1. Ông Y Bom đón tôi trong căn nhà rộng rãi và thoáng mát ở buôn Tul (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk). Kể về người cha của mình, già Y Khiă, ông Y Bom lại nghẹn ngào: “Bố tôi mất cách đây 2 năm rồi. Ông đi mà không đau ốm gì nhiều, để lại cho gia đình khoảng trời thương nhớ”.
Già làng Y Khiă là gru cuối cùng của vùng đất Buôn Đôn. Thời trai trẻ, ông oai phong lẫm liệt khi thu phục được nhiều mãnh tượng, trong đó có con voi trắng được mệnh danh thiên sứ rừng xanh. Lịch sử vùng đất này cũng từng chứng kiến nhiều gru săn được voi trắng, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến Y Thu Knul (được vua Xiêm phong tặng danh hiệu Khunjunop - Vua săn voi), Y Soát Byă, Y Prông Êban, tên thường gọi Ama Kông và gru cuối cùng là Y Khiă (Ma Đer).
Ông Y Bom bên chú voi thuần dưỡng cuối cùng của gia đình. |
Ông Y Bom (60 tuổi) sinh ra và lớn lên ở xứ voi, trong gia đình có bố đẻ là Y Brung, một gru nức tiếng trong vùng. Tuy nhiên, tuổi thơ và những năm tháng cuộc đời của mình, ông Y Bom lại sống gần gũi và gắn bó với bố thứ hai là gru Y Khiă. Ngay từ nhỏ, Y Bom đã được theo bố vào rừng săn voi. Ký ức những cuộc đi săn vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của nài voi Y Bom.
Trước khi nói về những cuộc chinh phạt mãnh tượng, ông Y Bom đã kể về luật tục bất biến của dũng sĩ săn voi chốn rừng xanh. Theo luật, gru là bậc cao nhất trong nghề săn voi, người đó có thể tự dẫn quân đi săn voi rừng và toàn quyền quyết định trong chuyến đi săn. Những gru muốn đạt đến đẳng cấp cao nhất phải săn được bạch tượng, theo quy ước, một voi trắng bằng với 100 voi đen. Cho nên, gru săn được voi trắng sẽ được ngầm hiểu là “vua voi” hoặc đệ nhất gru.
Trong mỗi chuyến đi săn, gru (nài chính) được hưởng đầy đủ đặc quyền, được mặc áo choàng ngạo nghễ như một dũng sĩ thực thụ. Riêng nài phụ (rmăk) chỉ được đóng khố, ở trần, không được ăn cá màu trắng. Chỉ khi nào tự mình bắt được 5 con voi rừng thì sẽ được mặc quần áo, che mưa. Bắt được từ 20 con thì được phong bậc gru.
Nài phụ Y Bom và bố ruột là nài chính Y Brung. |
Săn voi là công việc cao quý và thiêng liêng, thợ săn chính là đại diện cho niềm tự hào của cả dòng họ. Cho dù là nài phụ nhưng nếu được tuyển chọn vào trong đội săn voi thì người đó phải bảo đảm đạo đức, hành xử chuẩn mực, không được có hành vi vụng trộm, có sức khỏe và trí dũng hơn người và quan trọng nhất là phải có voi nhà.
Trước khi khởi hành, thợ săn chỉ được ăn cơm với muối, không uống rượu, tránh cãi nhau, tránh ngủ với vợ và không được tắm bằng xà bông thơm trong suốt một tuần. Lúc xuất phát, các dũng sĩ sẽ nhờ già làng thực hiện nghi lễ cúng Giàng (thần linh) cầu mong gặp nhiều may mắn.
Ngoài ra, người đó phải treo một cành cây xanh ở trước cửa, ngọn quay xuống đất với ngụ ý ngưng tiếp khách. Gia đình ở nhà tuyệt đối không được tới những nơi đông người như đám cưới hỏi, tang gia mà chỉ được ở nhà, nghĩ tới những điều tốt lành cho đoàn săn đang ở rừng. Nếu trong ngày xuất quân, trong buôn có người chết hay có người sinh đẻ thì chuyến đi đành phải bỏ.
Để bắt đầu cuộc đi săn, thủ lĩnh phân công người đi vào rừng tìm kiếm, nắm bắt trước khu rừng nào có những con voi đến tuổi săn bắt để thuần dưỡng. Theo quy tắc của đồng bào Tây Nguyên, họ chỉ bắt những con voi con từ 3 đến 7 tuổi, tuyệt đối không bắt voi mẹ và không làm hại bất cứ con vật nào khác trong rừng.
Khi vào tới rừng, gru sẽ đọc thần chú để tạ ơn thần suối, thần cây, thần đất... tỏ lòng kính trọng tuyệt đối với thần rừng nên không được phép săn bắt bất cứ loài động vật nào ngoài con cá dưới suối. Trong bữa ăn, chỉ gru được ngồi phía trước ăn cơm, còn các rmăk sẽ ngồi phía sau, khẩu phần ăn cũng khác. Đó không phải là phân biệt đối xử, mà là tục lệ, thể hiện ranh giới đẳng cấp của dũng sĩ săn voi.
2. Câu chuyện săn voi trắng đã lùi xa hơn 35 năm, nhưng trong trí nhớ của nài voi Y Bom, chuyến chinh phạt ấy vẫn còn in đậm trong niềm kiêu hãnh của cả dòng tộc. Ông Y Bom không nhớ rõ ngày nào, chỉ biết đó là khoảng thời gian cuối năm 1988. Đoàn đi săn gồm 9 voi chiến. Mỗi thớt voi có 2 người điều khiển gồm một nài chính và một nài phụ. Gru Y Khiă làm thủ lĩnh dẫn đầu.
Đoàn chuẩn bị xong thì di chuyển đến điểm tập kết tại bìa rừng Yok Đôn để xuất phát. Đoàn mải miết đi vào sâu trong rừng, ăn bờ suối, ngủ gốc cây với quyết tâm phải có “chiến lợi phẩm” thì mới trở về. Đến ngày thứ năm, đoàn đi săn phát hiện một đàn voi rất lớn, khoảng gần 100 con. Tuy nhiên, để phát hiện được trong đàn có voi trắng là điều không hề dễ bởi voi trắng sẽ đi ở giữa đàn và được bảo vệ bởi đàn voi xung quanh. Bên ngoài thoạt nhìn đều giống nhau, muốn phát hiện được voi trắng, người ta thường nhìn vào mắt nó. Mắt bạch tượng có màu xanh, giống như mắt người Tây.
Khi đã xác định mục tiêu, chú voi trắng khoảng 5 tuổi, gru Y Khiă thổi một hồi tù và hú dài giữa rừng xanh. Những thợ săn da nâu bóng như tượng đồng, nét mặt cương nghị nằm rạp trên mình voi, phía trước là cuộn dây thừng dài cả trăm mét được làm bằng da của 7 con trâu đực đã phơi đủ 6 tháng nắng, nửa năm mưa. Cả đoàn chia làm các tổ, bao vây tiếp cận đàn voi rừng sau đó tấn công trực diện để tách đàn, phong tỏa mục tiêu. Loài voi trắng rất lanh lẹ, khó bắt và thuần phục, tuy nhiên, voi đầu đàn Gurny của gru Y Khiă là voi săn thiện chiến, rất giỏi nên việc bắt bạch tượng không gặp nhiều khó khăn.
Kể về những cuộc chinh phạt mãnh tượng cùng cha, ông Y Bom luôn trỗi dậy niềm tự hào. |
Sau khoảng vài giờ vây ráp, thợ săn đã tách được voi trắng ra khỏi đoàn. Gru Y Khiă quăng dây thòng lọng, móc lấy chân sau bên trái của voi con. Để voi con chạy thêm ít bước cho mệt lả, rmắk sẽ nhảy xuống rồi lựa một cây to nào đó để quăng dây cột lại. Voi con chạy vòng quanh theo thân cây như tự trói mình tại chỗ một hồi thì bị khuất phục.
Để xác định ai là người sở hữu voi trắng, trong luật đi săn, các gru đã có quy tắc rõ ràng, ai là người quăng thòng lọng vào chân voi đầu tiên thì sẽ làm chủ nhân của chú voi đó. Trong chuyến đi săn này, gru Y Khiă là người thực hiện thao tác đó cùng với chú voi săn Grurny của ông.
Dẫn voi về buôn, việc phong bậc được tiến hành bằng một lễ cúng trước sự chứng kiến của những người có vị thế trong làng. Voi trắng được gia đình gru Y Khiă đặt tên là Y Ven, được xem là bảo vật quý giá của dân làng Bản Đôn.
Nghe tin nhà gru Y Khiă săn được voi trắng, cả buôn làng kéo tới xem và chiêm ngưỡng. Trong trí nhớ của ông Y Bom, nàng voi trắng trông như thiên sứ, với bộ lông trắng sữa, nước da hồng hào. Việc thuần dưỡng Y Ven giống như các chú voi rừng khác, khoảng một tháng là Y Ven đã hiểu được ý người và tuân thủ đúng theo nguyên tắc sống của voi nhà. Khi đã thành thục, Y Ven được đưa trở lại rừng, sống đời hoang dã và trở về buôn khi chủ nhân gióng tiếng tù và mỗi chiều hoàng hôn.
Ông Y Bom cho biết, voi trắng thông minh và hiền nhất so với các loài voi khác. Khi đã bắt được voi rồi, việc huấn luyện voi rất dễ dàng vì nó biết nghe lời. Không cần trói, không cần buộc, chỉ cần một sợi dây vắt ngang là voi biết nghe lời. Chủ đi đâu, voi theo đó. Chính thân phận đặc biệt ấy mà Y Ven sớm phải rời xa vòng tay yêu thương của gru. Sau 3 tháng, Y Ven được trao tặng cho chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Gia đình gru Y Khiă được hỗ trợ một máy xay lúa và 100 tấm tôn lợp nhà.
Y Ven đi rồi, nỗi nhớ dâng trào trong lòng gru Y Khiă và những đứa con của ông. Với họ, chỉ một ngày được sống cùng voi thì ngày đó voi là người thân trong gia đình, mối quan hệ như máu mủ ruột thịt.
“Những lúc nhớ Y Ven, bố tôi lại mang tù và ra bến Tha Luống (bến tắm voi), hướng về cánh rừng Yok Đôn bạt ngàn mà thổi. Tiếng tù và như tiếng lòng khắc khoải của ông”, ông Y Bom kể. Ngày ấy, không có điện thoại liên lạc mà chỉ hỏi thăm Y Ven qua những người bạn. 4 năm sau, gia đình ông Y Bom nhận được tin báo, voi trắng Y Ven đã chết. “Y Ven mất khi chưa tròn 10 tuổi, chúng tôi buồn lắm, nhớ lắm và tiếc nuối rất nhiều”, ông Y Bom bộc bạch.
Gru Y Khiă trong một lần làm lễ cúng sức khỏe cho voi. Ảnh: Mộc Miên. |
Voi trắng Y Ven mà gru Y Khiă săn được là con thứ 31 trong hành trình đi săn của ông. Tuy đã là gru của các gru nhưng ông vẫn đam mê đi săn, mải miết trong những cánh rừng. Những cuộc chinh phạt của ông tiếp diễn cho đến năm 1995, khi Nhà nước cấm săn bắt, thuần dưỡng voi rừng.
Sau khi từ giã nghề săn voi, gia đình ông Y Bom vẫn còn 3 chú voi thuần dưỡng, là trợ thủ đắc lực đi rừng kéo gỗ, làm nhà, chở lúa ngô khoai sắn, voi giúp con người mọi công việc nặng nhọc đồng áng, phục vụ lao động sản xuất và tham gia các lễ hội của buôn làng. Thời gian nông nhàn, voi được thả vào rừng kiếm ăn và sống đời hoang dã, nhưng rồi 2 trong 3 chú voi nhà ông Y Bom đã bị người ta bắn chết lấy ngà. Nghe tin voi chết, bố con ông Y Bom đã chạy vào rừng, nhìn đám máu loang lổ trên thân voi, họ đã gục ngã. “Chúng tôi thương voi như đứt từng khúc ruột, mất voi như mất mát tình thân. Đau không nói nên lời”, ông Y Bom nhớ lại ngày 2 chú voi bị hạ sát. Năm 2008, chú voi cuối cùng nhà ông Y Bom qua đời.
Thời hoàng kim của những gru săn voi bây giờ chỉ còn trong niềm kiêu hãnh. Những chiến binh voi rừng trở về buôn chỉ biết oằn mình phục vụ khách du lịch vui chơi, giải trí. Khoảng 20 năm trở lại đây, voi nhà chết dần chết mòn và chưa hề sinh sản. Nước mắt và nỗi buồn của voi lặng lẽ chẳng ai hay. Voi nhớ thuở hồng hoang, khát khao thoát xiềng xích để trở về rừng xanh. “Tôi sợ một ngày không xa nữa, voi nhà rồi cũng sẽ rời xa con người, như mặt trời kia bị bóng đêm bao phủ. Nếu được trở về với tự nhiên, được sống đúng với bản năng hoang dã, voi sẽ có tinh thần và thể chất tốt lên. Từ đó, tình yêu của voi đơm bông, chắc chắn sẽ có những chú voi con ra đời”, ông Y Bom bộc bạch.
Theo Ngọc Hoa (CANDO)