Sau một ngày mệt nhoài mưu sinh, nhiều người lại tìm về những quán cà phê ở quốc lộ 1 (quận Bình Tân), chợ đầu mối ở quận Thủ Đức, quận 8... để thuê võng ngủ với giá từ 15.000 đồng/đêm.
Những ngày đi cùng họ, chúng tôi cảm nhận một Sài Gòn về đêm rất khác, chứa đựng nhọc nhằn tủi hổ lẫn ước mơ đời người trên những chiếc võng tròng trành đưa giấc...
Võng đêm
21 giờ, bên trong quán cà phê sát chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, chừng 20 chiếc võng giăng dọc hai bên lối đi. Trên vách quán, mấy chiếc quạt nặng nề xua bớt muỗi và không khí ngột ngạt.
Bà Lê Thị Yến (60 tuổi, quê An Giang) lật lên lật xuống mấy lần chiếc võng xanh thẫm ở hàng cột phía ngoài. Sau khi an tâm là võng khô ráo, quạt máy có thể lia qua chỗ mình, bà mượn cái ghế nhựa nhỏ bỏ vào trong giữ chỗ.
Những người nghèo thuê võng ngủ im lìm trong đêm khuya tại một quán võng đêm gần cầu vượt Tân Thới Hiệp (quận 12). |
Bà nói: “Bữa nay lựa được chỗ này mừng ghê, gần quạt cho đỡ muỗi. Đặt cái ghế, ai tới sau thấy là biết có người lựa chỗ này rồi”. Giữ chỗ xong, bà rút 15.000 đồng đưa cho chủ quán, rồi bước ra đường đi bán tiếp.
Hỏi sao lại chọn ngủ nơi này, bà Yến đáp: “Tôi có đứa cháu thuê trọ ở bến xe Miền Tây, nhưng bên này vé số bán được hơn. Chiều nào tôi cũng tắm rửa ở bển xong rồi bắt xe buýt qua đây, bán một vòng, thuê trước cái võng đặng 12g quay lại ngủ”.
Đã bươn chải gần 20 năm ở Sài Gòn, bà trải kiếp ngủ thuê này cũng 4-5 năm nay.
Giọng bà rầu rầu: “Tôi còn nhớ đêm đầu thuê võng ngủ, không tài nào chợp mắt được vì nó cứ đung đưa, muỗi cắn, lạ chỗ, lại sợ bị mất cái túi vé số là coi như trắng tay. Dần dần rồi quen thôi, giờ đặt mình xuống là ngủ liền”.
Gần võng bà Yến là bà Phạm Thị Hoa (65 tuổi). Bà Hoa thuê võng ngủ từ lúc 7 giờ tối, chừng 9 giờ thức dậy bưng thúng bánh ngọt đi bán lòng vòng. 2 giờ khuya bà lại về đây ngủ tới sáng, chủ quán cũng chỉ tính 15.000 đồng.
Như trút được nỗi lòng, bà kể: “Tôi có đứa con trai 46 tuổi nhưng nghiện rượu nên phải đi bán bánh lấy tiền nuôi nó. Chồng thì bỏ từ mấy chục năm nay rồi. Tôi có căn nhà ở quận 1 nhưng mấy năm nay toàn ngủ võng dưới này, tiện lấy mối và bán bánh”.
Nói chưa dứt câu, bà soạn lại thúng bánh, lấy dây thun cột hai ống quần ngang mắt cá chân cho khỏi sình lầy, rồi tiếp tục đi bán.
Chừng một tiếng sau, mưa đổ ầm ầm. Mấy phu khuân vác ngoài chợ lật đật vào quán trú mưa. Quán đã chật giờ lại nồng thêm mùi mồ hôi, ẩm ướt. Tất cả tạo nên cái mùi nghèo khó thường trực.
Mặc cho bên ngoài xe hàng vẫn chạy liên tục, trong các quán nước, những chiếc võng đã kín người nằm, cơn buồn ngủ trĩu nặng trên những gương mặt nhàu nhĩ.
Khi quán là nhà
“Võng không, võng không, 20.000 đồng/đêm”, mấy thanh niên phụ bán cho mấy quán nước ở quốc lộ 1 (quận Bình Tân) chào mời khi thấy có xe máy rề tới. Một dọc những bảng hiệu thắp đèn làm nổi dòng chữ “cà phê, võng đêm”. Cạnh đó là những tiệm sửa xe, vá vỏ 24/24.
Anh Lê Duy (27 tuổi, chủ quán cà phê đầu dãy) kể rằng khu này về đêm không hề tĩnh lặng bởi những quán nước mở suốt đêm để phục vụ cánh tài xế, xe ôm, những người lỡ đường.
Anh nói do rảnh rỗi nên mấy thanh niên mới bắc ghế ra ngồi trước quán để “hóng” khách, chứ đêm nào quán cũng phải giăng thêm võng cho khách vì quá đông. Phía bên kia đường, có những quán “lộ thiên” đến mức giăng võng dưới cây trứng cá để khách nếm mùi... sương gió.
Đã nhiều năm ngủ võng thuê, ông Trương Bằng Phương (51 tuổi, chạy xe ôm ở khu vực vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân) ngáp ngắn ngáp dài cho biết: “Có tiền thì thuê nhà trọ ngủ cho sướng rồi chứ thuê võng làm gì. Chạy xe ôm dạo này hẻo lắm, như ngày nay tối thui mới kiếm được một cuốc, tiền thuê võng với tiền mua chai nước suối là sạch bách”.
Theo lời ông Phương, nếu không có mấy quán như vầy thì ông cũng không biết ngủ ở đâu giữa đêm lạnh. Trên chiếc xe cà tàng, ông còn bọc theo ít đồ đạc vật dụng. Ông nói ngày nào vô ngủ sớm thì ông xin tắm nhờ, đánh răng rửa mặt.
“Chỗ này coi như là nhà mình rồi. Mấy cái quán ở đây hầu như tôi đã ngủ qua hết rồi” - ông cho biết.
Giống như ông Phương, nhiều người cũng mang theo mình tất cả tư trang đồ đạc để đêm xuống ghé vào những quán cà phê võng tắm rửa ngủ nghỉ.
Anh Nguyễn Tuấn (36 tuổi, quê Quảng Nam) vừa dừng xe bánh bò của mình bên hông quán, vừa soạn áo để thay.
Tự nhận có gương mặt thư sinh nhưng chỉ học hết cấp II và số thì khổ “vô đối”, anh nửa đùa nửa thật: “Đi bán chục năm rồi nên tôi cũng dành được ít tiền, lẽ ra thuê được nhà trọ nhưng muốn để tiền đó... cưới vợ. Kiếm được vợ rồi tôi nghỉ không bán bánh nữa, về quê sống, thôi luôn kiếp ngủ võng”.
Đậm tính cách cần kiệm của người miền Trung, anh tính như vầy: “Một tháng tôi tốn 600.000 đồng tiền ngủ võng, tính ra rẻ hơn nhiều so với tiền thuê trọ cả triệu một tháng, rồi còn điện nước, sắm sửa đồ đạc. Ngủ di động như vầy cũng dễ buôn bán, mỗi ngày cũng lời hơn 200.000 đồng”.
Hầu như các quán cà phê võng này đều xây thêm nhà tắm để khách có chỗ rửa ráy sạch sẽ trước khi ngủ và cả nước cho khách giặt đồ. Nhiều quán còn sắm tivi màn hình phẳng mở suốt đêm để khách coi đỡ buồn.
Anh Duy cho biết: “Dù đêm nào cũng nhiều khách tắm nhưng tụi tôi không thu thêm tiền, toàn bà con nghèo khổ cả mà”. Vào mùa bóng đá, quán đông không còn chỗ mắc võng vì ngoài dân lao động, còn có dân ghiền bóng đá đi coi mấy trận bóng khuya rồi ngủ luôn ngoài quán.
Những người đã quen với việc ngủ võng thuê bộc bạch rằng việc ngủ như vậy cũng có cái thú của nó. Sau khi kết thúc một ngày làm bảo vệ ở quận Gò Vấp, anh Lê Văn Thành (30 tuổi, quê Sóc Trăng) lại chạy xe về khu vực này thuê võng ngủ.
“Ngủ ở đây hơn năm rồi, tôi cũng quen với mấy anh em hay ngủ khu này. Tối nào cũng nói chuyện hỏi han nhau cho vơi nỗi nhớ quê” - anh nói. Nhờ vậy, anh tiết kiệm được mỗi tháng ít tiền để gửi về cho cha mẹ.
Giấc ngủ không trọn
Bà Phạm Thị Hoa sắp xếp thúng bánh bán cho người buôn bán trong chợ đầu mối Thủ Đức trước khi rời quán võng đêm. |
Đêm khuya, khi những người thuê võng đã say ngủ, chủ quán vẫn thức để canh chừng xe cộ và đồ đạc cho họ. Anh Duy cho biết dù hầu như không xảy ra mất mát gì nhưng anh rất đề phòng. Khu vực giữ xe phía sau quán được rào chắn, có người thức canh xe. Phía trước quán cũng vậy.
“Họ chỉ có tài sản là chiếc xe với ít tiền, giấy tờ tùy thân. Mất một phát là tiêu luôn nên mình phải canh chừng chớ” - anh Duy nói.
Còn ông Phương thì luôn luôn bọc kỹ chiếc điện thoại di động trong túi quần, bởi nó là phương tiện “hành nghề” quan trọng chẳng kém gì chiếc xe cà tàng của ông.
Mấy phụ nữ buôn gánh bán bưng thì hay lo hay nghĩ nên chuyện giữ đồ đạc cá nhân còn cẩn thận hơn cánh đàn ông. Nằm ngủ nhưng họ ôm khư khư cái túi, và một đêm giật mình mấy lần vì nỗi lo mất của.
Tuy cái giá 15.000-20.000 đồng/chỗ ngủ đêm chỉ bằng một ổ bánh mì, một chai nước ngọt, nhưng có người cả ngày không kiếm được. Thành ra có võng để ngủ trở thành một giấc mơ nho nhỏ.
Ở chợ đầu mối Thủ Đức, bà Hai (60 tuổi) được giới bốc vác quen mặt vì dữ tợn và chuyên... ngủ ngồi. Vừa giật mình thức dậy bởi cơn mưa đột ngột, bà vừa càu nhàu. Kêu chai nước ngọt từ lúc 8g tối, bà ngủ dật ngủ dựa tới 2-3 giờ sáng đợi tới lượt bốc hàng thuê.
“Tối nào cũng chỉ 80.000 đồng thôi mà chực chờ từ chiều tới giờ. Không làm thì không biết lấy gì ăn vì bốc vác ở đây 40 năm rồi, còn nuôi thằng con đang đi tù vì chơi ma túy nữa” - bà nói, đôi mắt sâu hóm.
Ở những nơi thế này, nhu cầu của con người chỉ gói gọn quanh việc thuê một cái võng để ngả lưng. Trên những chiếc võng lắc lư, giữa cơn ngủ cơn mê chập chờn, có những giấc mơ một mái ấm êm đềm, như giấc mơ mái ấm ở quê nhà mà anh chàng tên Tuấn bán bánh bò ấp ủ.
Theo tuoitre