Qua dốc Hoàng Yên nhớ một thời

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Đầu tuần rồi, tôi với nhà thơ Phạm Đức Long chở nhau bằng ô tô xuống xã Ia Phìn (huyện Chư Prông) trao quà của bạn đọc cho gia đình có 3 cháu bé mồ côi. Cha mẹ và người em út của các cháu đã tử vong trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc ngày 5-6 trên tuyến tỉnh lộ 663-đoạn qua thôn Hoàng Yên, xã Ia Phìn. Thôi thì chuyện tai nạn rất buồn ấy gác lại dù trên xe chúng tôi nói chuyện với nhau trong trĩu nặng âu lo về tương lai của 3 cháu bé, trong khi ông bà nội đã ngoài 70 tuổi.

Nhà thơ Phạm Đức Long kể về những ngày của khoảng năm 1985, 1986, hồi mới ra trường về nhận công tác ở Ban Kinh tế mới, anh đã đi bộ xuống đây để... nằm vùng đến mấy tháng trời chỉ đạo sản xuất với điểm dân kinh tế mới Hoàng Yên. Xe đò thời ấy chỉ tới Thanh An, là thị tứ ở ngay trên đường, khả dĩ còn nhộn nhịp. Sau này, với chủ trương đưa đô thị về vùng xa, vùng sâu, tỉnh quyết định đưa huyện lỵ Chư Prông về địa điểm bây giờ, hồi ấy rất heo hút trống trải.

Và ai muốn xuống huyện chỉ có cách là xe đò xuống Thanh An rồi lội bộ quay lại hoặc tới ngã ba Bàu Cạn thì xuống xe đi bộ vào. Con đường ấy đất đỏ bụi mù hoặc lép nhép lầy lội nếu là mùa mưa. Và, ta sẽ gặp dốc Hoàng Yên.

Một con dốc tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai (ảnh minh họa). Ảnh: Đức Thụy

Một con dốc tại huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai (ảnh minh họa). Ảnh: Đức Thụy

Tôi đã vài lần đạp xe xuống Chư Prông. Mỗi lần đi, cứ gặp con dốc này là nỗi ngao ngán dâng lên. Ngày ấy, tỉnh Gia Lai-Kon Tum có mấy con dốc mà nhắc tới ai cũng ngán, một là dốc... Đói ở Mang Yang, hai là con dốc lên Tu Mơ Rông có tên Văng Rơi (thực ra đây là con đèo) và thứ ba thì có thể kể đến dốc Hoàng Yên này.

Phạm Đức Long kể, ngày ấy, người bị sốt rét, dịch hạch rất nhiều, đa phần cứ khiêng võng ra tới dốc Hoàng Yên này là tử vong. Có một cán bộ thú y cơ sở, tới lượt con mình bị bệnh, ông quyết định không đưa đi mà dùng chính thuốc trị bệnh cho... heo, bò để tiêm cho con mình. Và con ông đã khỏi bệnh. Anh Phạm Đức Long nghề chính là kỹ sư thú y, nên giải thích cơ chế là, thực ra hồi ấy, thuốc của Liên Xô viện trợ, kháng sinh rất tốt, có thể tiêm... cho người. Và cơ chế một vài bệnh của heo, bò cũng... gần giống người. Mà trận ấy, ngành dịch tễ của tỉnh xác định là bệnh dịch hạch thể phổi, thuốc điều trị chính là streptomycin, đúng bài người cán bộ thú y đã làm.

Lại nhớ cái thời bao cấp ấy, mua thuốc thú y cũng phải giấy giới thiệu. Có người không nuôi heo nhưng quen cũng mua được, mang lên cổng chợ bán lấy tiền ăn phở. Nghe nói, thuốc ấy cũng có thể tiêm cho người, những là penicillin với streptomycin chi đó, cả heo lẫn... người dùng đều tốt. Và quả là cái thời bao cấp ấy, chúng ta đã từng rất nhiều lần dùng loại sữa nước ngoài viện trợ cho chăn nuôi, về Việt Nam thành hàng phân phối cho người.

Hoàng Yên là một thôn người dân quê Ý Yên, Hà Nam Ninh (cũ) vào kinh tế mới. Những người đi kinh tế mới thời đầu ấy rất khổ, mà khổ nhất là khi bị sốt rét, dịch hạch. Chở ra được bệnh xá, bệnh viện thì đa phần đã muộn. Dù Hoàng Yên ở gần Pleiku nhưng cũng bị thế. Còn cứ đường ấy đi thẳng vào Ia Lâu, Ia Mơr còn thăm thẳm nữa. Giờ nó thoai thoải, phẳng lì, đường nhựa mới tinh, xe bon bon chạy. Còn nhà cửa của bà con thì khang trang, hàng quán nhộn nhịp như phố. Thêm nữa, từ đây ra Pleiku hoặc vào thị trấn Chư Prông đều gần.

Năm 1983, tôi cũng từng ngủ đêm ở làng Bak, xã Ia Phìn. Tôi nhớ một đêm cuối năm, trời rất lạnh. Mấy nhà văn nằm ở nhà chị HNoanh, một nhân vật rất hay mà sau chuyến đi ai cũng có tác phẩm về chị. Và lần đầu tiên, tôi học được cách ngủ mùa lạnh trên nhà sàn là... quay chân về phía bếp lửa. Cái chân ấm thì cả người sẽ đỡ lạnh, dù nói thật là, hầu như cả đêm không ngủ được. Không ngủ được thì co ro thức. Và chứng kiến một đêm mùa khô Tây Nguyên lạ kỳ, vì lần đầu tiên gặp. Ấy là cái lạnh trong vắt, trăng cũng trong vắt, làng thoải trong trăng, trăng “gia cố” cho cái lạnh, nó cứ căm căm với gió với bụi mà luồn vào cơ thể. Nhưng mà đẹp mê hồn. Tôi nhớ cái làng cứ thoai thoải trong trăng như thế.

Và cũng nhớ, chiếc xe U oát của Hội Phụ nữ chở chúng tôi khi ra tới dốc Hoàng Yên thì trở chứng, khục khặc rồi tắt ngấm động cơ. Anh tài xế ôm cái chiếu trải xuống đất rồi nằm ngửa trườn dần vào bụng xe gõ, vặn, xoáy các kiểu. Thời ấy, đa phần tài xế đều biết sửa xe, tất nhiên là ở dạng “thứ nhất là hỏng bugi/thứ nhì là tại cái gì bên trong”, nhưng vẫn hơn rất nhiều tài xế bây giờ, chỉ biết lái. Tất nhiên là cũng tại ngày xưa toàn xe cũ, còn giờ xe mới, hiện đại, hỏng gì là vào gara thay cả cụm.

Cũng trước đấy mấy hôm, chúng tôi có chuyến xuống Ia Lâu, Ia Mơr, nơi ngày xưa là vùng rất sâu và xa của tỉnh và huyện Chư Prông. Có lần, tôi đi xe cùng chị Bình, Chủ tịch UBND huyện khi ấy, mà lạc sang đất Campuchia là hiểu như thế nào rồi. Mùa khô, rừng khộp miên man.

Mới thấy vai trò của giao thông quan trọng tới như thế nào với vùng sâu, vùng xa. Lại nhớ, trên đường từ huyện lỵ Chư Prông vào xã Ia Lâu có qua điểm 4. Giờ chả nhớ nó ở đoạn nào, chỉ biết ở đấy bà con nấu rượu rất ngon. Từng có mấy ông bạn tôi, cố đi bộ tới đấy rồi... nằm lại tới mấy ngày, chỉ vì rượu ngon quá.

Bây giờ đã có đường giao thông tốt, có điện, có kênh đưa nước từ hồ Hoàng Ân về chảy quanh làng… con dốc trầy trượt bùn lầy bụi đỏ khi xưa đã đi vào dĩ vãng, khi đã băng băng đường nhựa, không ngờ lại xảy ra một tai nạn khủng khiếp đến vậy!

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

Cần phát huy giá trị di tích: “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947”

(GLO)- Sáng 6-11, tại TP. Pleiku, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai tổ chức hội thảo khoa học di tích lịch sử “Địa điểm vụ thảm sát nhân dân làng Tân Lập năm 1947, xã Kông Bơ La, huyện Kbang” nhằm hoàn thiện hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền đề nghị xếp hạng di tích quốc gia.