đến ngân sách nhà nước; sai phạm về quản lý đất đai, làm mất một phần diện tích đất rừng, gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của một số cơ quan và tổ chức trên địa bàn tỉnh trong công tác quản lý đất đai. 
Cụ thể, trong các năm 2011, 2013 và 2015, Ban QLRPH Bắc Biển Hồ thu tiền đền bù tài sản trên đất, bán thanh lý gỗ, củi nguyên liệu với tổng số tiền hơn 472 triệu đồng, Nguyễn Đức đã chỉ đạo Cườm không nộp số tiền trên vào ngân sách mà nhập vào quỹ tiền mặt của Ban nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ngày 27-5-2013, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Chư Pah cùng với Ban Quản lý dự án lưới điện miền Trung trực tiếp chi trả tiền bồi thường đất, hoa màu thuộc công trình trạm biến áp 110 kV Mang Yang và nhánh rẽ cho Ban QLRPH Bắc Biển Hồ với số tiền hơn 15 triệu đồng. Cườm là người nhận số tiền trên nhưng không nhập quỹ mà chiếm đoạt sử dụng tiêu xài cá nhân. Ngoài ra, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, Đức đã làm các tài liệu chứng từ để hợp thức hóa một phần nguồn gốc đất do mình quản lý thành đất cá nhân và đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), sử dụng thu lợi cá nhân với diện tích 16.726 m2 đất rừng gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 122 triệu đồng. 
Với bị can Tưởng Tín, dù có nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng, bảo vệ đất rừng, nhưng khi bà Mai Thị Ngọc Thỏa-nguyên cán bộ Ban QLRPH Bắc Biển Hồ đề nghị xác nhận vào 2 biên bản không tranh chấp và làm chứng với nội dung “đất khai hoang trước năm 1990, trồng cây các loại, không có tranh chấp”, Tín không chỉ đạo cán bộ kỹ thuật đo đạc, xác nhận lại diện tích đất bà Thỏa đề nghị cấp có thuộc diện tích đất lâm nghiệp của Ban hay không mà đã ký xác nhận. Điều này dẫn đến việc bà Thỏa được cấp GCNQSDĐ đối với 2 thửa đất trong diện tích đất rừng do Ban QLRPH Bắc Biển Hồ quản lý, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 222 triệu đồng. 
Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng xác định: Ngô Văn Bằng và Mã Phi Bình là những người đã tiếp nhận và xử lý 2 hồ sơ của bà Thỏa và 1 hồ sơ của Nguyễn Đức đề nghị cấp GCNQSDĐ. Dù diện tích đất này không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp và là đất lâm nghiệp thuộc lâm phần quản lý của Ban QLRPH Bắc Biển Hồ nhưng cả 2 không kiểm tra về nguồn gốc đất, không đối chiếu với bản đồ địa chính về diện tích đất mà UBND xã Diên Phú quản lý, không thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý đất đai đối với việc cấp GCNQSDĐ lần đầu, từ đó dẫn đến UBND TP. Pleiku cấp GCNQSDĐ cho bà Thỏa và Đức.
Trong khi đó, các bị can Hoàn, Thủy, Trầm, Phong, Tiên, Dũng và Hiền là công chức, nhân viên hợp đồng của Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Pleiku, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Pleiku. Quá trình làm việc, các bị can được phân công nhiệm vụ thực hiện các thủ tục cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên, khi thực hiện nhiệm vụ, các bị can đã không áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến cấp GCNQSDĐ, thiếu kiểm tra thông tin thửa đất được đề nghị cấp GCNQSDĐ. Vì vậy, các bị can không kịp thời phát hiện sai sót trong hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ của bà Thỏa và Đức để trả lại yêu cầu cấp xã xác minh, giải trình mà đã xác nhận.
 LÊ GIA

Có thể bạn quan tâm

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bắt 13 đối tượng trong đường dây buôn ma túy số lượng lớn từ Lào, Sơn La về Thái Bình

Bộ Công an vừa có Thư khen gửi Công an tỉnh Thái Bình về thành tích đấu tranh triệt phá đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy xuyên quốc gia. Công an tỉnh Thái Bình bắt giữ, khởi tố 13 đối tượng, thu giữ tổng cộng hơn 43kg ma túy các loại cùng nhiều vật chứng khác.