"Nhớ ngã tư Bảy Hiền nghen. Cho tui xuống đó nha bác tài". Suốt tuổi thơ từ Sài Gòn về vùng kinh tế mới bưng biền Long An, tôi đều đi qua ngã tư thân thương này.
|
Ngã tư Bảy Hiền nay đã khang trang hơn với Bệnh viện Thống Nhất và Trường Nguyễn Thượng Hiền đều đã được nâng cấp, xây thêm - Ảnh: TỰ TRUNG |
Đi về quê thì ra bãi xe lam gần ngã tư Bảy Hiền, lên Sài Gòn thì cũng dặn bác tài dừng xe, cho xuống đây. Cái câu "nhớ ngã tư Bảy Hiền nghen" lẫn tiếng máy xe lam nổ phành phạch đã đi vào ký ức thời khó khăn hậu chiến...
Bảy Hiền, chứng nhân lịch sử
Nếu ai đó từng ngược xuôi qua ngã tư Bảy Hiền 40 năm trước, rồi đi xa đến giờ mới trở lại, chắc chắn sẽ ngạc nhiên. Cảnh cũ, người xưa đổi thay quá nhiều. Nhà cửa khang trang hơn, điện đuốc sáng trưng, nhất là tuyến metro đang mở rộng trên trục đường Cách Mạng Tháng Tám - Trường Chinh khiến những ngôi nhà xưa cũ còn sót lại cũng phải dỡ bỏ mặt tiền.
Tuy nhiên, những người từng nhiều năm ở khu Bảy Hiền như tôi thì dù thời gian có làm đổi thay nhiều thứ nhưng vẫn còn đó những nơi chốn để có thể nhận ra ngay ngã tư thân quen. Đó là Bệnh viện Thống Nhất từng mang tên Vì Dân vẫn ngay góc đường dù đã được nâng cấp. Và Trường Nguyễn Thượng Hiền dù được xây dựng rộng lớn hơn hẳn vẫn không thể lẫn vào đâu...
Sau bước ngoặt lịch sử tháng 4-1975, bốn con đường tạo nên ngã tư Bảy Hiền đã mang tên mới. Trục đường chính từ Sài Gòn - Gia Định về Long An, Tây Ninh xuyên qua ngã tư Bảy Hiền được đổi hai tên Lê Văn Duyệt và Phạm Hồng Thái thành Cách Mạng Tháng Tám.
Con đường cắt ngang với trục này từng mang tên Võ Tánh (về hướng sân bay Tân Sơn Nhất) - Nguyễn Văn Thoại (về hướng đường Hồng Bàng) được đổi thành Hoàng Văn Thụ và Lý Thường Kiệt.
Tuy nhiên, dù thay đổi "danh phận" theo biến thiên lịch sử thế nào thì ngã tư Bảy Hiền vẫn trong tâm thức người dân. Mẹ tôi, cô gái ở quận 10, về làm dâu ở Tân Bình liền bên ngã tư này kể: "Trước năm 1970, ở đây còn mênh mông đất trống và... mồ mả. Bệnh viện Vì Dân (Thống Nhất) chưa có, Trường Nguyễn Thượng Hiền cũng chưa thành hình, chỉ là đồn cảnh sát, quân đội và những bãi đất trống lùm xùm cây cỏ, lầy lội vào mùa mưa.
Góc bên kia ngã tư về hướng Tân Sơn Nhất vẫn còn là nghĩa trang quân đội Pháp được chia hàng, chia ô thẳng tắp. Tết Mậu Thân 1968, chính nghĩa địa lại trở thành nơi giao tranh ác liệt, khói lửa mịt trời".
Là cửa ngõ Tây Bắc của Sài Gòn - Gia Định, ngã tư Bảy Hiền từng là chứng nhân của bao dâu bể ly loạn, thăng trầm thời cuộc. Nhiều đợt tấn công của quân cách mạng vào nội đô đều qua cửa ngõ này, mà thế hệ gần 50 tuổi chúng tôi lớn lên vào thời hậu chiến vẫn tìm thấy vô số vỏ đạn, đầu đạn trong các buổi mò ốc, bắt cá ngay bãi cỏ phía sau Trường Nguyễn Thượng Hiền hay dưới lòng kênh Nhiêu Lộc.
Đầu những năm 1970, ngã tư Bảy Hiền cũng từng in đậm dấu chân nhiều đoàn Việt kiều chạy nạn thảm sát từ Campuchia về nước.
Những năm sau 1975, cả nước quay quắt tìm miếng ăn với nồi cơm độn khoai, với nồi bo bo mà lứa nhỏ chúng tôi nhầm lẫn là bắp nhưng ăn vào có thể chảy máu răng vì quá cứng. Bảy Hiền tiếp tục là chứng nhân của những dòng người đi kinh tế mới.
Cửa ngõ Tây Bắc thành phố này chính là ngả đi các khu kinh tế mới Đồng Ban, Tây Ninh; Đức Hòa, Đức Huệ, Long An... Nhà tôi chính là một trong những gia đình rời khu dân cư Hiệp Nhất ở khu Bảy Hiền để về miệt bưng biền biên giới. Nhiều đợt dân đi vào buổi sáng sớm, những đoàn xe tải đậu dài bên các con đường ngã tư Bảy Hiền rực băngrôn, cờ đỏ trong cảnh đưa tiễn nhau.
Nhưng chỉ một thời gian sau, Bảy Hiền lại tiếp tục soi bóng các đồng bào đi kinh tế mới gặp khó khăn phải quay lại thành phố kiếm sống. Một lần nữa, quanh ngã tư này lại xuất hiện những xóm nghèo tự phát, những ngôi nhà tạm bợ chẳng khác gì cái chòi rách và đôi bờ kênh Nhiêu Lộc ngày càng dày đặc nhà sàn tả tơi...
|
Bảy Hiền trước năm 1975 vẫn còn ít nhà cửa và khu triển lãm Tân Bình hiện nay còn là nghĩa trang quân đội Pháp - Ảnh tư liệu |
Đường sáng, người đông vui hơn
Tuy nhiên, qua thời khó khăn hậu chiến, cửa ngõ này đã bắt đầu là chứng nhân cho đổi thay, phát triển. Những đứa trẻ đã ở tuổi ngót nghét 15 như chúng tôi chưa đủ hiểu chuyện đời, nhưng thấy rõ Bảy Hiền ngày một sáng sủa hơn, nhất là đèn đường về đêm không còn thường xuyên tối om vì cúp điện nữa.
Người qua lại ngã tư ngày trước toàn là xe đạp, giờ đã thấy xuất hiện nhiều xe máy dù vẫn chỉ là những chiếc xe máy "nghĩa địa", đồ xài rồi được mua về từ biên giới.
Sang cuối thập niên 1980 đầu 1990, người dân Bảy Hiền còn nhiều thứ để cảm nhận đất nước dần qua thời kỳ thiếu hụt miếng ăn và bước sang giai đoạn phát triển. Cuối tuần, lứa nhỏ chúng tôi hay băng qua ngã tư Bảy Hiền, đi men theo đường Lý Thường Kiệt để vào chơi chợ Tân Bình.
Ngôi chợ này ngày ấy đã được xây kiên cố, có tầng lầu, chủ yếu là bán quần áo, đồ điện tử và gia dụng. Mấy thằng bé đứng ngẩn ngơ với những cái máy cassette nhấp nháy đèn xanh đỏ, những tủ kính đầy đồng hồ điện tử bằng nhựa.
Từ khu Bảy Hiền, nếu không đi chơi chợ Tân Bình, chúng tôi cũng còn nhiều thú chơi "thời thượng" khác như dành tiền đi xem phim ở rạp Đại Lợi trên đường Phạm Văn Hai hay rạp Thanh Vân ở đường Cách Mạng Tháng Tám. Đó là những ngày không gì có thể vui sướng hơn với chúng tôi khi các phim "tư liệu" Hong Kong bắt đầu được cho chiếu lại với đầy rẫy cảnh đấm đá, bay nhảy, phát chưởng đùng đùng.
Hàng xóm tôi là chú cựu binh có chiếc xe "lam đầu bò" (lambretta) cũ nát nhưng vẫn còn phành phạch chạy được. Đám nhỏ chúng tôi được chất lên xe ngược xuôi qua ngã tư Bảy Hiền để đi chơi. Từ đêm đêm phải lang thang ra các nhà bán tivi trắng đen (sau là tivi màu) ở đầu đường Hoàng Văn Thụ để xem ké, chúng tôi đã được ngồi ghế bành rộng trong rạp phim, được mút kem lạnh. Biểu hiện của cuộc sống dần khá hơn.
Tôi còn nhớ về nửa cuối những năm 1980, quanh ngã tư Bảy Hiền ngày càng xuất hiện nhiều tiệm bán đồ sản xuất như máy nông ngư cơ trên đường Lạc Long Quân, đặc biệt là các loại máy may, máy vắt sổ trên đường Hoàng Văn Thụ và Cách Mạng Tháng Tám.
Nhiều nhà đã ra đây mua máy may về sản xuất đồ gia công cho xí nghiệp hay các chợ đầu mối Tân Bình, An Đông, Bình Tây và có đồng ra đồng vào để dần sắm sửa cái cassette, cái tivi, xe máy và sửa sang nhà cửa. Nhiều người đã lên được cơ sở sản xuất với dăm thợ may quanh xóm. Mẹ tôi chính là một trong những cơ sở đó.
Ngã tư Bảy Hiền qua thời chứng kiến những người chạy loạn chiến tranh rồi đi kinh tế mới nghèo khó, đã xuất hiện những chiếc xe máy, xe xích lô (về sau là xe tải nhỏ) đi giao hàng, lấy hàng ở các chợ đầu mối. Cuộc sống đổi thay và phát triển qua cửa ngõ trăm năm...
Hai đầu ngã tư Bảy Hiền là xóm dệt Quảng Nam với những người thợ lành nghề, và khu Ông Tạ của người Bắc di cư thạo việc buôn bán. Vào đây đã lâu, nhưng cả hai cộng đồng dân cư này vẫn còn lưu giữ đậm nét nguồn gốc quê hương miền Trung, miền Bắc với giọng nói, lối sống và sinh hoạt hằng ngày... |
Gọi tên ngã tư Bảy Hiền để tri ân người tử tế Có nhiều ghi chép về nguồn gốc tên ngã tư Bảy Hiền như nhà văn Sơn Nam cho rằng đó là tên của một người chuyên bán cỏ cho ngựa kéo xe qua ngả này. Nhưng gần đây các thông tin đã xác thực rõ ràng rằng Bảy Hiền chính là tên điền chủ Trần Văn Hiền sống bên ngã tư này. Ông là người giàu có, thương người, hay giúp đỡ kẻ khó khăn nên được kính trọng và người dân gọi tên ngã tư Bảy Hiền để ghi ân giống như nhiều địa danh mang tên nhân vật ở miền Nam. Hiện nay, hậu duệ đời thứ 3, thứ 4 của ông Trần Văn Hiền vẫn còn sống ở quận Tân Bình và quận 1. Phần hài cốt của ông vẫn đang được thờ phụng tại một ngôi chùa ở quận 1... |
Kỳ tới: An Phú Đông chỉ cách một con sông
Nhiều người nghe cái tên An Phú Đông cứ tưởng miệt quê nào xa lắc, đâu hay chỉ cách nội đô Sài Gòn một con sông nhỏ...
QUỐC VIỆT (TTO)