Rừng lim máu thịt của già Cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Cái cây nó cũng như con người. Nếu ai đứt tay, đứt chân, chảy máu thì có đau không?”, già làng hỏi các con mình như lời truyền dạy mai sau phải biết “sống có đạo” với rừng xanh...
 
Hoành Bồ vẫn còn giữ được nhiều màu xanh của rừng - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Già làng đặc biệt ấy là người Dao Thanh Phán, tên Triệu Tài Cao (79 tuổi), đã dành cả đời để trồng và giữ gìn hơn 30ha rừng lim cổ bên đèo Hạ My, sát con đường chiến lược 279...
Cây lim, cây bầu dó, cây de, cây dổi trên rừng được thương quý như chính người thân máu mủ trong nhà mình.

TRIỆU TIẾN LỘC

Ông già lim

"Chỉ cần bán vài cây lim to, ông ấy có vài trăm triệu xây nhà lớn đàng hoàng, nhưng ông kiên quyết không bán. Ông bảo rừng là tài sản vô giá, là của cải để lại cho con cháu. 
Tiền tiêu sẽ hết, nhưng để lại rừng thì sẽ được nhiều thứ vô giá..." - ông Trịnh Văn Thủy, cán bộ xã Tân Dân (huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh), giới thiệu ngắn gọn về già làng Triệu Tài Cao khi dẫn chúng tôi xuống thôn Bằng Anh nằm dọc quốc lộ 279 bên đèo Hạ My.
Đúng như giới thiệu, nhà "người giữ rừng" Triệu Tài Cao cũ kỹ nhất thôn Bằng Anh và ngay dưới tán rừng già cổ thụ. Trời hầm hập nóng, đến đây không khí dịu mát hẳn lại với những tán cây xanh ngắt. Rất nhiều cổ thụ to cả mấy vòng tay người ôm. Trong đó có những cây lim quý được truyền đời gìn giữ như máu thịt của chính người bảo vệ rừng.
Nhà ông Cao nhỏ bé nhưng gian bên trái như "phòng truyền thống" - treo các ảnh gia đình, lãnh đạo tỉnh chụp cùng ông Cao khi xuống thăm khu rừng quý. Trên chiếc giường cũ kỹ, ông Cao bị ốm đang thiêm thiếp ngủ. 
"Nhà mình tuềnh toàng. Mình bán chục cây lim thôi thì dư xây được nhà to, nhưng tâm nguyện của ông rồi, không làm trái được. Rừng già phải giữ, chỉ trồng thêm chứ không được chặt" - con trai út Triệu Tiến Lộc, bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Bằng Anh, trải bày.
 
Lộc và những gốc lim đời người của cha để lại - Ảnh: NG.KHÁNH
Người con trai này thấu hiểu bao vất vả của bố trong tâm huyết trồng và giữ rừng. Từ những năm 1960, ông Cao đã được giao diện tích đất rừng rất lớn. Bấy giờ, nhiều người cứ vô tư chặt hạ cây rừng, nhưng ông Cao là người hiếm hoi không chặt cây mà còn tìm cách tái sinh rừng.
Vào rừng, ông nhặt hạt rụng để ươm giống trồng. Nhưng khi ấy, người nông dân như ông không học hành gì về lâm nghiệp nên tỉ lệ cây trồng chết khá cao. Không nản chí, ông Cao lại mò mẫm đến các cánh rừng khác để tìm cây lim con về trồng. Ông suy nghĩ lim là cây lâu năm, nó khỏe thì có thể trồng sẽ mọc.
"Mọi người chặt cứ chặt, còn bố tôi thì cứ lầm lũi đi tìm cây về trồng. Bà con thấy vậy còn rỉ tai nhau rằng ông Cao đầu óc không bình thường" - Lộc kể. Dẹp bỏ mọi bàn tán, ông Cao và các con vẫn tiếp tục ngày đêm đợi hạt lim già rơi xuống, sau đó ươm thành cây nhỏ.
Thời gian đầu, cây cứ lên được gang tay là chết. Ông ươm được bao nhiêu, cây chết bấy nhiêu. Đến khi tìm được "bí quyết", ông Cao nhận ra lim là cây mọc tự nhiên, phát triển từ rừng nguyên sinh, rất khó để nhân giống, khó trồng, chậm lớn, và trồng thì phải cách xa nhau.
Thật khó tin một người không qua bất cứ trường lớp nào về lâm nghiệp lại có thể tìm ra phương pháp bảo tồn nguồn cây gỗ rất quý này.
"Những năm trước 1992, khi chưa khoanh vùng bàn giao đất rừng, việc trông giữ cây rất khó. Cây bố mình trồng cứ bị kẻ gian đến chặt. Khi đó, nhà mình cũng chẳng có cơ sở gì để giữ vì đã có sổ xanh, sổ đỏ gì đâu. Sau năm 1992, khi có sổ giao đất rừng cho các hộ dân, họ vẫn thi nhau chặt hạ cây tự nhiên để chuyển đổi trồng cây ngắn ngày như keo mau chóng thu tiền. Bố mình vẫn kệ thiên hạ, vẫn giục bọn mình phải trồng thêm rừng, không được chặt hạ" - Lộc tâm sự.
Anh xúc động kể bố mình đã nói với các con rằng: "Rừng là chốn nương náu không chỉ của con người mà còn của muông thú. Nhiều người gạ gẫm mua lim quý, nhưng bố mình kiên quyết lắc đầu. Thậm chí, đám lâm tặc còn bắn tiếng đe dọa mà bố mình vẫn kiên quyết giữ bằng được 32ha rừng lim quý giá".
 
Ông Cao (bìa phải) đưa cựu bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc (thứ 2 từ phải qua) thăm rừng lim - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tấm lòng bố để lại...
Lộc nhớ ngày anh em mình còn nhỏ, cũng có lúc lên rừng nô đùa, nghịch dao khắc vào thân cây. Ông Cao biết chuyện, giận rồi buồn bã cả tuần. Ông dạy các con rằng: "Cái cây nó cũng như con người. Nếu ai đứt tay, đứt chân, chảy máu thì có đau không?". Anh em Lộc thấm sâu lời bố từ ấy.
Năm 2012, đất rừng của ông Cao được cấp "sổ đỏ" và cũng là thời điểm ông già yếu, gác cuốc, chia lại rừng cho 5 con trai gìn giữ. Triệu Tiến Lộc là trai út ở cùng bố, được chia 9ha rừng cổ thụ. Trong đó chủ yếu là những cây gỗ quý với trên 200 gốc lim cổ.
"Rừng của mình có những cây lim đường kính 80-90cm, phải 2 người ôm. Gần đây vẫn có người hỏi mua 50 triệu đồng/cây mà mua cả rừng, nhưng mình lắc đầu. Họ để lại số điện thoại, bảo mình thích bán bất cứ lúc nào gọi họ sẽ đến ngay. 
Nhưng mình không bao giờ bán đâu, vì đó là kỷ vật, là tấm lòng bố để lại cho con cháu. Kinh tế giờ cũng ổn. Dưới tán rừng, mình trồng xen nhiều cây dược liệu. Bán dược liệu, tre trúc cũng tạm đủ tiền tiêu xài" - Lộc chia sẻ.
Tâm sự với chúng tôi, ông Linh Du Hồng - chủ tịch UBND xã Tân Dân - cho biết cuộc trồng rừng, giữ rừng của gia đình ông Cao giờ "nổi tiếng khắp vùng", dân xã ai cũng quý. Cũng nhờ uy tín của già làng Cao, thôn Bằng Anh đã lập được tổ bảo vệ, phát triển rừng hiệu quả.
"Nhờ những người tâm huyết giữ rừng như ông Cao, anh Lộc nên xã có diện tích đất rừng rất lớn, với trên 6.000ha. Riêng gia đình ông Cao hiện cũng có trên 27/32ha là rừng tự nhiên với trên 3.000 cây bầu dó cùng các cây gỗ quý như đinh, lim, sến, táu, vàng tâm, dé, dẻ. Đây thực sự là gia tài lớn không chỉ của gia đình mà còn của cả xã Tân Dân nên mọi người đều hết sức giữ gìn" - ông Hồng tâm sự.
Năm trước, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Đọc về thăm rừng lim cổ của ông Cao đã rất ngưỡng mộ khi biết gia đình này chưa từng được hưởng hỗ trợ gì ngoài số tiền ít ỏi hỗ trợ mua giống cây dược liệu trồng dưới tán rừng. Ông Đọc đã chỉ đạo ngành lâm nghiệp địa phương cần có những kế hoạch gìn giữ nguồn gen cây gỗ quý cũng như lan tỏa việc làm đáng quý của gia đình ông Cao…
Rừng lim ông Cao thành điểm du lịch
Theo ông Phí Tiến Lữ - phó bí thư thường trực Huyện ủy Hoành Bồ, rừng lim già của gia đình ông Triệu Tài Cao đã được quy hoạch là 1 trong 2 tuyến du lịch của huyện.

Ông Lữ cho biết tới đây huyện Hoành Bồ sẽ sáp nhập vào thành phố Hạ Long và có rất nhiều cơ hội phát triển. Nếu Hạ Long có du lịch biển, Hoành Bồ phát triển du lịch rừng - núi theo hướng xanh - bền vững.

Đức Bình- Đặng Văn Tuân (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.