Giữa mênh mông đại ngàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lâu rồi, tôi mới có dịp trở lại xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei). Chuyến công tác về với Mường Hoong của chúng tôi chưa đầy 2 ngày, nhưng cũng đủ để tôi cảm nhận, đắm say cùng với mênh mông đại ngàn nơi đây.

Ngày đầu tiên, lịch trình công việc khá dày đặc nên sau khi về đến chỗ ở được UBND xã Mường Hoong sắp xếp, tôi vùi mình vào chăn ngủ một giấc ngon lành. Những tia nắng của buổi sớm mai xuyên qua khe cửa sổ khiến tôi bừng  tỉnh giấc. Tôi chạy ra mở toang cửa. Chút se lạnh của buổi sáng sớm ùa vào khiến tôi tỉnh hẳn. Tôi hít một hơi thật sâu không khí trong lành của núi rừng. Sau cơn mưa đêm qua, có cảm giác bầu không khí ở nơi đây được gột rửa trở nên nhẹ bâng, tinh khiết, thật dễ chiu.

Từ căn nhà của Vườn ươm giống sâm Ngọc Linh nhìn ra, tôi thấy những tảng mây trôi bảng lảng như đang sà xuống thấp, phủ lên những nếp nhà, khói bếp bay lên quyện trong sương sớm làm cho khung cảnh trở nên thơ mộng. Buổi sáng ở miền sơn cước khá lạnh, nhưng nhà nào cũng dậy rất sớm nhóm bếp, nổi lửa nấu cơm lo cho bữa ăn của gia đình thật sớm, sau đó người lớn tranh thủ ra ruộng, lên rẫy bắt đầu một ngày lao động, trẻ con đến lớp cho kịp giờ.

Nắng lên, trời trong hơn, những áng mây dần tách ra, lãng đãng bay lên cao, ôm trọn dãy Ngọc Linh. Nắng sớm mùa thu vàng sóng sánh như mật ong rừng đầu mùa trải trên những thửa ruộng bậc thang còn đang gặt dở, vàng ươm. Tôi thầm nghĩ đây là “đặc ân” mà thiên nhiên dành tặng cho những “lữ khách” như tôi. Bởi, mùa này ở Mường Hoong ít có những ngày nắng đẹp đến vậy.


 

 Buổi sáng sớm, Mường Hoong mờ ảo trong sương và khói bếp. Ảnh: T.H
Buổi sáng sớm, Mường Hoong mờ ảo trong sương và khói bếp. Ảnh: T.H


Giữa bốn bề yên tĩnh, tôi lắng nghe tiếng suối reo, tiếng chim rừng lúc líu ríu, lúc lảnh lót… Tất cả hòa điệu tạo nên âm thanh lúc trầm, lúc bổng như một bản giao hưởng của đại ngàn.

Buổi sáng miền sơn cước thật tĩnh lặng khiến những âm thanh của thiên nhiên càng thêm rõ ràng, trong trẻo.

Mỗi lần về với các làng đồng bào DTTS nơi vùng sâu, nhất là đến Mường Hoong, tôi thường thích khoác ba lô tản bộ trên con đường bê tông nông thôn mới phẳng lỳ, hít hà không khí trong lành, lắng nghe tiếng nước suối dội vào không gian trong veo, hòa mình vào với thiên nhiên, với núi rừng để rũ bỏ những mệt nhọc của cuộc sống bận rộn nơi phố thị và tận hưởng sự thư thái trong tâm hồn.

Ở những nơi như thế này, tôi hay ngắm nhìn hai bên đường từng vạt hoa dại khoe sắc và nhẹ lay trước gió. Không có cảnh tấp nập ngược xuôi, không ồn ào còi xe, không vội vã bon chen, cũng chẳng phải lo toan “cơm áo gạo tiền”… như khi ở phố. Mọi thứ đều chậm rãi và bình yên.

Cô bạn tôi không cưỡng nổi vẻ đẹp của núi rừng mà tạo đủ tư thế “ép” tôi phải chụp cho ít hình để “nuôi face” (đăng trên facebook cá nhân).

Mấy người dân trong làng đi ngang qua, tưởng chúng tôi là các cô giáo mới lên nhận công tác ở vùng đất này nên cử chỉ, lời nói rất thân thiện, họ quan tâm bắt chuyện, hỏi thăm chúng tôi. Sợ chúng tôi không biết đường, có người còn gợi ý cho đi nhờ, có người tình nguyện dẫn đến trường. Nhưng đến khi biết chúng tôi là khách xa tới công tác, họ vẫn vui vẻ sẵn lòng giúp đỡ, không một chút đắn đo. Người vùng cao là vậy, thật thà, chân chất.

Trong cuộc đời làm phóng viên, chúng tôi có may mắn được đi đến nhiều nơi. Trong đó, những chuyến công tác vùng cao luôn để lại trong tôi nhiều cảm xúc khó “gọi tên” và những tình cảm đặc biệt khó diễn tả bằng lời. Và, tôi tự nhủ, đôi khi hạnh phúc không hẳn là có thu nhập cao hay sự tiện nghi trong cuộc sống. Hạnh phúc thật bình dị và nó ở ngay trong lòng mỗi chúng ta, nếu chúng ta biết yêu thương, trải lòng ra để sống với đời, với người và biết bằng lòng với những gì mình có được.

Hoàn thành mọi việc, lót dạ vài chén cơm nấu từ gạo bọc thép – loại gạo đặc sản của Mường Hoong, tôi về lại Kon Tum. Thế nhưng, chiều hôm đó khi về, tôi không đi theo con đường Tỉnh lộ 673 ra đường Hồ Chí Minh mà theo đường từ Ngọc Linh sang Tu Mơ Rông. Chiếc xe lắc lư băng băng giữa bao la núi rừng mát rượi. Tôi chống cằm, nhìn qua ô cửa kính xe, ngắm nhìn những đám mây bồng bềnh trôi, rồi kết lại ôm trọn những ngọn núi cao ngất.

Tạm biệt đại ngàn Mường Hoong- miền đất xa xôi luôn có sức hấp dẫn lạ thường với tôi, tôi thầm nghĩ chính những nơi như thế này đã góp phần làm cho mỗi chuyến đi của mình là một cuộc khám phá, trải nghiệm đầy thú vị.        


https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/giua-menh-mong-dai-ngan-20633.html

Theo Thiên Hương (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời. 
Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Mưu sinh đầu mùa nước nổi

Dân miền Tây có câu tháng Bảy nước nhảy khỏi bờ. Đó là tháng Bảy âm lịch, thời điểm nước tràn đồng trên miệt đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu. Một mùa đánh bắt cá của bà con cũng khởi phát, kéo dài suốt mấy tháng.
Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Hoài niệm ở chốn Kinh kỳ

Bên cạnh cư dân người Việt có quê gốc tại chỗ, một số đông dân cư ngụ ở Phố Hiến là từ các địa phương khác về làm ăn sinh sống. Có một sự quần tụ nơi "đất lành".
Tiếng vọng đại ngàn

Tiếng vọng đại ngàn

Tháng 8 về, Buôn Đôn trong veo những mảng màu. Rừng xanh ầm tiếng tù và. Bên dòng sông chảy ngược Sêrêpốk, nơi các dũng sĩ săn voi (gru) trứ danh từng chinh phạt mãnh tượng, hồng hoang thương nhớ những cuộc đời huyền thoại...
Nghề làm đẹp cho… người chết!

Nghề làm đẹp cho… người chết!

Người sống cần làm đẹp đã đành, mà người đã khuất cũng có luôn? Tất nhiên, nhu cầu đó của người đã khuất, đa phần xuất phát từ người thân của họ, những người còn đang sống. Ai cũng hiểu, lúc sống thế nào thì thôi, nhưng đã về bên kia thế giới, thì còn gì nữa đâu?
Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Lang thang “chợ âm phủ” trên phố núi

Mặt trời ngả xuống núi, phố nhỏ lên đèn, êm đềm chìm trong làn sương trắng mong manh. Những gánh hàng rong kẽo kẹt ghì chặt từng đôi vai gầy. Các chị, các mẹ bắt đầu xuống “chợ âm phủ”, đem theo vận may một đêm chạy hàng.